UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 10
Loading...
Close menu
Trang chủ > Góc sẻ chia > UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 10

UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 10

Tác giả: Apollo English

Trung tâm Anh ngữ Apollo Việt Nam

Tác giả

Apollo English

Apollo English được thành lập năm 1995 bởi hai nhà đồng sáng lập – ông Khalid Muhmood và bà Arabella Peters. Chúng tôi tự hào là Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Anh ngữ 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Tại Apollo, chúng tôi tin rằng giáo dục có sức mạnh thay đổi cuộc sống. Với gần 30 năm nuôi dưỡng niềm đam mê học hỏi trẻ em Việt, chúng tôi tin rằng tiếng Anh không chỉ là một ngôn ngữ. Với một phương pháp đúng đắn, tiếng Anh sẽ cùng con mở ra chân trời mới mẻ, giúp con nhận ra đam mê của chính mình, hình thành kỹ năng, kiến thức, tư duy cảm xúc xã hội cần thiết cho tương lai.

Mục Lục

Mục Lục

    CHƯƠNG 10: PHƯƠNG PHÁP HỌC KẾT HỢP

    Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ và trả lời những câu hỏi dưới đây:

    1. Học kết hợp (blended learning) là gì?

    2. Thế nào là quan niệm mới về bài tập về nhà?

    Câu trả lời của bạn: 

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…


    Tôi là một thầy giáo và khi dạy bài mới, tôi nhận ra, ngay từ đầu, một số học sinh đã không hiểu tôi đang dạy gì vì các em không chú ý. Tôi không thể giảng đi giảng lại cho những học sinh nào chưa theo kịp vì hầu hết các em khác đã hiểu bài rồi. Kể cả khi biết là em nào đó cần giảng chậm lại thì tôi cũng không thể làm chậm bài giảng của cả lớp. Tôi không thể tạo điều kiện để các em nghe tôi giảng đi giảng lại bao nhiêu lần các em cần cũng được. Nhất là khi trong bài học có những khái niệm chủ chốt, thể nào cũng có em bỏ lỡ mất thông tin quan trọng.

    Thật khó có thể cùng lúc hỗ trợ cho riêng từng em trong lớp. Nhưng nếu chia lớp ra thành các nhóm, để học sinh làm việc độc lập với nhau thì việc quan tâm chú ý sát sao đến từng nhóm nhỏ đó sẽ dễ dàng cho tôi hơn.

    Vậy học kết hợp là gì?

    Theo quan niệm phổ biến nhất thì học kết hợp là kết hợp giữa học trực tuyến và trên lớp,nhằm để tận dụng được những nguồn tài nguyên sẵn có trên mạng. Hiện tại có tới 12 mô hình học kết hợp (TeachThought). Theo một nghiên cứu có tên là Preparing for the Digital University (Chuẩn bị cho trường Đại học Công nghệ số), học kết hợp đã chứng minh là cho kết quả học tập tốt hơn so với những kiểu học riêng rẽ (Valamis, 2021). Các cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng 70% học sinh nói rằng các em học hiệu quả nhất trong lớp học kết hợp và 60% giáo viên công nhận học kết hợp cải thiện khả năng học tập của học sinh (Pandurov, 2021).

    Cô Catlin R. Tucker, giáo viên từ trường Trung học Windsor ở California, đã áp dụng việc học kết hợp này trong lớp học của mình. Cô chia sẻ: “Tôi đã từng trải qua nên tôi biết chỉ nhắc đến việc kết hợp công nghệ vào một lớp học truyền thống thôi là đã thấy khó khăn tới mức nào rồi. Tôi cảm thấy e ngại và lo lắng. Tôi biết đây là một bước đi lớn – nhưng phần thưởng của nó thậm chí còn lớn hơn” (Tucker, 2013).

    Để không làm bạn cảm thấy quá tải, tôi sẽ chỉ giới thiệu hai mô hình mà tôi tin là đơn giản, dễ áp dụng nhưng cũng vẫn sẽ có tác động to lớn đến trải nghiệm học tập nói chung.


    LỚP HỌC ĐẢO NGƯỢC

    Có thể mô hình đơn giản nhất nhưng lại hiệu quả nhất là lớp học đảo ngược (flipped classroom). Mô hình này dựa trên một ý tưởng đơn giản là hoán đổi mục đích làm bài tập về nhà và mục đích học trên lớp.

    Tất cả chúng ta đều đã quen với trình tự dạy học là giáo viên dạy bài mới trên lớp, sau đó giao bài tập về nhà để học sinh thực hành kiến thức mới được học đó.

    Vì thời gian trên lớp có hạn, giáo viên chỉ dạy bài mới một lần (có nghĩa là học sinh không được nghe giảng đến lần thứ hai) và theo một phong cách (hoặc là giáo viên viết lên bảng hoặc thỉnh thoảng trình bày dưới dạng video), nhiều học sinh có thể không hiểu bài mới. Sau đó, giáo viên cho bài tập để học sinh làm ở nhà.

    Hãy tưởng tượng một học sinh chăm chỉ tên là Lealdo (học lớp bốn, khoảng 10 tuổi) ghi chép cẩn thận bài mới thuộc môn toán. Lealdo hợp với việc học qua thị giác, còn nghe giảng thì khó tiếp thu trừ khi em được nghe lại nhiều lần. Do đó, Lealdo cố gắng làm bài tập toán, nhưng các phân số quá khó, và em không hiểu những gì cô Green, cô giáo của em, giải thích.

    Trong tiết toán tiếp theo, cô Green kiểm tra bài tập về nhà. Lúc nào cũng có vài học sinh không hoàn thành, hoặc vì các em lười biếng, bận rộn, hoặc chỉ vì các em không hiểu bài, kể cả khi học sinh đã rất cố gắng ở lớp cũng như ở nhà như Lealdo. Cô Green không có thời gian để ôn tập cùng với những em không làm bài tập về nhà và cô phải dạy tiếp bài mới cho cả lớp theo yêu cầu của chương trình.

    Với cách dạy này, học sinh nào không hiểu bài trước và không làm bài về nhà thì sẽ bị hổng kiến thức (đối với các em nhỏ tuổi thì một giáo viên tận tâm có thể gửi tin nhắn cho cha mẹ nói rằng em học sinh đó liên tục không hoàn thành bài tập về nhà, và rất có thể mọi thầy cô đều làm như vậy). Càng ngày càng có nhiều lỗ hổng nên cho đến khi có bài kiểm tra hoặc bài thi tiếp theo, em đó sẽ bị điểm thấp. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại, sau đó học sinh không lên nổi lớp (một trường học hoặc cơ sở giáo dục quan tâm đến học sinh có thể tổ chức dạy phụ đạo để các em không bị đúp lớp, nhưng việc này tốn chi phí và nhân lực).

    Những gì mà các em cần là được học bài mới theo cách thích hợp hơn với mình, dựa trên phong cách học tập của mình. Đây chính là lúc lớp học đảo ngược có thể hữu ích. Học sinh có thể lên mạng (để đọc báo, xem video, sắp xếp các cuộc gọi với các bạn trong lớp để thảo luận, kết nối với ai đó cách xa hàng ngàn cây số...) để bước đầu làm quen với chủ đề mới này. Các em có thể đọc lại, xem lại hoặc nói chuyện với các bạn bao nhiêu cũng được, nhanh chậm thế nào cũng được, miễn là để hiểu được bài học này. Và rồi, khi học sinh đến lớp, các em dành thời gian trên lớp để thực hành, để đào sâu hơn vấn đề, để hỏi giáo viên cho những điều khúc mắc và cần giải đáp, để hiểu chủ đề bài học rõ ràng hơn.

    Bây giờ, hãy tưởng tượng là giáo viên của Lealdo, cô Ivey, có một lớp học đảo ngược. Cô Ivey đã làm một video giảng về phân số. Lealdo có thể mở video đó ở nhà và xem đi xem lại, thực hành tính phân số cho buổi lên lớp vào ngày mai. Khi Lealdo đến lớp, giáo viên giao bài tập về phân số cho các em. Lealdo có thể làm bài tập về kiến thức mới mẻ đó dưới sự chỉ bảo của giáo viên, lúc này cô có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào cần thiết. Tổng thời gian thì không đổi, nhưng các công đoạn đã được đảo ngược để có lợi cho học sinh.

    Những nhà phê bình ngay lập tức phản đối kiểu lớp học đảo ngược này, họ cho rằng: “Biết đâu ở nhà học sinh không học gì thì sao?” Chắc chắn là trong kiểu lớp học này, học sinh cần phải được làm quen, được khuyến khích và được trao thưởng khi đã nhiệt tình và chủ động hơn trong việc học của mình. Hy vọng là với kiểu học theo phương pháp các em thích, với tốc độ các em thấy phù hợp, kiến thức mới do đó cũng bớt nhàm chán hơn so với kiểu học truyền thống. Tuy nhiên, cũng có nhiều giải pháp cho những học sinh không chuẩn bị bài ở nhà. Giáo viên có thể sử dụng rất nhiều kỹ thuật khác nhau để đảm bảo học sinh làm quen với nội dung mới, như là chia nhóm để ít nhất có một em chuẩn bị bài ở nhà và chia sẻ kiến thức học được với cả nhóm, hoặc ngay từ đầu tiết học, giáo viên có thể giảng sơ lược những phần quan trọng của bài mới với cả lớp.

    Một hạn chế khác của phương pháp lớp học đảo ngược này là học sinh sẽ cần có một thiết bị (máy tính để bàn hoặc xách tay, máy tính bảng hoặc điện thoại) có kết nối Internet ở nhà. Với sự phổ biến Internet ngày càng tăng và giá thành của các thiết bị đó càng giảm trên toàn cầu, vấn đề này đang ngày càng thu hẹp lại. Tuy nhiên, để có thể áp dụng được mô hình lớp học đảo ngược, nhà trường cần đảm bảo 100% học sinh đều có thể học trực tuyến tại nhà. Bà Elizabeth Trach công tác tại Schoology có nói rằng: “Điều kiện trang bị thiết bị điện tử có thể khiến cho sự phân biệt giàu nghèo ngày càng rõ rệt và học sinh không tiếp cận được với công nghệ có thể sẽ gặp khó khăn” (Trach, 2020). Vào tháng 12 năm 2021, tôi phỏng vấn cô Annie Balbuena, một giảng viên Đại học ở Philippines, cô chia sẻ rằng trong đại dịch COVID-19, nhiều học sinh của cô gặp khó khăn trong việc học trực tuyến vì gia đình các em chỉ có một thiết bị điện tử để học. Nhiều anh chị em dùng chung một thiết bị và nếu trùng lịch thì chỉ có một người được học.

    Nếu chúng ta có thể giải quyết được vấn đề kỹ thuật này và động viên học sinh làm quen với nội dung bài mới ngay khi ở nhà thì thời gian trên lớp chắc chắn sẽ giá trị hơn.


    XOAY VÒNG HOẠT ĐỘNG

    Xoay vòng hoạt động (station rotation) là một mô hình học khác có thể khiến cho lớp học sôi nổi hơn. Đúng như tên gọi của nó, trong mô hình lớp học này, học sinh quay vòng giữa các vị trí trong phòng học (mỗi vị trí là một hoạt động khác nhau). Cả lớp không làm cùng một hoạt động trong cùng một thời gian mà các em có thể chia thành những nhóm nhỏ. Trong khi nhóm này đang thực hiện một hoạt động chung thì nhóm khác có thể thực hiện một hoạt động riêng, hoặc trên giấy hoặc trên mạng nếu có điều kiện. Ví dụ, các em có thể làm trắc nghiệm trên máy tính hoặc máy tính bảng. Mọi người vẫn ở trong một lớp học và giáo viên có thể giám sát và hỗ trợ tất cả các nhóm.

    Mô hình này cho phép giáo viên rời khỏi vị trí trung tâm lớp học, biến học sinh thành trung tâm trong trải nghiệm học tập. Với mô hình xoay vòng hoạt động, chúng ta có thể đảm bảo học sinh nào cũng đang làm việc, hoặc với giáo viên, hoặc với các bạn, hoặc độc lập. Mô hình này cũng có thể được áp dụng với nhiều kiểu tư thế hoạt động khác nhau (đứng, ngồi, ngồi bàn thông thường). Điều này cũng góp phần tạo nên môi trường năng động.

    Ví dụ trường hợp cô Spinks là một giáo viên dạy tiếng Anh và mục tiêu của cô cho bài học sắp tới là ôn lại từ mới liên quan đến các loại rau thơm, như mùi tây, thì là, hoặc rau mùi. Thay vì đứng trước lớp yêu cầu các em mở sách ra và ôn lại bài học trong sách thì cô có thể chia lớp thành ba hoạt động sau.

    Hoạt động đầu tiên, những học sinh như Lealdo có thể làm việc một mình với bài tập tìm từ, củng cố cách đánh vần từ. Hoạt động thứ hai, học sinh sử dụng tai nghe và máy tính bảng để tự nghe phát âm chuẩn của các từ. Lúc đó, cô Spinks có thể dành thời gian với nhóm còn lại ở hoạt động thứ ba để kiểm tra khả năng hiểu nghĩa từ của các em, giúp các em thảo luận và suy nghĩ về cách dùng những thứ rau thơm này.

    Về việc học kết hợp, theo nghiên cứu của viện Clayton Christensen Institute cùng với trung tâm New Teacher Center và quỹ Silicon Schools Fund, những trường như KIPP LA (Knowledge is Power Program ở Los Angeles), Summit Public Schools hoặc trường Navigator Schools có tiếng là ủng hộ phương pháp này. Trong một cuộc phỏng vấn, cô Colleen Kennedy, giáo viên của trường KIPP LA (chuyên về mô hình xoay vòng hoạt động), đã chia sẻ rằng khi không có mặt cô, các em vẫn chuyên tâm học tập. Vì học theo nhóm nhỏ nên các em có nhiều cơ hội để nói chuyện với cô Kennedy và với các bạn, cho dù lớp học có 27 em. Tùy theo nhu cầu của mỗi nhóm mà cô giáo có những hướng dẫn khác nhau (New Teacher Center).

    Tuy nhiên, có một số hạn chế trong mô hình này mà chúng ta cần phải nhớ.

    Đầu tiên, trong mô hình này, thời gian cho từng hoạt động bị ấn định từ trước. Tức là trong mỗi hoạt động, các em chỉ có một khoảng thời gian cố định như nhau. Đây có thể là một vấn đề vì các em học ở tốc độ khác nhau.

    Có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, như cô Sharon Wright, một huấn luyện viên về học tập kết hợp. Cô nói: “Lúc chuông rung lên báo hiệu chuyển hoạt động, tôi nghe có vài tiếng thở dài từ cả phía học sinh lẫn giáo viên. Học sinh đang làm một hoạt động trực tuyến nên đang tập trung cao độ và không muốn rời đi, và đồng thời, giáo viên cũng nói rằng họ cần vài phút với một nhóm học sinh nào đó để đảm bảo các em nắm vững nội dung.”

    Hạn chế thứ hai là trật tự trải nghiệm học tập của mỗi nhóm là khác nhau, trong khi cả Lealdo và Stephanie có thể đều cần đi theo cùng một trật tự. Hãy tưởng tượng có ba hoạt động trong lớp học gọi là hoạt động 1, 2 và 3. Học sinh chia thành các nhóm A, B, và C. Nhóm A (có Lealdo) sẽ làm hoạt động 1, nhóm B (có Stephanie) sẽ làm hoạt động 2, và nhóm C sẽ làm hoạt động 3 trong một khoảng thời gian cố định. Sau khi hết thời gian, mỗi nhóm sẽ chuyển sang hoạt động tiếp theo. Lealdo bắt đầu từ hoạt động 1 thì sẽ chuyển sang hoạt động 2 và rồi cuối cùng là hoạt động 3. Nhóm của Stephanie bắt đầu từ hoạt động 2 thì sẽ chuyển sang hoạt động 3 và rồi kết thúc bằng hoạt động 1. Do đó, trật tự trải nghiệm không giống nhau, mặc dù nếu giống nhau thì có thể hữu ích hơn cho các em. Trật tự các hoạt động của một học sinh là do giáo viên quyết định. Từ quan sát và sự thấu hiểu học sinh, giáo viên có thể chia nhóm và sắp xếp các hoạt động sao cho trật tự phù hợp với mỗi em nhất.

    Cuối cùng, việc xoay vòng hoạt động không phù hợp với mọi loại hình môn học và nhiệm vụ. Ví dụ, chúng không phù hợp nhất với việc viết bài luận. Thường thì chúng ta áp dụng mô hình này để dạy bài mới hoặc ôn lại các khái niệm.

    Do đó, nhiều trường học, trong đó có trường Summit Public Schools, đang áp dụng mô hình Flex (mô hình linh hoạt) cho việc học kết hợp. Trong mô hình này, học sinh chuyển qua các hoạt động lúc nào là tùy, chỉ cần các em đã hoàn thành hoạt động trước. Trong khâu chuẩn bị, mô hình Flex này sẽ khó tổ chức hơn nhiều so với mô hình lớp học đảo ngược hoặc mô hình xoay vòng hoạt động. Giáo viên sẽ phải có mặt cùng lúc trong tất cả các hoạt động khác nhau khi từng em học sinh một chuyển sang các hoạt động theo tốc độ làm việc của riêng mình. Do đó, trong mô hình Flex, các phòng học chính chia làm nhiều phòng nhỏ và phòng thí nghiệm khác nhau, mỗi phòng có một giáo viên riêng để dạy bất cứ khi nào học sinh chuyển sang.


    TỔNG KẾT CHƯƠNG

    Tất cả các mô hình kết hợp đều có mặt lợi và bất lợi. Nhà trường có thể xem xét và chọn mô hình dựa trên không gian và nguồn tài nguyên sẵn có của mình. Mục đích chính của mô hình xoay vòng hoạt động là tạo điều kiện cho giáo viên dành nhiều thời gian hơn với một nhóm nhỏ để hỗ trợ các em tốt hơn. Trong khi điểm mấu chốt của mô hình lớp học đảo ngược là để học sinh được học theo tốc độ phù hợp với riêng mình. Mục tiêu cuối cùng của giáo dục là làm sao cho học sinh làm chủ toàn bộ các kỹ năng và thông tin được dạy, có thể áp dụng kiến thức vào đời sống thực và để học sinh hiểu tốt hơn nội dung cần đạt. Học kết hợp là một công cụ vô cùng hữu ích trong việc đạt được những mục tiêu đôi khi tham vọng nhưng vẫn vô cùng xứng đáng này.

    DAVID PHAM

     

    CÁC CHƯƠNG ĐÃ CHIA SẺ

    Chương 1: Hãy Để Con Làm xem tại đây

    Chương 2: Cùng Nhau Tiến Bộ xem tại đây 

    Chương 3: Giảng Dạy Những Kỹ Năng Thiết Yếu xem tại đây 

    Chương 4: Đánh Thức Sự Hiếu Kỳ Và Lòng Khát Khao xem tại đây

    Chương 5: Giáo Dục Kỹ Năng Bán Hàng Và Tài Chính xem tại đây

    Chương 6: Thiết Kế Trải Nghiệm Học Tập Tốt Hơn xem tại đây 

    Chương 7: Tôn Trọng Những Khác Biệt xem tại đây

    Chương 8: Chuyển Sang Phương Pháp Thực Học xem tại đây

    Chương 9: Kết Hợp Các Hình Thức Học Tập xem tại đây


    Theo dõi tin từ Apollo

    Đăng ký để nhận các thông tin ưu đãi và cập nhật các tin tức mới nhất từ Apollo bạn nhé!

    Tin mới nhất

    Mar 20,2024
    Trong cuốn “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” dày 239 trang với hàng ngàn ý tứ, tác giả Ibuka Masaru đã chỉ ra điều tối quan trọng trong giáo dục trẻ nhỏ đó là hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, từ thời điểm sớm nhất.
    Mar 11,2024
    Sáng tạo không chỉ dành riêng cho những nhà thiết kế, nghệ sĩ, mà còn có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.
    Jan 02,2024
    Bài ôn tập Active App chính thức ra mắt
    Nov 30,2023
    4 Cách giúp bé học nói hiệu quả: Trò chuyện với bé, lắng nghe, đọc sách, tập hát. Tìm hiểu khi nào bé nên học ngôn ngữ mới
    Nov 30,2023
    Khi nào nên cho bé học ngôn ngữ thứ 2? Nên cho bé học ngôn ngữ thứ 2 nào? Lợi ích khi cho bé học tiếng Anh.

    Quan Tâm Nhất

    May 25,2023
    Bài viết tổng hợp các từ vựng tiếng Anh dành cho bé theo chủ đề thông dụng, giúp bé liên kết mối quan hệ giữa các từ vựng để học hiệu quả hơn.
    Mar 15,2023
    Lựa chọn khóa học tiếng Anh trực tuyến cho bé theo 3 bí quyết sau sẽ giúp con tiếp thu tốt, duy trì hứng thú học tập và trở nên tự tin, lưu loát khi sử dụng tiếng Anh
    Mar 14,2023
    Có nên cho trẻ học tiếng Anh sớm? NÊN! Vì con có nhiều thời gian để học, phát âm chuẩn xác như người bản xứ, tự tin giao tiếp, cơ hội nghề nghiệp
    Mar 08,2023
    Bài viết giới thiệu 100 mẫu câu học tiếng Anh giao tiếp cho bé cơ bản, giúp bé đầu đời có thể nghe, nói, phát âm tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày.
    Feb 18,2023
    Học tiếng Anh cho bé 5 tuổi với 5 cách phù hợp tâm lý, sở thích và tiềm năng sẽ giúp bé phát triển các kỹ năng tiếng Anh nghe, nói, phát âm hiệu quả

    Tin liên quan

    Bài tập từ vựng tiếng Anh lớp 1 với những hình ảnh sinh động sẽ giúp bé dễ dàng ôn tập và ghi nhớ từ mới một cách hiệu quả
    Tại Apollo English, chúng tôi luôn tin rằng mỗi học viên xứng đáng được trang bị những hành trang tốt nhất để trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai
    “Kỳ lạ thật, con mình mới hôm kia thôi còn đòi mua cuốn sách này bằng được, nói là con thích lắm, mẹ mua cho con đi