UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 13
Loading...
Close menu
Trang chủ > Góc sẻ chia > UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 13

UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 13

Tác giả: Apollo English

Trung tâm Anh ngữ Apollo Việt Nam

Tác giả

Apollo English

Apollo English được thành lập năm 1995 bởi hai nhà đồng sáng lập – ông Khalid Muhmood và bà Arabella Peters. Chúng tôi tự hào là Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Anh ngữ 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Tại Apollo, chúng tôi tin rằng giáo dục có sức mạnh thay đổi cuộc sống. Với gần 30 năm nuôi dưỡng niềm đam mê học hỏi trẻ em Việt, chúng tôi tin rằng tiếng Anh không chỉ là một ngôn ngữ. Với một phương pháp đúng đắn, tiếng Anh sẽ cùng con mở ra chân trời mới mẻ, giúp con nhận ra đam mê của chính mình, hình thành kỹ năng, kiến thức, tư duy cảm xúc xã hội cần thiết cho tương lai.

Mục Lục

Mục Lục

    CHƯƠNG 13: TRUYỀN CẢM HỨNG

    Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ và trả lời những câu hỏi dưới đây:

    1. Thế nào là một trường học lý tưởng?

    2. Học sinh sẽ làm gì ở trường học lý tưởng đó?

    Câu trả lời của bạn: 

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

     

    Có phải việc học lúc nào cũng diễn ra trong lớp? Có phải học sinh nào cũng học theo cùng một thời khóa biểu? Có phải chỉ có giáo viên mới cung cấp được kiến thức? Có phải giáo viên luôn đứng trước lớp?

    Ngày càng có nhiều trường học thử nghiệm những cách tiếp cận mới và nhận thấy nhiều kết quả tích cực khi cung cấp cho học sinh trải nghiệm học tập phi truyền thống, tức là kiến thức có thể được chia sẻ giữa bạn bè với nhau và giáo viên đứng bên cạnh hỗ trợ, học sinh có thể học tập trong khi vẫn đang du lịch khắp thế giới hoặc mỗi học sinh có một chương trình học khác nhau.

    Không dễ gì liệt kê hết được những trường học này, vì luôn cũng có những trường đạt được những kết quả tuyệt vời và những lứa học sinh rất giỏi, chỉ là họ chưa được biết đến nhiều qua truyền thông mà thôi. Hơn nữa, trong thập kỷ tới sẽ có rất nhiều trường được thành lập với các lối tiếp cận mới mẻ, độc đáo. Hiểu được điều này, tôi đã tạo ra một danh sách toàn diện, giới thiệu sơ lược về một số trường học nổi bật và những chương trình hiện đang phổ biến trên toàn cầu. Tôi cũng hy vọng bạn đọc sẽ kết nối với tôi để đề cử một trường học mà bạn tin là rất xuất sắc, vì tôi luôn muốn bổ sung những trường này vào danh sách cho những lần tái bản sau.

     

    BIG PICTURE LEARNING

    Theo Business Insider, những trường thuộc mạng lưới trường theo phương pháp Big Picture Learning (BPL) là một trong số những trường học đổi mới sáng tạo nhất thế giới (Weller, 2016). Những trường này trải khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Chương trình học của trường ưu tiên cho những dự án dựa trên sở thích, những dự án này đồng hành với học sinh trong suốt hành trình 12 năm học phổ thông của mình. Các cũng được hướng dẫn bởi các cố vấn, họ làm việc trong những lĩnh vực mà học sinh mong muốn được tham gia trong tương lai. Để thu thập những trải nghiệm thực tế, mỗi học sinh sẽ tham gia một khóa thực tập trong một cơ quan hoặc một công ty liên quan đến chủ đề dự án của mình.

    Ở trường, học sinh được chia thành những nhóm nhỏ, được gọi là tổ tư vấn. Mỗi nhóm này sẽ được một cố vấn hỗ trợ và dẫn dắt để cá nhân hóa việc học thông qua việc xác định sở thích, tìm ra cách học tốt nhất và những động lực thúc đẩy các em. Mô hình Big Picture Learning cũng nhận được lời khen ngợi của những người có tầm ảnh hưởng như Clayton Christensen, giáo sư trường Harvard Business School và tác giả của nhiều đầu sách về đổi mới sáng tạo, cũng như những lãnh đạo có tiếng toàn cầu như Bill Gates và Barack Obama (NEXT School, 2016).

    Big Picture Learning dần được áp dụng ở nhiều quốc gia ngoài Hoa Kỳ, trong đó có Kenya. Trong một cuộc phỏng vấn với tổ chức Big Picture Learning, một học sinh lớp 11 ở Kenya tên là Barlin Muteyo đã chia sẻ rằng dự án của mình trong suốt năm học 2020 là về đại dịch COVID-19. Muteyo nói: “Mục tiêu dự án của em là nâng cao nhận thức của những người lớn tuổi cũng như những người sống xung quanh họ và cung cấp những đồ dùng thiết yếu mà họ cần.” Em ấy thực hiện những buổi phỏng vấn thực tế, đã nghiên cứu và theo dõi sự thay đổi tích cực trong cộng đồng của mình (BPLearning, 2020).

    Những dự án thực tế mà học sinh chọn theo đuổi đem lại lợi ích cho mọi quốc gia và mọi cộng đồng. Trong những quốc gia đang phát triển như Kenya, vì thiếu nguồn lực nên sự đóng góp của các học sinh thậm chí còn giá trị hơn nữa bởi lẽ chúng có thể tạo ra tác động tích cực to lớn ở chính nơi các em sống. Các dự án thực sự đem lại thay đổi lâu dài cho người dân, nhờ đó học sinh cũng cảm thấy tự tin hơn, các em chuyên tâm học hành để trở thành nhà quản lý dự án, cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề và thực sự áp dụng những kiến thức học được từ nhà trường..


    TRƯỜNG THINK GLOBAL

    Trong ba năm liền, trường THINK Global là trường học được HundrED, một tổ chức phi chính phủ tìm kiếm, vinh danh và chia sẻ những phương pháp đổi mới giúp truyền cảm hứng trong giáo dục phổ thông. Học sinh cấp Ba của trường mỗi năm được đến bốn nước khác nhau. Đây được xem như một trường “vừa học vừa đi du lịch” vậy, vì học sinh được sống và học ở khắp nơi trên thế giới. Nhà trường tin rằng nhờ vừa học tập vừa thấm nhuần văn hóa ở một cộng đồng địa phương, học sinh sẽ kết nối được với thế giới, và điều đó sẽ tạo động lực để các em cải thiện thế giới. Nhà trường rất tự hào giới thiệu những ví dụ tiêu biểu như học sinh tìm hiểu về sinh học tại bốn môi trường học khác nhau trong một năm (cuốn catalogue giới thiệu chương trình dạy của trường có hình ảnh đời sống sinh vật dưới biển quan sát trong hoạt động lặn biển ở bãi san hô Great Barrier Reef), đọc về những tác giả ở đất nước họ ra đời (như đọc Homer khi lần theo hành trình của Odysseus ở Hy Lạp), thảo luận về triết học ở chính nơi khái niệm triết học đó ra đời... Nhờ những mô hình học tại chỗ như thế này, học sinh sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ (HundrED).

    Trong suốt ba năm, học sinh sẽ đến tổng cộng 10 quốc gia, trải dài khắp năm châu. Những quốc gia có thể bao gồm Botswana, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Oman, Panama, Bosnia và Herzegovina, Úc, Chile, và Hy Lạp. Mỗi năm, học sinh đến ba nước mới, lúc nào kết thúc năm học cũng ở Hy Lạp, do đó cả năm sẽ đi được bốn nước. Năm học được thiết kế sao cho học sinh có bốn kỳ, mỗi kỳ có một tuần học trực tuyến, sau đó là tám tuần học thực địa, tiếp theo đó là năm tuần nghỉ ngơi. Không có kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, học sinh có tổng cộng 20 tuần nghỉ để nghiền ngẫm những gì đã học được và dành thời gian bên gia đình, bạn bè (THINK Global School).

    Pauli Cendoya và Tiana Seger đều học ở THINK Global School. Cả hai đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với một đại diện của trường rằng thách thức lớn nhất khi bắt đầu đi học là phải rời xa gia đình và tự mình bước vào thế giới rộng lớn ngoài kia với một nhóm hoàn toàn xa lạ (THINK Global School, 2018). Nhưng, một trong những điều mà toàn bộ trải nghiệm này đã dạy các em là hãy đặt câu hỏi ngược lại cho những niềm tin cố hữu của mình (THINK Global School, 2017). Nhờ thăm thú những nơi hoàn toàn khác với nơi ở của mình và gặp gỡ những người từ những nền văn hóa hoàn toàn khác, học sinh đã phát triển khả năng giao tiếp và hợp tác toàn cầu. Khả năng này sẽ đi theo các em suốt cả cuộc đời. Các em suy nghĩ sâu sắc hơn về mọi việc mình làm và sẵn sàng làm việc với đồng nghiệp trên khắp thế giới.


    NHỮNG TRƯỜNG HỌC KẾT HỢP (BLENDED LEARNING)

    KIPP (Knowledge is Power Program), Public Charter Schools, Navigator Schools và Summit Public Schools ở Hoa Kỳ đều là những trường giữ vai trò chính trong khóa học kết hợp miễn phí trên Coursera, có tên là Blended Learning: Personalizing Education for Students (Học kết hợp: cá nhân hóa giáo dục cho học sinh). Khóa học này được Brian Greenberg, Rob Schwartz và Michael B. Horn dẫn dắt và được trung tâm New Teacher Center, quỹ Silicon Schools Fund và viện Clayton Christensen Institute phát triển (tất cả ba cơ sở này đều tập trung vào đổi mới trong giáo dục). Trong tất cả những trường này, học sinh chủ động tham gia vào việc thiết kế quá trình học của mình và có nhiều quyền tự chủ trong một ngày học ở trường. Trường KIPP chuyên về mô hình “xoay vòng hoạt động”, trong đó học sinh luân chuyển giữa các hoạt động trong cùng lớp học, trong khi trường Navigator Schools tập trung vào “xoay vòng phòng thí nghiệm”. Ở đó, học sinh luân chuyển giữa các lớp học truyền thống khác nhau cùng một phòng máy tính. Trường Summit làm việc với mô hình “Flex” của phương pháp học kết hợp. Trong đó, ở không gian trung tâm trang bị nhiều máy tính, tiếp đến là nhiều phòng học nhỏ, nơi học sinh có thể làm việc theo các nhóm nhỏ hoặc tương tác với giáo viên. Giáo viên do đó không đứng trước lớp, mà đứng bên cạnh để hỗ trợ khi các em cần.

    Việc đưa học sinh vào mô hình học kết hợp, để vừa được học một mình, vừa được đến trường và tự do tự học với máy tính bảng không phải lúc nào cũng hiệu quả. Nhiều học sinh có thể không quen học kiểu này. Do đó, cô Caitlin Travaille, một giáo viên của trường Navigator, đã chia sẻ rằng nhà trường dành hai tuần đầu năm học không dạy bất cứ nội dung gì, chỉ để đào tạo cho học sinh trở nên độc lập hơn (New Teacher Center).

    Có rất nhiều mô hình học kết hợp, và các trường có thể chọn mô hình nào phù hợp với mình nhất. Phải mất thời gian để rèn luyện học sinh làm chủ việc học, nhưng một khi các em đã tự chủ học tập, trường học sẽ bắt đầu mang nhiều ý nghĩa hơn.

     

    TRƯỜNG KHAN LAB

    Một cách nữa để trao cho học sinh quyền tự chủ là thông qua khái niệm thực học. Trong môi trường thực học, học sinh học một chủ đề cho đến khi nào các em hiểu thấu đáo. Có nhiều câu hỏi trắc nghiệm lặp đi lặp lại thay vì những bài kiểm tra chỉ làm một lần, để giúp học sinh nhận ra những lỗ hổng kiến thức của mình. Học sinh đi từ chủ đề này đến chủ đề khác theo tốc độ của riêng mình và lấp đầy lỗ hổng kiến thức trước khi chuyển sang bài học khác cao cấp hơn.

    Như Sal Khan từng nói rất nhiều về khái niệm học làm chủ kiến thức này, ông cũng áp dụng nó trong trường mình, ngôi trường mang tên Khan Lab School (KLS). Khẩu hiệu của trường là “Ai cũng là giáo viên. Ai cũng là học sinh.” Có nghĩa là giáo viên không còn là nguồn thông tin duy nhất nữa (KLS). Giáo viên học từ học sinh và ngược lại, hoặc học sinh có thể học hỏi lẫn nhau. Thay vì giáo viên giải thích một chủ đề mới, học sinh có thể đứng trình bày trước lớp. Thay vì chỉ học trong sách, học sinh có thể hỏi lẫn nhau. Nếu học sinh bế tắc ở một vấn đề nào đó, các em có thể xem video hướng dẫn, tìm kiếm trên mạng, hỏi giáo viên hoặc hỏi bạn bè.

    Nhà trường có nhiều “phòng thí nghiệm” tùy vào hoạt động mà học sinh thích thú. Có phòng “Phát minh” ở đó học sinh có thể thiết kế, xây dựng và làm mô hình. Có phòng “Ý tưởng” để động não, tư duy, hoặc phòng “Nói chuyện” rất hữu ích để thảo luận về các ý tưởng và bàn bạc tìm cách giải quyết các vấn đề (Weller, 2017).

    Khan Lab School cũng chia học sinh thành những lớp nhiều độ tuổi khác nhau, gọi là các cấp độc lập (IL). Ví dụ, trong cấp IL 1, có nhiều học sinh từ tuổi mẫu giáo đến tuổi học lớp 1. Trong cấp IL 2, chúng ta sẽ thấy thường có học sinh lớp 2 hoặc lớp 3. Cấp độc lập cao nhất là cấp 7. Học sinh ở đây thường từ lớp 11 và lớp 12 trong hệ thống truyền thống. Ở mỗi lớp độc lập, học sinh đều được khuyến khích làm việc với nhau và hỗ trợ nhau, đó chính xác là tinh thần của khẩu hiệu nhà trường (KLS).


    TRƯỜNG BRIGHTWORKS

    Trường tiếp theo, Brightworks, là nơi mà trẻ có thể làm chính những gì mà cha mẹ ngăn con không được làm. Trẻ có thể nghịch bẩn, có thể chơi với lửa, hoặc tháo tung các thiết bị gia dụng (Weller, 2016). Trong ngôi trường này, học sinh khám phá các ý tưởng và theo đuổi sở thích của mình thông qua một cấu trúc gọi là một “cung học tập”. Mỗi cung có một chủ đề trung tâm, được khám phá từ nhiều góc độ khác nhau. Học sinh tương tác với chủ đề này theo ba giai đoạn khác nhau, là khám phá, thể hiện và trải nghiệm (Pegg). Trong một email hồi âm vào tháng 10 năm 2021, Justine Macauley, Chủ nhiệm Ban Tuyển sinh trường Brightworks, chia sẻ rằng những chủ đề này được nhà trường lựa chọn dựa trên sở thích của học sinh cũng như thực tế đang diễn ra ngoài thế giới.

    Ví dụ, một học sinh tên là Simon chọn chủ đề về gió. Simon có thể khám phá về năng lượng gió, về khí tượng học, về các chuyến bay và nghệ thuật từ những góc nhìn khác nhau để thông qua đó hiểu rõ về gió. Sau đó, Simon tìm kiếm các chuyên gia trong các lĩnh vực, kết nối và tạo mối quan hệ với họ. Simon lấy công cụ và vật liệu từ nhà trường để tự mình thử nghiệm như làm diều hoặc lắp đặt các tua bin. Em khám phá năng lượng gió nhờ lòng hiếu kỳ của mình trước khi quyết định chọn một dự án thực tế để làm.

    Rồi đến giai đoạn tiếp theo, Simon sẽ phải hoàn thành dự án đã chọn, trong khung thời gian “cung học tập” đó. Simon có thể làm thuyền và lái chiếc thuyền đó hoặc tạo ra một tác phẩm nghệ thuật thị giác về vòi rồng. Trong giai đoạn cuối cùng, khi đã gần đến thời hạn, Simon ra mắt tác phẩm của mình. Trong toàn bộ quá trình làm việc theo một cung như vậy, Simon ghi chép về tác phẩm của mình trong một hồ sơ chi tiết. Hồ sơ này có tác dụng như là một hồ sơ năng lực và bảng điểm.

    Một năm ở Brightworks có ba cung, thỉnh thoảng có những chuyến đi thực tế đan xen. Không có bài kiểm tra và điểm số. Sự tiến bộ và nỗ lực trong quá trình học tập của học sinh được thể hiện trong hồ sơ năng lực, hồ sơ ấy sẽ tiết lộ toàn bộ quá trình học tập (Brightworks).

     

    TRƯỜNG ØRESTAD GYMNASIUM

    Nếu bạn từng tưởng tượng một trường nào đó không có phòng học thì đã có một nơi như thế đang hoạt động rồi. Trường nằm ở thủ đô Đan Mạch, tên là Ørestad Gymnasium. Trường này không có phòng học, bởi thế học sinh học trong môi trường mở nơi mọi tư liệu giảng dạy đều dưới dạng kỹ thuật số (Ørestad Gymnasium).

    Thiết kế của ngôi trường này cho thấy tinh thần cởi mở và linh hoạt về quy mô nhóm, đa dạng từ cá nhân đến các nhóm, đến các lớp và cả một trường. Thiết kế đó cũng phản ánh tinh thần hướng tới một môi trường học tập năng động hơn, giống với đời thực hơn và nỗ lực đưa công nghệ thông tin vào như là một công cụ chính (Architonic).

    Nhà trường muốn đổi mới dựa trên quan niệm giảng dạy coi học sinh như là một cá thể chủ động sáng tạo thay vì là đối tượng tiêu thụ kiến thức và muốn trao cho học sinh một khao khát tự nhiên đối với việc học – không chỉ trong nhà trường mà còn trong mọi phương diện của cuộc sống bản thân. Do đó, giáo viên cố gắng kích thích cả tính hiếu kỳ học thuật lẫn hiếu kỳ thực tế. Vì tòa nhà là một phòng học khổng lồ, học sinh cảm thấy mình là một phần trong một cộng đồng rộng lớn, ở đó các em học cách tôn trọng lẫn nhau. Ví dụ, nếu một học sinh quá ồn, việc đó sẽ làm phiền tới cả trường, bởi thế thiết kế của tòa nhà tạo ra một bầu không khí nơi mà hành vi của học sinh phản ánh sự quan tâm lẫn nhau (Ashoka).

    Anders Hassing là giáo viên tại trường Ørestad Gymnasium và Cecilie Larsen là học sinh của trường. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông Denmarkdotdk, thầy Hassing nói: “Tòa nhà là một căn phòng thông suốt khổng lồ, ai cũng nhìn thấy ai đang làm gì.” Thầy Hassing chuẩn bị và trình bày mọi thứ trên mạng, bởi thế thầy không cần phải dạy bằng phấn trắng, bảng đen. Thầy nói thêm: “Tôi hoàn toàn rảnh tay để hỗ trợ học sinh và có vai trò như là một huấn luyện viên và nhà tư vấn.” Cecilie Larsen còn bổ sung thêm là học sinh trong trường phải chịu trách nhiệm với việc học của mình, mà đó là một việc khá hệ trọng với các em khi các em bắt đầu tới một ngôi trường như thế này (Denmarkdotdk, 2013).

    Tôi tin rằng môi trường này đã tạo ra áp lực tự nhiên để học tập. Nhìn mọi người đang hăng say học hành, hẳn là tự nhiên tôi cũng sẽ cảm thấy ngại ngùng nếu ngồi mãi mà không làm gì cả.


    TỔNG KẾT CHƯƠNG

    Như chúng ta có thể thấy, có rất nhiều ví dụ tuyệt vời trên khắp thế giới và danh sách này thậm chí còn chưa đầy đủ. Tương lai dường như sẽ rất hứa hẹn. Nếu chúng ta có thể lan tỏa và chia sẻ những phương pháp đổi mới từ trường này tới trường khác, nếu các trường có thể đồng hành, hợp tác cùng nhau để áp dụng những phương pháp học hiệu quả nhất, thì con em chúng ta sẽ rất háo hức đến trường.

    Có những phương pháp cho phép học sinh tự chủ hơn đối với việc học của mình và buộc các em phải kết nối các phần kiến thức lại với nhau bằng cách áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực hành, trong đời sống thực. Những trường như Brightworks, Think Global hay Big Picture Learning, tất cả đều đi theo những nguyên tắc này. Hơn nữa, nhìn vào trường Ørestad Gymnasium, chúng ta có thể thấy thiết kế ngôi trường cũng có thể giúp học sinh có được cái nhìn rất khác về việc học, tức là học không nhất thiết lúc nào cũng chỉ trong một căn phòng đóng kín.

    Trao cho học sinh quyền tự chủ hơn cũng có nghĩa là trao cho các em nhiều trách nhiệm hơn, mà có thể đây chính là cách để giúp các em khám phá mục đích sống của mình trước khi tốt nghiệp và giúp các em nuôi dưỡng đam mê và thế mạnh của bản thân trong đời sống thực.

     

                                                 ______________________________________________0o0______________________________________________

    KẾT LUẬN

    HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

    Tôi có một ước mơ. Ước mơ của tôi là được chứng kiến một hệ thống giáo dục không có những bài kiểm tra áp lực, không có bài tập về nhà vô nghĩa, không phải học thuộc các dữ kiện và phí thời gian vào việc học những nội dung không thực tế, mà học sinh thường sẽ quên ngay. Tôi hy vọng là mình vẫn còn sống cho đến ngày mà học sinh nào cũng được hưởng nền giáo dục cá nhân hóa và theo nhu cầu, để khi rời khỏi mái trường, học sinh sẽ nhận ra cá tính, thế mạnh của mình, niềm đam mê và sở trường của mình trong xã hội này.

    Chúng ta cần giúp học sinh yêu thích việc học. Chúng ta cần khuyến khích các em học tập suốt đời. Khi mọi thứ trở nên khó khăn hoặc khi học sinh vấp ngã, chúng ta cần hỗ trợ để các em đứng dậy và xem thất bại như là một cơ hội học tập.

    Ở nhà, cha mẹ cần tập cho mình thói quen để con đặt nhiều câu hỏi, thử những điều mới và để con được phạm lỗi. Khi trẻ mắc lỗi, thay vì quở mắng con, cha mẹ có thể giúp con tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng tránh sau này. Mặc dù ban đầu lỗi lầm có thể là điều dở, nhưng nếu có cái nhìn khác đi về nó thì lỗi lầm lại trở thành điều hay. Nó cũng có thể biến thành tính cách, thành bản lĩnh và kỹ năng sống đồng hành tích cực với các cá nhân trong tương lai.

    Trong nhiều năm và nhiều thập kỷ sắp tới, thị trường nghề nghiệp sẽ thay đổi và chuyển biến nhanh chóng. Tôi hy vọng chúng ta có thể dạy dỗ con cái mình và tái đào tạo lực lượng lao động hiện nay cho phù hợp với thời cuộc – nhưng cách duy nhất chính là ủng hộ và tiếp tục đưa công nghệ vào giáo dục. Muốn thế, mọi bên tham gia đều cần phải nỗ lực tiên phong. Trước hết, chúng ta cần tập trung dạy những kỹ năng phù hợp với cá nhân người học thay vì chú trọng kiến thức. Ngày nay, kiến thức đã có thể tiếp cận trực tuyến những kỹ năng thì cần nhiều sự bồi dưỡng hơn. Trong xã hội hiện đại, học sinh sẽ phải đương đầu với vô vàn bất trắc và phải biết giải quyết những tình huống, những khó khăn mà thế giới chưa từng gặp phải trước đây.


    TIẾP THEO SẼ LÀ GÌ?

    Bây giờ, bạn đã đọc xong cuốn sách này rồi. Tôi hy vọng, với những kiến thức và công cụ được chia sẻ ở đây, bạn sẽ sẵn sàng ủng hộ hoặc trở thành đại sứ thúc đẩy những thay đổi trong giáo dục. Bạn có thể bắt đầu bằng cách khơi mào những cuộc thảo luận, chia sẻ ý kiến của riêng mình và những ý tưởng từ cuốn sách này với những người xung quanh cũng như trong cộng đồng của bạn. Cảm ơn bạn vì đã sẵn sàng tiếp bước hành trình thay đổi này.

    Bạn đã rút ra được đôi điều từ tôi và tôi cũng muốn học tập bạn! Vì có nhiều trường và nhiều công ty EdTech ở ngoài kia đang làm rất nhiều việc tuyệt vời để cải tiến giáo dục, tôi mong bạn sẽ đề xuất cho tôi những ý tưởng đổi mới, sáng tạo, ý nghĩa và hiệu quả. Tôi sẽ đưa vào cuốn sách này trong những lần tái bản sau. Bạn có thể dễ dàng liên lạc với tôi trên mạng xã hội tại địa chỉ @unlockedbydp. Tôi vô cùng trân trọng những gợi ý của bạn.

    Chúng ta hãy cùng nhau làm việc này! Hãy cùng nhau thay đổi nền giáo dục để giúp những thế hệ tiếp theo khơi mở toàn bộ tiềm năng của mình!

    DAVID PHAM

     

    CÁC CHƯƠNG ĐÃ CHIA SẺ

    Chương 1: Hãy Để Con Làm xem tại đây

    Chương 2: Cùng Nhau Tiến Bộ xem tại đây 

    Chương 3: Giảng Dạy Những Kỹ Năng Thiết Yếu xem tại đây 

    Chương 4: Đánh Thức Sự Hiếu Kỳ Và Lòng Khát Khao xem tại đây

    Chương 5: Giáo Dục Kỹ Năng Bán Hàng Và Tài Chính xem tại đây

    Chương 6: Thiết Kế Trải Nghiệm Học Tập Tốt Hơn xem tại đây 

    Chương 7: Tôn Trọng Những Khác Biệt xem tại đây

    Chương 8: Chuyển Sang Phương Pháp Thực Học xem tại đây

    Chương 9: Kết Hợp Các Hình Thức Học Tập xem tại đây

    Chương 10: Phương Pháp Học Kết Hợp xem tại đây

    Chương 11: Khai Vấn - Hướng Dẫn xem tại đây

    Chương 12: Sử Dụng Công Nghệ Giáo Dục (EdTech) xem tại đây


    Theo dõi tin từ Apollo

    Đăng ký để nhận các thông tin ưu đãi và cập nhật các tin tức mới nhất từ Apollo bạn nhé!

    Tin mới nhất

    Mar 20,2024
    Trong cuốn “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” dày 239 trang với hàng ngàn ý tứ, tác giả Ibuka Masaru đã chỉ ra điều tối quan trọng trong giáo dục trẻ nhỏ đó là hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, từ thời điểm sớm nhất.
    Mar 11,2024
    Sáng tạo không chỉ dành riêng cho những nhà thiết kế, nghệ sĩ, mà còn có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.
    Jan 02,2024
    Bài ôn tập Active App chính thức ra mắt
    Nov 30,2023
    4 Cách giúp bé học nói hiệu quả: Trò chuyện với bé, lắng nghe, đọc sách, tập hát. Tìm hiểu khi nào bé nên học ngôn ngữ mới
    Nov 30,2023
    Khi nào nên cho bé học ngôn ngữ thứ 2? Nên cho bé học ngôn ngữ thứ 2 nào? Lợi ích khi cho bé học tiếng Anh.

    Quan Tâm Nhất

    May 25,2023
    Bài viết tổng hợp các từ vựng tiếng Anh dành cho bé theo chủ đề thông dụng, giúp bé liên kết mối quan hệ giữa các từ vựng để học hiệu quả hơn.
    Mar 15,2023
    Lựa chọn khóa học tiếng Anh trực tuyến cho bé theo 3 bí quyết sau sẽ giúp con tiếp thu tốt, duy trì hứng thú học tập và trở nên tự tin, lưu loát khi sử dụng tiếng Anh
    Mar 14,2023
    Có nên cho trẻ học tiếng Anh sớm? NÊN! Vì con có nhiều thời gian để học, phát âm chuẩn xác như người bản xứ, tự tin giao tiếp, cơ hội nghề nghiệp
    Mar 08,2023
    Bài viết giới thiệu 100 mẫu câu học tiếng Anh giao tiếp cho bé cơ bản, giúp bé đầu đời có thể nghe, nói, phát âm tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày.
    Feb 18,2023
    Học tiếng Anh cho bé 5 tuổi với 5 cách phù hợp tâm lý, sở thích và tiềm năng sẽ giúp bé phát triển các kỹ năng tiếng Anh nghe, nói, phát âm hiệu quả

    Tin liên quan

    Bài tập từ vựng tiếng Anh lớp 1 với những hình ảnh sinh động sẽ giúp bé dễ dàng ôn tập và ghi nhớ từ mới một cách hiệu quả
    Tại Apollo English, chúng tôi luôn tin rằng mỗi học viên xứng đáng được trang bị những hành trang tốt nhất để trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai
    “Kỳ lạ thật, con mình mới hôm kia thôi còn đòi mua cuốn sách này bằng được, nói là con thích lắm, mẹ mua cho con đi