UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 12
Loading...
Close menu
Trang chủ > Góc sẻ chia > UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 12

UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 12

Tác giả: Apollo English

Trung tâm Anh ngữ Apollo Việt Nam

Tác giả

Apollo English

Apollo English được thành lập năm 1995 bởi hai nhà đồng sáng lập – ông Khalid Muhmood và bà Arabella Peters. Chúng tôi tự hào là Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Anh ngữ 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Tại Apollo, chúng tôi tin rằng giáo dục có sức mạnh thay đổi cuộc sống. Với gần 30 năm nuôi dưỡng niềm đam mê học hỏi trẻ em Việt, chúng tôi tin rằng tiếng Anh không chỉ là một ngôn ngữ. Với một phương pháp đúng đắn, tiếng Anh sẽ cùng con mở ra chân trời mới mẻ, giúp con nhận ra đam mê của chính mình, hình thành kỹ năng, kiến thức, tư duy cảm xúc xã hội cần thiết cho tương lai.

Mục Lục

Mục Lục

    CHƯƠNG 12: SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC (EDTECH)

    Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ và trả lời những câu hỏi dưới đây:

    1. Con tôi có thể sử dụng những ứng dụng thú vị nào?

    2. Làm thế nào công nghệ có thể giúp tôi hiểu được con hơn?

    Câu trả lời của bạn: 

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

     

    Một tối nọ vào tháng 3 năm 2020 ngay sau khi đại dịch toàn cầu bắt đầu, Nadia, cô bạn Đại học của tôi gọi điện đến. Tôi đang sống ở Hà Nội, Việt Nam, còn cô ấy sống ở Los Angeles, California, cách nhau tầm 14 múi giờ. Cô ấy nghĩ ra ý tưởng về một dự án học trực tuyến mà cô ấy muốn áp dụng cho học sinh Việt Nam. Ý tưởng này lấy cảm hứng từ trường Outschool ở Mỹ. Trường này cung cấp rất nhiều khóa học trực tuyến. Trước khi đăng ký một khóa học nào đó trên Outschool, học sinh có thể đọc những bài đánh giá về giáo viên cũng như về chính khóa học ấy, cùng với tổng số lượng học sinh đã đăng ký học.

    Nadia đặt tên dự án học trực tuyến này là DaMon Education. Mục tiêu của nó là cung cấp các bài giảng trực tuyến dạy ngoại ngữ, kỹ năng mềm hoặc thậm chí cả những bài luyện tập thể hình. Sau khi tôi tham gia cùng Nadia, chúng tôi đã thử dùng Zoom, Google Meet hoặc Skype làm nền tảng để giảng bài. Là những người sáng lập, chúng tôi dạy những khóa đầu tiên về chủ đề công dân toàn cầu và khả năng làm việc bất cứ nơi nào trên thế giới. Hóa ra, đó là trải nghiệm tuyệt vời đối với cả học viên lẫn chúng tôi. Chúng tôi tìm ra học viên, và học viên tìm thấy chúng tôi thông qua sự giới thiệu truyền miệng và thông qua mạng xã hội.

    Chúng tôi đã thích nghi bằng cách sử dụng whiteboard (bảng trắng điện tử), khảo sát ý kiến và thậm chí cả ứng dụng chia nhóm để việc học mang tính tương tác hơn. Đột nhiên, chúng tôi nhận ra rằng, nhờ có công nghệ, Nadia có thể tìm kiếm học viên trên khắp Việt Nam trong khi vẫn sống ở Los Angeles.

    Sau khi tự mình giảng dạy, chúng tôi bắt đầu hợp tác với các giáo viên khác để cung cấp nhiều khóa học khác nhau trên DaMon Education. Chúng tôi không tuyển dụng ai cả và chúng tôi thậm chí còn chẳng tạo nội dung bài học nữa. Mục đích của chúng tôi chỉ là kết nối giáo viên với học viên. Chúng tôi chỉ đơn giản là một nền tảng để giáo viên có thể tổ chức các khóa học của chính mình. Đến tháng 8 năm đó, chúng tôi đã làm việc với khoảng 30 giáo viên và chúng tôi có các khóa học trải dài từ học tiếng Hàn, đến quản lý thời gian, cho tới yoga. Khi quy mô của chúng tôi ngày càng mở rộng, toàn bộ quá trình duyệt giáo viên và lên lịch với học viên bắt đầu ngày càng phức tạp nếu chỉ làm thủ công. Thế là, chúng tôi tìm cách tự động hóa. Chúng tôi đã đưa nhiều công nghệ vào để giáo viên mới tự tổ chức trên nền tảng của chúng tôi cũng như để học viên tự đăng ký các khóa học mà không có sự can thiệp của chúng tôi. Lúc đó, chúng tôi có thể nói rằng mình đã là một phần của thế giới công nghệ giáo dục (EdTech).

     

    ĐÔI ĐIỀU VỀ EDTECH

    Các công ty EdTech là những công ty công nghệ, thường là các công ty khởi nghiệp, tập trung vào đổi mới giáo dục – nhiều trong số đó hiện đang được thành lập trên khắp thế giới (Holon IQ). Độc giả trong những xã hội phương Tây có thể đã quen với những cái tên công ty như Udemy, Quizlet hoặc Masterclass, cũng như các công ty Trung Quốc hợp tác với các nhà giáo dục phương Tây như VIPKid hoặc iTutorGroup. Tuy nhiên, tổng giá trị của cả năm công ty kể trên (khoảng 12,55 tỷ USD tại thời điểm tháng 10 năm 2021) cũng vẫn chưa bằng gã khổng lồ EdTech ByJu’s của Ấn Độ với giá trị là 18 tỷ đô vào tháng 10 năm 2021 (Holon IQ, 2021).

    Theo Holon IQ, tính đến thời điểm tháng 1 năm 2022, có khoảng 33 công ty kỳ lân EdTech (công ty kỳ lân là công ty tư nhân với giá trị trên 1 tỷ đô la). 16 công ty trong số này là ở Mỹ, 8 ở Trung Quốc và 5 ở Ấn Độ, các nước: Canada, Israel, Australia và Áo, mỗi nước có một công ty (Holon IQ, 2022).

    Mặc dù có những 33 công ty kỳ lân EdTech, nhưng các công ty khởi nghiệp EdTech vẫn chưa chiếm đến 4% tổng số 1.000 công ty kỳ lân trong mọi lĩnh vực ngành nghề trên toàn thế giới (CB Insights). Nhu cầu đưa công nghệ vào trường học trên khắp thế giới đã chứng tỏ là một nguồn tiềm năng rất lớn trong ngành giáo dục nhưng chưa được khai phá.

    Trong năm 2020, thị trường giáo dục toàn cầu có giá trị là 5,4 nghìn tỷ đô la, trong đó EdTech có giá trị là 227 tỷ đô, chỉ chiếm khoảng 4%. Mặc dù EdTech chiếm tỷ lệ không cao trong tổng chi phí cho giáo dục nhưng nó đang ngày càng gia tăng đáng kể. Chỉ từ năm 2019 đến năm 2020, EdTech đã tăng tới 24%, từ 183 tỷ đô đến 227 tỷ đô (Holon IQ, 2020).

    Đến năm 2016, CB Insights đã công bố sơ đồ công ty công nghệ EdTech trong một trang giấy (CB Insights, 2016). Bao gồm 13 loại công ty EdTech khác nhau:

    1. Các nền tảng học trực tuyến mở rộng – đưa ra nhiều loại video bài học và khóa học theo nhiều chủ đề và lĩnh vực khác nhau. Coursera, Udemy hoặc Khan Academy là những ví dụ tiêu biểu cho những nền tảng này.

    2. Hệ thống quản lý học tập – giúp giáo viên, học sinh và phụ huynh hợp tác với nhau tốt hơn. Giáo viên có thể tổ chức tài liệu giảng dạy vào một chỗ. HotChalk, Remind và Nearpod là những công ty đáng chú ý trong hạng mục này.

    3. Giáo dục sớm cho trẻ – các công ty trong nhóm này thường tạo ra những video hoặc trò chơi giáo dục mang tính tương tác cho trẻ em, như những sản phẩm của công ty Speakaboos.

    4. Học ngôn ngữ – giúp mọi người trên khắp thế giới học ngoại ngữ trực tuyến. Ví dụ, Duolingo rất phổ biến với nhiều người tự học. 51Talk hoặc TutorGroup cũng là những ví dụ khác, chuyên về dạy tiếng Anh cho người Trung Quốc vì học tiếng Anh đang ngày càng phổ biến ở đây.

    5. Những công cụ học tập cho thế hệ trẻ – những thẻ nhớ và trò chơi có âm thanh-hình ảnh. Các nhà giáo dục thường dùng Kahoot! và Picmonic.

    Đào tạo doanh nghiệp – giúp các tổ chức lớn tạo nội dung đào tạo nhân viên mới vào hoặc cung cấp khóa đào tạo bổ sung cho nhân viên cũ. EdCast hoặc Inkling là hai công ty khởi nghiệp tập trung vào tạo điều kiện cho trải nghiệm này.

    7. Trực tuyến đến trực tiếp – những nền tảng trong mục này cung cấp các dịch vụ như như gia sư sau giờ học. Những nền tảng này, giống như Yuanfudao, đang ngày càng trở nên phổ biến ở các nước như Trung Quốc.

    8. Quản lý nhà trường – các công cụ như chương trình Parchment giúp nhà trường và người quản lý hỗ trợ giáo viên tốt hơn hoặc tổ chức ghi hình và quản lý bản ghi lời giảng trực tuyến.

    9. Trường học hiện đại – các công ty khởi nghiệp với mục đích tái tạo trải nghiệm học tập cho học sinh đang xây dựng những ngôi trường và phần mềm cho riêng mình. Minerva hay UniversityNow đang tập trung vào việc tái tạo trải nghiệm học tập ở cấp Đại học.

    10. Soạn chương trình học – những nền tảng tạo nội dung giáo dục, như những cuốn sách, video và thẻ nhớ tương tác trực tuyến. Apex Learning hoặc Cengage Learning là một trong số những nền tảng như thế.

    11. Tìm kiếm – giúp học sinh và phụ huynh tìm kiếm trường lớp, các chương trình, các điểm đánh giá và những thông tin bổ sung để đưa ra quyết định, lựa chọn đúng đắn hơn. GreatSchools là một ví dụ.

    12. Học về công nghệ - các công ty khởi nghiệp cung cấp công cụ để học các kỹ năng lập trình hoặc những kỹ năng công nghệ thông tin khác. Trong tương lai có rất nhiều công việc yêu cầu kiến thức công nghệ. Udacity hay Codeacademy đã chiếm vị trí tiên phong trong lĩnh vực này.

    13. Chuẩn bị bài kiểm tra – những nền tảng này, như ByJu’s của Ấn Độ, Bench- Prep của Mỹ hoặc Xiaozhan Jiaoyu của Trung Quốc, giúp học sinh chuẩn bị cho các bài thi chuẩn hóa.

    Trong thời đại thông tin hiện nay, nhu cầu của chúng ta phụ thuộc vào khả năng tìm kiếm tài liệu trên mạng vì nó cho phép bất cứ ai cũng có thể tìm tòi, nghiên cứu và hình thành chính kiến hoặc đơn giản là chỉnh sửa các bài luận. Có vô vàn những chương trình và ứng dụng trực tuyến nổi tiếng đang dọn đường để bước vào thế giới EdTech đáp ứng mọi nhu cầu học tập. Có nhiều ví dụ, trong đó có Elsa Speak. Phần mềm này giúp những người học tiếng Anh cải thiện phát âm hoặc ngữ pháp. Nó giúp người viết chỉnh sửa những lỗi ngữ pháp, rèn văn phong súc tích, rèn cách chọn từ trong khi viết lách như viết luận hoặc viết sách.

    Nhiều công ty EdTech đang góp phần không nhỏ trong việc thay đổi giáo dục, nhưng công chúng nói chung có thể còn chưa biết nhiều về họ. Người ta không biết nhiều về những cải tiến trong công nghệ giáo dục vì không có nhiều quảng cáo EdTech, do thiếu nguồn tài trợ trong ngành này.

    Gần đây, để xúc tiến những thay đổi trong ngành giáo dục, các nhà đầu tư đang ngày càng chủ động đầu tư vào các công ty EdTech. Một số quỹ thậm chí còn được thành lập để chủ yếu tập trung vào đầu tư cho các công ty giáo dục như Learn Capital hoặc Rethink Education. Kapor Capital hoặc một quỹ có tên là “500 Startups” cũng rất năng nổ đầu tư vào các công ty EdTech (Index by TNW).

    Thật không dễ dàng để có cái nhìn bao quát bức tranh EdTech toàn cầu. Tuy nhiên, nhờ Holon IQ và CB Insights, chúng ta có một bức tranh rõ ràng hơn về những công ty nắm vai trò chủ chốt trong ngành này.

     

    HIỂU VỀ HỌC SINH

    Là giáo viên, tôi vẫn thường băn khoăn không biết có công nghệ EdTech nào giúp làm giáo án hay không. Hơn thế nữa, tôi băn khoăn liệu có cách nào để dạy không chỉ một giáo án trong một tiết học hay không, tức là mỗi giáo án được thiết kế cho những phong cách học khác nhau của học sinh. Để việc giảng dạy linh hoạt, phong phú với nhiều phương pháp khác nhau, kiểu như hoạt động nghe dành cho học sinh hoặc một nhóm này trong khi tổ chức hoạt động đọc cho một học sinh hoặc một nhóm kia. Nếu có được một công cụ như vậy thì sẽ tạo ra được sự khác biệt trông thấy trong lớp học, thay vì chỉ có “một bài giảng, một giáo án cho tất cả” mà mọi giáo viên đều biết là không hiệu quả. Không có EdTech, giáo viên sẽ tốn rất nhiều thời gian để chuẩn bị nhiều giáo án cho một tiết học, chứ chưa nói gì đến thời gian thu thập những tư liệu cá nhân hóa.

    Trong diễn đàn Global Education and Skills (Giáo dục và Kỹ năng toàn cầu), ông Jan Lynn-Matern đến từ Emerge Education (một quỹ đầu tư cho các công ty khởi nghiệp EdTech) đã chia sẻ: “Tác động thực sự sẽ xảy ra khi chúng ta tạo điều kiện cho giáo viên làm việc hiệu quả hơn.” Rồi ông đưa ra ví dụ về một công ty khởi nghiệp tên là Tailor-ED. Công ty này thu thập dữ liệu để hiểu về phong cách học tập ưa thích của học sinh. Họ nhóm những học sinh có phong cách học tập ưa thích tương tự nhau và giúp giáo viên lập giáo án cho mỗi nhóm. Ông Lynn-Matern nói thêm: “Việc này tạo điều kiện cho giáo viên dạy học như họ đã được đào tạo trong trường Đại học, tức là sử dụng nhiều kiểu giảng dạy khác nhau, nhưng trong thực tế việc này lại không khả thi, vì thời gian dành cho một tiết học như thế là quá nhiều” (Global Education Series, 2019).

    Sau khi vào xem website tailor-ed.com, tôi nhận ra công cụ này dựa trên cơ sở dữ liệu mà họ đã thu thập. Sau mỗi bài học, họ yêu cầu học sinh đánh giá để cá nhân hóa tốt hơn bài giảng sau này.

    Tại sao công nghệ lại có thể tạo ra một cú hích tuyệt vời đến thế cho trải nghiệm học tập?

    Công nghệ có thể giám sát và xác định sở thích dựa trên hàng ngàn điểm dữ liệu từ mỗi cá nhân. Thu thập dữ liệu bằng cách này thì một người làm không xuể. Các giáo viên cũng có thể lưu trữ một thư viện các nội dung được đa dạng hóa trên đám mây, rồi sau đó công nghệ có thể lựa chọn và kết hợp với nhau dựa trên hồ sơ cá nhân của mỗi học sinh. Các nhà giáo dục do đó có thể cung cấp nội dung học tốt hơn cho những học sinh khác nhau, giúp các em duy trì sự hào hứng học tập và tạo ra thói quen học tập chủ động hơn.

    Giáo viên vẫn đóng vai trò chính trong trải nghiệm học tập. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của công nghệ, giáo viên có thể có cái nhìn rõ ràng, chi tiết hơn đối với tiến bộ của học sinh để từ đó có những hỗ trợ thích hợp cho các em.

     

    HIỂU VỀ CON CÁI

    Là cha mẹ, tôi nhận thấy con gái mình lúc nào cũng muốn xem YouTube, cho dù con chưa đến 2 tuổi. Khi nhìn thấy con say sưa xem những video trên YouTube Kids như vậy, tôi bỗng nảy ra ý tưởng để con học thông qua các video. Khi lớn lên, ngoài việc học ở trường và tham gia các hoạt động ngoại khóa, con chắc chắn vẫn tiếp tục xem các video trong những lúc rảnh rỗi. Do đó, là cha mẹ, chúng ta nên tìm cách biến việc xem video trở nên có ý nghĩa, để tận dụng việc học “đa phương tiện” mà trẻ ngày nay đang thích thú.

    Sau khi xem và tiếp thu được kiến thức, trẻ có thể thực hành một dự án và chia sẻ thành quả của mình với thế giới. Nhờ các dự án, các con dần dần xây dựng được bộ kỹ năng cho mình. Các con bồi dưỡng lòng ham học hỏi ở một lĩnh vực mà sau này có thể là niềm đam mê của các con. Và nhờ các con chia sẻ thành quả của mình mà cha mẹ có thể quan sát sự tiến bộ và hỗ trợ bằng những nguồn lực khác để tiếp tục thúc đẩy sở thích của con.

    Trong khi viết chương này, tôi lướt qua một trang web thú vị tên là DIY.org. Trang web đó chứa nhiều video cho trẻ em từ bốn tuổi trở lên. Các video đi kèm với một dự án thực tế để các con có thể làm theo sau khi xem. Nhờ có website DIY.org, trẻ có thể trở thành nhà phát minh máy móc, là nhà soạn nhạc hoặc là họa sĩ. Tôi rất bất ngờ khi biết giá thành của nó lại dễ chịu đến thế, chỉ khoảng 7,99 đô la cho một tháng đăng ký (DIY, 2022).

    Chúng ta phải hiểu trẻ em ngày này đang tiếp thu thông tin như thế nào để duy trì sự hào hứng, sự tập trung của các con và để con đi đúng quỹ đạo. Hiện nay, nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng đã sẵn có hơn bao giờ hết cho tất cả mọi người có thể tận dụng.

    Với tư cách phụ huynh, tôi vẫn đang tìm kiếm một công ty EdTech giúp tôi thu thập mọi thông tin về sở trường, thế mạnh, điểm yếu hoặc sở thích của con tôi để hệ thống trên một nền tảng. Tôi sẽ nhờ các giáo viên, gia sư, bạn học, người thân trong gia đình và bất cứ ai tiếp xúc với con để lại một dòng phản hồi và nhận xét dưới góc nhìn của mình vì có rất nhiều thứ mà trẻ hoặc cha mẹ khó có thể tự nhận ra. Dựa trên dữ liệu về những gì các con thích thú, những gì các con không ưa, hoặc những việc các con làm dễ dàng, chúng ta có thể giúp con khơi mở toàn bộ tiềm năng.

     

    TỔNG KẾT CHƯƠNG

    Có rất nhiều nền tảng EdTech. Ngành này đang phát triển và nhiều công ty khởi nghiệp mới đang ra đời mỗi ngày nên việc bắt kịp mọi ý tưởng đổi mới sáng tạo có lẽ là không dễ dàng, nhưng các trang như Holon IQ có thể giúp bạn cập nhật những tin tức mới nhất.

    Để học sinh có thể khơi mở toàn bộ tiềm năng của mình và tìm ra mục đích sống của cuộc đời trước khi hoàn thành việc học ở trường, EdTech có thể đóng vai trò là nơi cung cấp dữ liệu cho giáo viên và phụ huynh để họ thiết kế nội dung và giáo án phù hợp với nhu cầu của mỗi em khi cần.

    DAVID PHAM

     

    CÁC CHƯƠNG ĐÃ CHIA SẺ

    Chương 1: Hãy Để Con Làm xem tại đây

    Chương 2: Cùng Nhau Tiến Bộ xem tại đây 

    Chương 3: Giảng Dạy Những Kỹ Năng Thiết Yếu xem tại đây 

    Chương 4: Đánh Thức Sự Hiếu Kỳ Và Lòng Khát Khao xem tại đây

    Chương 5: Giáo Dục Kỹ Năng Bán Hàng Và Tài Chính xem tại đây

    Chương 6: Thiết Kế Trải Nghiệm Học Tập Tốt Hơn xem tại đây 

    Chương 7: Tôn Trọng Những Khác Biệt xem tại đây

    Chương 8: Chuyển Sang Phương Pháp Thực Học xem tại đây

    Chương 9: Kết Hợp Các Hình Thức Học Tập xem tại đây

    Chương 10: Phương Pháp Học Kết Hợp xem tại đây

    Chương 11: Khai Vấn - Hướng Dẫn xem tại đây


    Theo dõi tin từ Apollo

    Đăng ký để nhận các thông tin ưu đãi và cập nhật các tin tức mới nhất từ Apollo bạn nhé!

    Tin mới nhất

    Mar 20,2024
    Trong cuốn “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” dày 239 trang với hàng ngàn ý tứ, tác giả Ibuka Masaru đã chỉ ra điều tối quan trọng trong giáo dục trẻ nhỏ đó là hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, từ thời điểm sớm nhất.
    Mar 11,2024
    Sáng tạo không chỉ dành riêng cho những nhà thiết kế, nghệ sĩ, mà còn có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.
    Jan 02,2024
    Bài ôn tập Active App chính thức ra mắt
    Nov 30,2023
    4 Cách giúp bé học nói hiệu quả: Trò chuyện với bé, lắng nghe, đọc sách, tập hát. Tìm hiểu khi nào bé nên học ngôn ngữ mới
    Nov 30,2023
    Khi nào nên cho bé học ngôn ngữ thứ 2? Nên cho bé học ngôn ngữ thứ 2 nào? Lợi ích khi cho bé học tiếng Anh.

    Quan Tâm Nhất

    May 25,2023
    Bài viết tổng hợp các từ vựng tiếng Anh dành cho bé theo chủ đề thông dụng, giúp bé liên kết mối quan hệ giữa các từ vựng để học hiệu quả hơn.
    Mar 15,2023
    Lựa chọn khóa học tiếng Anh trực tuyến cho bé theo 3 bí quyết sau sẽ giúp con tiếp thu tốt, duy trì hứng thú học tập và trở nên tự tin, lưu loát khi sử dụng tiếng Anh
    Mar 14,2023
    Có nên cho trẻ học tiếng Anh sớm? NÊN! Vì con có nhiều thời gian để học, phát âm chuẩn xác như người bản xứ, tự tin giao tiếp, cơ hội nghề nghiệp
    Mar 08,2023
    Bài viết giới thiệu 100 mẫu câu học tiếng Anh giao tiếp cho bé cơ bản, giúp bé đầu đời có thể nghe, nói, phát âm tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày.
    Feb 18,2023
    Học tiếng Anh cho bé 5 tuổi với 5 cách phù hợp tâm lý, sở thích và tiềm năng sẽ giúp bé phát triển các kỹ năng tiếng Anh nghe, nói, phát âm hiệu quả

    Tin liên quan

    Bài tập từ vựng tiếng Anh lớp 1 với những hình ảnh sinh động sẽ giúp bé dễ dàng ôn tập và ghi nhớ từ mới một cách hiệu quả
    Tại Apollo English, chúng tôi luôn tin rằng mỗi học viên xứng đáng được trang bị những hành trang tốt nhất để trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai
    “Kỳ lạ thật, con mình mới hôm kia thôi còn đòi mua cuốn sách này bằng được, nói là con thích lắm, mẹ mua cho con đi