UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 2
Loading...
Close menu
Trang chủ > Góc sẻ chia > UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 2

UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 2

Tác giả: Apollo English

Trung tâm Anh ngữ Apollo Việt Nam

Tác giả

Apollo English

Apollo English được thành lập năm 1995 bởi hai nhà đồng sáng lập – ông Khalid Muhmood và bà Arabella Peters. Chúng tôi tự hào là Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Anh ngữ 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Tại Apollo, chúng tôi tin rằng giáo dục có sức mạnh thay đổi cuộc sống. Với gần 30 năm nuôi dưỡng niềm đam mê học hỏi trẻ em Việt, chúng tôi tin rằng tiếng Anh không chỉ là một ngôn ngữ. Với một phương pháp đúng đắn, tiếng Anh sẽ cùng con mở ra chân trời mới mẻ, giúp con nhận ra đam mê của chính mình, hình thành kỹ năng, kiến thức, tư duy cảm xúc xã hội cần thiết cho tương lai.

Mục Lục

Mục Lục

    CHƯƠNG 2: CÙNG NHAU TIẾN BỘ 

    Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ và trả lời những câu hỏi dưới đây: 

    1. Ai là những người góp phần kiến tạo nên giáo dục? 

    2. Họ đóng góp thế nào trong việc nâng cao chất lượng giáo dục? 

    Câu trả lời của bạn: 

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

     

    Trong một cuộc nói chuyện với REAPRA (REsearch And PRActice – Nghiên cứu và thực hành), một doanh nghiệp đầu tư vào các công ty khởi nghiệp giải quyết những vấn đề nhức nhối của xã hội, tôi đã được biết đến việc hệ thống hóa các bên liên quan để có cái nhìn tổng quan ở một cấp độ cao hơn cho một lĩnh vực nào đó. Giáo dục là một lĩnh vực phức tạp có liên quan đến rất nhiều bên. Do đó, chúng ta cần thay đổi từ từ và toàn diện ở tất cả các cấp. Để triển khai các ý tưởng đổi mới sáng tạo, sẽ phải mất tới vài năm hoặc hàng chục năm, với nỗ lực của toàn bộ các bên liên quan. 

    Một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân. Hiểu được điều đó, chương này sẽ nhắc đến 10 thành phần đóng vai trò thiết yếu trong giáo dục. Đó là: 

              • Chính phủ 

              • Hiệu trưởng/Ban Giám hiệu nhà trường 

              • Giáo viên 

              • Phụ huynh 

              • Học sinh 

              • Công ty khởi nghiệp về công nghệ giáo dục 

              • Các trung tâm/câu lạc bộ/hội nhóm về hoạt động và khóa học ngoại khóa 

              • Thư viện/phòng triển lãm/bảo tàng 

              • Các doanh nghiệp (đơn vị tuyển dụng, người sử dụng lao động) 

              • Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà tư tưởng, các quỹ hoặc viện nghiên cứu về giáo dục.

    Hệ thống giáo dục chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi những người tham gia giáo dục, những người đang có tầm ảnh hưởng lẫn nhau, lắng nghe và hợp tác. 

     

    NĂM NHÂN VẬT ĐẦU TIÊN 

    Năm thành phần đầu tiên chính là trụ cột của giáo dục, có vai trò trực tiếp định hình hệ thống này. Đó chính là: Chính phủ, nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh. 

    Hãy cùng tìm hiểu một trong những thành phần có sức ảnh hưởng nhất này: Chính phủ. 

    Chính phủ có nhiệm vụ chính là xây dựng nên một khung giáo dục và chương trình giáo dục. Sau đó, phân bổ nguồn lực để tạo điều kiện cho các trường công triển khai các hoạt động, chẳng hạn như đưa những dự án theo sở thích của các con vào thời khóa biểu chính thức. Nếu chương trình quá nặng về kiến thức, nhà trường sẽ phải đảm bảo truyền thụ kiến thức cho học sinh với thời hạn eo hẹp và chẳng còn lại mấy thời gian dành cho những dự án giá trị thực tế khác. 

    Chính phủ đóng một vai trò tối quan trọng, quyết định khung giáo dục mà nhà trường phải thực hiện. Một trong những đất nước đi đầu trong đổi mới giáo dục là Phần Lan. Đây là nước đầu tiên bỏ phân phối chương trình theo môn học mà áp dụng chương trình học dựa trên chủ đề cho toàn bộ trường công. Chương trình này áp dụng phương pháp liên môn, tức là các môn học liên kết, bổ trợ lẫn nhau (Kyllönen, 2020). 

    Tháng Tư năm 2021, tôi có cơ hội đến thăm một trường tư thục ở Việt Nam đã áp dụng chương trình học dựa trên chủ đề tương tự như ở các trường học Phần Lan. Với chủ đề “sô-cô-la”, học sinh học được các kiến thức địa lý, hóa học, nghệ thuật, hoặc toán học. Các em có cơ hội tìm hiểu những đất nước trồng cây ca cao, tìm hiểu nhiệt độ để sô-cô-la tan chảy, những cách trang trí sáng tạo sử dụng sô-cô-la, hoặc cách tạo hình sô-cô-la. Chủ đề sô-cô-la là một trong 15 chủ đề mà học sinh sẽ tìm hiểu trong một năm học. 

    Chính phủ Phần Lan đã có bước đi mạnh dạn khi đưa tất cả các trường công ra khỏi khung chương trình dựa trên môn học. Hi vọng, trong nhiều năm tới sẽ có nhiều quốc gia khác đi theo xu hướng này, bởi giáo dục liên môn sẽ biến việc học trở nên thiết thực hơn. Khi học sinh được kết nối các môn học với nhau, các em sẽ có thể liên hệ kiến thức học được trong nhà trường với những ví dụ trong đời sống một cách hiệu quả hơn. Các em sẽ hiểu rằng trong một chủ đề lớn, các môn học có sự phụ thuộc lẫn nhau và một yếu tố thay đổi sẽ dẫn tới hiệu ứng domino làm thay đổi nhiều yếu tố khác trong chủ đề. 

    “Đây mới chỉ là bước đầu. Nhu cầu tìm hiểu thế giới theo hướng liên môn, liên ngành sẽ là điều tất yếu ở tất cả các bậc học, và Phần Lan mong muốn là quốc gia tiên phong trong hướng đi này.” 

    MARJO KYLLÖNEN, CHỦ TỊCH CƠ QUAN PHÁT TRIỂN, THÀNH PHỐ HELSINKI (KYLLÖNEN, 2020) 

    Một thành phần quan trọng thứ hai mà chúng ta cần tìm hiểu là nhà trường. Nhà trường tiếp nhận chương trình học từ chính phủ và có nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên để từ đó thầy cô có thể giúp học sinh học tập một cách thiết thực nhất. Trường học đóng vai trò không thể thiếu, chính họ sẽ quyết định liệu có triển khai các phương pháp đổi mới sáng tạo hay không. Các trường cũng tự lựa chọn cách truyền đạt kiến thức và triển khai tuyển dụng giáo viên để thực hiện việc đó. 

    Khi chọn trường học cho con, phụ huynh cần xem xét rất nhiều yếu tố. Tôi tin rằng tiêu chí quan trọng nhất chính là sự phù hợp với sở thích của trẻ. Mỗi trường có một thế mạnh khác nhau. Có trường mạnh về khoa học, có trường lại nổi trội về các môn nghệ thuật hay ngoại ngữ. Địa điểm, cơ sở vật chất, danh tiếng, sĩ số lớp và học phí là những yếu tố khác cũng cần phải quan tâm. 

    Nhân vật chủ chốt thứ ba chính là giáo viên. Họ là người có ảnh hưởng trực tiếp đến việc học của học sinh. Họ có thể khơi dậy sự hứng thú, lòng ham hiểu biết và hướng dẫn các em tìm kiếm đam mê, thế mạnh của mình. Để hỗ trợ học sinh một cách hiệu quả, giáo viên cần có các công cụ giúp thu thập thông tin về học sinh, từ đó đưa ra phương pháp giảng dạy tối ưu. Nếu thầy cô không có công cụ thích hợp và không nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường, họ sẽ chỉ có thể truyền thụ kiến thức một chiều còn tiếp thu được hay không là chuyện của học sinh. Vì thế, nhà trường cần linh hoạt cho phép giáo viên thiết kế lớp học theo ý đồ của mình để dạy theo chương trình yêu cầu. Không có lớp học nào giống lớp học nào. Thầy cô chính là những người có sức ảnh hưởng quan trọng, là tác nhân lớn nhất khiến học sinh thích hoặc không thích đến trường. 

    Tất cả chúng ta, ai cũng đã từng được nhiều thầy cô dạy dỗ. Tôi chắc rằng bạn vẫn còn nhớ một người thầy đã khiến cho bạn yêu thích việc học và một người đã khiến bạn không thích một môn học nào đó. Từ kinh nghiệm của tôi tại hai tổ chức giáo dục khác nhau và từ cuộc chuyện trò với bốn đồng nghiệp của mình, tôi có thể nói rằng một ngôi trường luôn quan tâm đến sự phát triển của giáo viên, thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo mỗi tháng, hay thường xuyên đánh giá chuyên môn qua những buổi dự giờ đột xuất, sẽ tạo động lực rất nhiều cho giáo viên để từ đó truyền cảm hứng tới các em học sinh. Cũng như học sinh cần cảm thấy được nhà trường và thầy cô hỗ trợ, giáo viên cũng cần được trân trọng năng lực và đóng góp của mình. 

    Trong một cuộc trò chuyện với đồng nghiệp là cô Emma, tôi đặt ra câu hỏi: “Một tổ chức giáo dục có thể làm gì để giúp giáo viên giảng dạy một cách tốt nhất?” 

    Emma đáp: “Để giáo viên dạy tốt và là nguồn năng lượng, nguồn cảm hứng cho học sinh thì các thầy cô cần phải liên tục nâng cao năng lực chuyên môn.” 

    “Nhưng làm thế nào để đạt được điều đó và nhà trường có thể làm gì để hỗ trợ họ?” 

    “Nhà trường có thể triển khai đào tạo giáo viên ở nhiều chuyên đề khác nhau như quản lý lớp học hay soạn giáo án. Nhà trường cũng có thể tổ chức các buổi chia sẻ chuyên môn để giáo viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, hoặc triển khai dự giờ để đánh giá điểm mạnh và những điểm cần khắc phục,” Emma đáp. 

    “Giả sử nhà trường không làm những việc trên thì liệu giáo viên có thể tiến bộ được không?”, tôi tiếp lời. 

    Suy nghĩ giây lát, cô ấy trả lời: “Cũng có thể, nhưng nếu nhà trường không coi trọng sự phát triển của giáo viên thì làm sao giáo viên có động lực nâng cao năng lực chuyên môn? Thầy cô có thể chủ động tham khảo nhiều tài liệu, xem nhiều video hướng dẫn hơn hoặc tham gia nhiều hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, nhưng họ cũng cần nhận thấy những cố gắng của mình được nhà trường ghi nhận.”

    Như chúng ta có thể thấy, nhà trường có tầm ảnh hưởng sâu sắc tới giáo viên. Các đãi ngộ mà thầy cô được nhận sẽ tác động tới chất lượng giảng dạy và từ đó dẫn đến kết quả học tập của học sinh. 

    Thành phần thứ tư đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, không ai khác chính là phụ huynh. Họ là người không thể thiếu trong hệ thống này vì họ hiểu rõ con cái mình nhất. Bố mẹ nắm trong tay những dữ liệu và thông tin có thể chia sẻ để thầy cô và nhà trưởng tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với con họ. Cha mẹ nên có một “hồ sơ học sinh” để tổng hợp những thông tin hữu ích về sự phát triển sở thích của con trong suốt thời thơ ấu và về sau. Hồ sơ học sinh này tóm tắt những thế mạnh, sở thích, thành tích của con trong từng lĩnh vực.... và thậm chí còn quan trọng hơn cả cuốn học bạ ghi lại điểm số kiểu truyền thống mà các em thường nhận được vào cuối năm học. 

    Tháng 12 năm 2020, tôi có dịp gặp mẹ của một học sinh tiểu học của tôi tên là Viki trong buổi trao đổi riêng giữa giáo viên và phụ huynh. Trong cuộc gặp mặt đó và trong mọi cuộc gặp mặt cá nhân khác, tôi có cơ hội biết thêm về học trò của mình. Ví dụ, Viki 7 tuổi nhưng em ấy đã học ở lớp dành cho học sinh 9 tuổi. Tôi đã vỡ lẽ ra vì sao mặc dù rất thông minh ở những phương diện khác, nhưng em ấy vẫn còn yếu môn đánh vần và chính tả. Tôi cũng biết mẹ em đang lo con gái bị bắt nạt vì tuổi tác hoặc trí thông minh của em, điều đó khiến tôi ý thức hơn về câu chuyện của em và chú ý hơn tới diễn biến trong lớp học. 

    Câu chuyện cô học sinh Viki của tôi đã dẫn tôi đến với nhóm thứ năm trong hệ thống giáo dục, chính là bản thân các em học sinh. Các em chính là người nắm giữ việc học hành và cuộc sống của mình. Dù chương trình học, thầy cô hay cha mẹ hỗ trợ có tốt đến mấy, thì xét cho cùng, chính học sinh mới là người quyết định mình thích gì và muốn làm gì. Các em có thể tự mình suy nghĩ và chủ động hỏi ý kiến cha mẹ, thầy cô. Các em là người duy nhất hiểu rõ con thích làm gì, đâu là động lực của con và con quan tâm đến điều gì nhất. Đó là lý do tại sao chúng ta phải luôn luôn tạo cơ hôi để trẻ có thật nhiều trải nghiệm, tiếp xúc với thật nhiều tư tưởng, con người và các nền văn hóa trên thế giới. 

     

    NĂM NHÂN VẬT THỨ HAI 

    Nhóm năm thành phần thứ hai đóng vai trò hỗ trợ nhưng không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Họ bao gồm những công ty khởi nghiệp về công nghệ giáo dục (EdTech start-ups), những trung tâm/ câu lạc bộ, hội nhóm, thư viện/ phòng triển lãm/ bảo tàng, các công ty có nhu cầu tuyển dụng và những nhà nghiên cứu. 

    Giáo dục là một lĩnh vực phức tạp. Vì thế chúng ta cần sự giúp đỡ của các công ty khởi nghiệp về công nghệ giáo dục để giải quyết một số vấn đề đang phát sinh như: theo dõi cách học của mỗi học sinh, xây dựng nội dung học tập mang tính tương tác hơn, hỗ trợ giáo viên dạy theo nhóm sao cho hiệu quả như dạy cá nhân (đưa ra những giáo án được thiết kế phù hợp với từng nhóm), giúp học sinh hình thành thói quen tự học, và giúp giáo viên có thêm thời gian để tập trung hướng dẫn riêng cho từng em. Không có công nghệ giáo dục, những ý tưởng đổi mới sáng tạo trong giáo dục hẳn là rất khó thực hiện. 

    Tôi đã hỏi năm đồng nghiệp của mình về một số ứng dụng mà họ hay sử dụng để quản lý lớp học hoặc hỗ trợ giảng dạy. Kết quả là hầu hết thầy cô đều thấy ứng dụng ClassDojo rất hữu ích để khơi gợi hứng thú học tập của học sinh; hay Baamboozle cũng có những trò chơi tương tác để thực hành từ vựng và ngữ pháp. 

    Khi tôi khảo sát các em học sinh cấp Hai (vì hầu hết các em đều sử dụng điện thoại thông minh), các em thường chơi Kahoot! để ôn từ vựng và kiến thức ngữ pháp quan trọng. Các em cũng thích dùng Slido để đặt câu hỏi ẩn danh khi có điều gì chưa hiểu mà không lo bị bạn bè chế giễu. 

    Bản thân tôi cũng là cha mẹ, tôi đã bắt đầu tới thăm một số trường mẫu giáo gần nhà để tìm kiếm ngôi trường tương lai cho con gái mình. Tôi thấy nhiều trường dùng một ứng dụng tên là KidsOnline. Ứng dụng này được phát triển ở Việt Nam cho các trường mẫu giáo để làm công cụ liên lạc giữa giáo viên và học sinh. Trong ứng dụng này, tôi có thể nhận được hình ảnh con gái tôi trong lớp học, các thông tin liên quan đến việc con ngủ bao lâu, con có ăn hết bữa trưa mỗi ngày không. Thông thường, với cha mẹ, công nghệ giáo dục đóng vai trò là nguồn cung cấp thông tin và giúp họ tham gia nhiều hơn vào quá trình học tập của con cái. Mặc dù sử dụng các ứng dụng này đồng nghĩa với việc giáo viên phải làm nhiều việc hơn, nhưng tôi cho rằng việc chia sẻ thông tin với cha mẹ cũng giúp thầy cô nhìn nhận và hiểu rõ hơn về học sinh của mình. 

    Các trung tâm, câu lạc bộ và hội nhóm cung cấp các hoạt động và khóa học ngoại khóa là một nhóm khác đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục, phục vụ nhu cầu của các bậc cha mẹ muốn con cái họ được học thêm các kỹ năng ngoài lớp học. 

    Trong suốt sự nghiệp dạy dỗ của mình, tôi đã có cơ hội gặp gỡ hơn 100 phụ huynh tại các buổi trao đổi riêng. Hầu hết cha mẹ đều muốn con cái mình chơi thể thao hoặc nhạc cụ, học ngoại ngữ, hoặc học cách viết code để giúp các con phát triển toàn diện hơn. 

    Làm việc tại một trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam, tôi có cơ hội hỏi các em ngoài giờ lên lớp thì các em còn làm gì khác. Hầu hết các em trả lời rằng các em bận kín tuần. Từ khoảng lớp năm, học sinh Việt Nam đã thường phải ở trường khoảng tám tiếng mỗi ngày. Sau đó, các em đi học thêm tiếng Anh hai buổi một tuần, chơi thể thao một hoặc hai buổi một tuần, và còn học thêm lớp toán, văn của chính các thầy cô dạy con ở trường nữa. Bên cạnh đó, các em còn phải làm rất nhiều bài tập về nhà từ lớp học chính tới lớp học thêm, khiến cho thời gian biểu của các em kín đặc. 

    Thư viện, các phòng triển lãm và bảo tàng là nhóm đối tượng tiếp theo đóng vai trò không nhỏ trong hệ thống này. Ở Cộng hòa Séc nơi tôi lớn lên, có thể nói mạng lưới thư viện, các phòng trưng bày và bảo tàng ở Prague đã góp phần không nhỏ vào trải nghiệm học tập của học sinh. Chỉ với một khoản phí nhỏ, các em học sinh đã được được tiếp cận với một thế giới phong phú, từ đó hun đúc lòng ham học hỏi và mong muốn tìm hiểu thêm về thế giới xung quanh. Những nơi yên tĩnh đầy ắp tri thức và cảm hứng như vậy nên được hiện diện trong mọi thành phố, xóm làng để học sinh thẩm thấu hơn về tầm quan trọng của việc không ngừng học hỏi. 

    Trong hệ thống giáo dục Phần Lan, các thư viện, phòng trưng bày và bảo tàng được gọi là không gian học tập ngoài trời. Theo bà Marjo Kyllönen, Chủ tịch Cơ quan Phát triển của thành phố Helsinki, tất cả những công viên, sân chơi, bảo tàng, nhà hát, trung tâm văn hóa và thư viện của thành phố đều là không gian học tập. Bà còn nói thêm rằng, học sinh học sâu hơn khi được ở bên ngoài lớp học bởi lúc này các em liên hệ việc học với thế giới của chính mình (Kyllönen, 2020). Không gian học tập ngoài trời cho phép học sinh tiếp nối hành trình học tập thông qua cuộc sống thực của trẻ, thay vì chỉ giới hạn trong nhà trường. 

    Các công ty, với tư cách là một nhóm quan trọng tiếp theo trong hệ thống giáo dục, là những người sử dụng lao động – những nhà tuyển dụng. Do đó, họ nên đối thoại với chính phủ, chia sẻ những kỹ năng và kiến thức cần thiết trong công việc để các cơ quan quản lý giáo dục cân nhắc đưa những nội dung đó vào chương trình học. Nếu nhu cầu đối với kỹ năng IT (công nghệ thông tin) ngày càng gia tăng, hoặc các công ty khó tìm được một sinh viên đã tốt nghiệp có kỹ năng thiết kế đồ họa, thì các công ty nên trao đổi với các cơ quan quản lý nhà nước để khuyến khích đưa những môn học mới vào trong chương trình. 

    Ở nhiều quốc gia, nhà tuyển dụng, chính phủ và đại diện người lao động sẽ cùng thảo luận trong các cuộc họp ba bên (theo ILO). Những cuộc họp này là cách hiệu quả để tìm kiếm sự đồng thuận giữa các bên. Các bên tham gia sẽ thảo luận về các kỹ năng quan trọng nên được đào tạo trong nhà trường, hoặc đề xuất số lượng cử nhân tốt nghiệp trong mỗi ngành học. 

    Tuy nhiên, sẽ còn mất nhiều thời gian từ những cuộc họp này cho đến khi giáo dục thực sự thay đổi, và các công ty có thể cần phải đối thoại trực tiếp với nhà trường. Trong một khảo sát gần đây với những công ty Nhật Bản ở Việt Nam, phần lớn nói rằng hầu hết các sinh viên tốt nghiệp ở Việt Nam đều chưa sẵn sàng cho công việc và cần phải đào tạo lại (Nghiem, 2019). Nhà trường cần tập trung nhiều hơn vào việc trang bị cho học sinh các kỹ năng và kiến thức mà thị trường việc làm đang tìm kiếm. Để làm được như vậy, các công ty cũng cần hợp tác với nhà trường để trực tiếp hỗ trợ trong quá trình đào tạo. 

    Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là những cá nhân, tổ chức thường xuyên bàn luận về giáo dục: những người có tầm ảnh hưởng, các chuyên gia hoặc tổ chức nghiên cứu chính sách. Họ cố vấn cho phần lớn trong số chín nhóm trên, nhưng chủ yếu là cho chính phủ. Những người có tầm ảnh hưởng thường xuyên xuất hiện trên truyền thông, đưa ra lời khuyên về việc giáo dục có thể và nên thay đổi như thế nào để chuẩn bị cho con cái chúng ta thành công trong kỷ nguyên tự động hóa. 

    Mọi thành phần hỗ trợ này đều góp phần vào quá trình nâng cao chất lượng giáo dục của nhóm thành phần chủ chốt. Nhờ có họ mà giáo dục được đổi mới toàn diện và học sinh có được sự chuẩn bị tốt hơn trước khi bước vào đời. 

     

    TỔNG KẾT CHƯƠNG 

    Nhìn chung, hệ thống chỉ có thể hoạt động hiệu quả và bền vững nếu cả 10 thành phần tham gia phối hợp chặt chẽ và lưu tâm đến hoạt động của nhau. Một nhóm thôi thì không thể thay đổi được gì. 

    Hướng tiếp cận liên môn sẽ giúp học sinh kết nối nhiều môn học vào một chủ đề và trải nghiệm một phương pháp học tập mới mẻ, giúp chuẩn bị tốt hơn cho các em sau khi ra trường, thời điểm mọi thứ đều liên đới, phụ thuộc lẫn nhau. Phần Lan là nước đầu tiên tiến hành đổi mới giáo dục ở cấp quốc gia, và nếu điều này chứng minh được hiệu quả, thì chắc hẳn sẽ được nhiều quốc gia học tập. 

    Kể cả khi đổi mới giáo dục không thể diễn ra trong ngày một ngày hai, chúng ta vẫn cần tiếp tục đối thoại cởi mở về các thay đổi không ngừng của ngành.

    DAVID PHAM

     

    CÁC CHƯƠNG ĐÃ CHIA SẺ

    Chương 1: Hãy Để Con Làm xem tại đây


    Tin mới nhất

    Sep 05,2024
    Trung tâm tiếng Anh Apollo English quận Tân Phú chi nhánh Độc Lập, Lũy Bán Bích, Tân Kỳ Tân Quý. Các lớp dành cho bé từ 2,5 - 6 tuổi, 6 - 10 tuổi, 11 - 13 tuổi.
    Aug 31,2024
    Đằng sau mỗi hành động sai quấy của con đều có một lý do cần bố mẹ thấu hiểu…
    Aug 03,2024
    Các khóa học tiếng Anh ở Apollo English đạt tiêu chuẩn quốc tế với phương pháp giảng dạy mới lạ, đội ngũ giáo viên 100% người nước ngoài, cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế
    Jul 28,2024
    Có những người hay có câu cửa miệng rằng: “Tiếng Việt nói còn chưa sõi thì học gì tiếng Anh”. Vốn là bởi họ cũng… sợ tiếng Anh. Chứ với những người thành thạo tiếng Anh thì họ còn tiếc là học tiếng Anh hơi muộn…
    Jul 12,2024
    Học Tiếng Anh bản ngữ hay học Tiếng Anh toàn cầu?

    Quan Tâm Nhất

    Jul 28,2024
    Có những người hay có câu cửa miệng rằng: “Tiếng Việt nói còn chưa sõi thì học gì tiếng Anh”. Vốn là bởi họ cũng… sợ tiếng Anh. Chứ với những người thành thạo tiếng Anh thì họ còn tiếc là học tiếng Anh hơi muộn…
    Aug 03,2023
    Học tiếng Anh cho bé 5 tuổi với 5 cách phù hợp tâm lý, sở thích và tiềm năng sẽ giúp bé phát triển các kỹ năng tiếng Anh nghe, nói, phát âm hiệu quả
    May 25,2023
    Bài viết tổng hợp các từ vựng tiếng Anh dành cho bé theo chủ đề thông dụng, giúp bé liên kết mối quan hệ giữa các từ vựng để học hiệu quả hơn.
    Mar 15,2023
    Lựa chọn khóa học tiếng Anh trực tuyến cho bé theo 3 bí quyết sau sẽ giúp con tiếp thu tốt, duy trì hứng thú học tập và trở nên tự tin, lưu loát khi sử dụng tiếng Anh
    Mar 14,2023
    Có nên cho trẻ học tiếng Anh sớm? NÊN! Vì con có nhiều thời gian để học, phát âm chuẩn xác như người bản xứ, tự tin giao tiếp, cơ hội nghề nghiệp
    Mar 08,2023
    Bài viết giới thiệu 100 mẫu câu học tiếng Anh giao tiếp cho bé cơ bản, giúp bé đầu đời có thể nghe, nói, phát âm tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày.

    Tin liên quan

    Bài tập từ vựng tiếng Anh lớp 1 với những hình ảnh sinh động sẽ giúp bé dễ dàng ôn tập và ghi nhớ từ mới một cách hiệu quả
    Tại Apollo English, chúng tôi luôn tin rằng mỗi học viên xứng đáng được trang bị những hành trang tốt nhất để trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai
    “Kỳ lạ thật, con mình mới hôm kia thôi còn đòi mua cuốn sách này bằng được, nói là con thích lắm, mẹ mua cho con đi