UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 3
Loading...
Close menu
Trang chủ > Góc sẻ chia > UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 3

UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 3

Tác giả: Apollo English

Trung tâm Anh ngữ Apollo Việt Nam

Tác giả

Apollo English

Apollo English được thành lập năm 1995 bởi hai nhà đồng sáng lập – ông Khalid Muhmood và bà Arabella Peters. Chúng tôi tự hào là Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Anh ngữ 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Tại Apollo, chúng tôi tin rằng giáo dục có sức mạnh thay đổi cuộc sống. Với gần 30 năm nuôi dưỡng niềm đam mê học hỏi trẻ em Việt, chúng tôi tin rằng tiếng Anh không chỉ là một ngôn ngữ. Với một phương pháp đúng đắn, tiếng Anh sẽ cùng con mở ra chân trời mới mẻ, giúp con nhận ra đam mê của chính mình, hình thành kỹ năng, kiến thức, tư duy cảm xúc xã hội cần thiết cho tương lai.

Mục Lục

Mục Lục

    CHƯƠNG 3: GIẢNG DẠY NHỮNG KỸ NĂNG THIẾT YẾU 

    Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ và trả lời những câu hỏi dưới đây: 

    1. Con cái của chúng ta cần có những kỹ năng gì trong thế kỷ 21? 

    2. Làm sao để các con phát triển được những kỹ năng này?

    Câu trả lời của bạn: 

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…


    Khi viết những dòng này, tôi đang là cha của một em bé 18 tháng tuổi. Tôi tự hỏi con gái mình sẽ cần những kỹ năng gì để thành công trong cuộc sống. Tôi muốn con tôi sẵn sàng bước chân vào lực lượng lao động trong kỷ nguyên thông tin, nơi mà ước tính hai phần ba số trẻ sẽ làm những công việc mà đến nay chưa từng tồn tại (Leopold, Ratcheve và Zahidi, 2016). Bởi thế, tôi tìm kiếm các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu kỹ năng, họ có thể giúp tôi xác định được bộ kỹ năng giá trị nhất cho thế kỷ 21 này và xa hơn nữa. 

    Và đây rồi! Thật may tôi tìm thấy Tiến sĩ Laura Jana, tác giả của cuốn sách The Toddler Brain (Tạm dịch: Bộ não của trẻ). Cô đã nghiên cứu và soạn ra một danh sách các hạng mục kỹ năng trên website mang tên cô, dẫn dắt bạn đến với thành công trong phát triển bản thân. Vậy, những kỹ năng thiết yếu đó là gì? Tiến sĩ Laura Jana gọi đó là những kỹ năng QI.

    Có bảy nhóm kỹ năng, mỗi nhóm bao gồm một bộ kỹ năng cụ thể. Mặc dù tiến sĩ Jana chủ yếu nói từ góc nhìn của đứa trẻ nhưng tôi vẫn chia sẻ với bạn ý hiểu của tôi đối với phương pháp dạy cho mọi lứa tuổi của cô ấy. 

     

    KỸ NĂNG “ME” (TÔI) 

    Nhóm kỹ năng đầu tiên được gọi là kỹ năng ME, mà theo tiến sĩ Jana, là “những kỹ năng quản lý bản thân, bao gồm thấu hiểu bản thân, tự điều chỉnh, tự chủ, khả năng chú ý và tập trung. Tương tự, những kỹ năng quản trị cũng cho phép chúng ta quản lý, điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc cũng như hành vi của mình.” Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh việc thấu hiểu bản thân. Khi nhắc đến kỹ năng ME, việc hiểu về bản thân, hiểu về đam mê, sở trường, sở đoản hoặc hạn chế của mình, hay trả lời được câu hỏi “Tôi là ai?” có lẽ là quan trọng nhất. Ở thời kỳ Trung Hoa cổ đại, nhiều thế kỷ trước Công nguyên, triết gia nổi tiếng Lão Tử đã để lại những bài học còn nguyên giá trị sau hơn hai mươi thế kỷ: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh. Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường.” (Biết người là trí tuệ, biết mình là sáng suốt. Thắng người là có sức. Thắng mình mới đích thực là kẻ mạnh.” (Đạo Đức Kinh). 

    Hãy giúp con cái chúng ta tự tìm hiểu về khả năng của con và tôn trọng sự khác biệt của bản thân chúng. Điều đó sẽ có ý nghĩa to lớn trên hành trình phát triển của con sau này. Nhưng những hoạt động nào có thể giúp trẻ thấu hiểu bản thân? 

    Mỗi người nên tự mình trải nghiệm càng nhiều hoạt động càng tốt, từ thể thao tới nghệ thuật, âm nhạc, nấu nướng, chơi cờ bàn (board game)... Các em học sinh lớn hơn cũng có thể có những hoạt động chiêm nghiệm bản thân, chẳng hạn mỗi năm các em sẽ viết một bài luận để trả lời những câu hỏi về tính cách và đặc điểm của chính mình.


    KỸ NĂNG “WE” (CHÚNG TA) 

    Tiến sĩ Jana cho rằng kỹ năng liên quan đến con người cho phép chúng ta thấu hiểu, chia sẻ và hòa nhập với người khác. Những kỹ năng này bao gồm kỹ năng ngôn ngữ, thấu cảm, lắng nghe và kỹ năng cảm xúc xã hội, sẽ giúp ích cho giao tiếp, cộng tác và làm việc nhóm hiệu quả. Nhóm này được gọi là kỹ năng WE. Trong đó, thế mạnh cốt lõi chính là khả năng làm việc tốt với nhiều kiểu người khác nhau, và khả năng phối hợp nhóm một cách hiệu quả với năng suất cao. Đây là những kỹ năng hữu ích mà chúng ta có thể giúp con cái phát triển thông qua các môn thể thao đồng đội hoặc các dự án nhóm. 

    “Lắng nghe để thấu hiểu và được thấu hiểu” cũng là thói quen thứ năm trong cuốn Bảy thói quen của người thành đạt của Stephen R. Covey. Tác giả ý muốn nói hãy đặt bản thân vào hoàn cảnh của người khác để hiểu quan điểm của họ trước khi đưa ra kết luận. Khi chúng ta càng tiến xa trong sự nghiệp, kiến thức chuyên môn thường càng trở nên ít quan trọng so với kỹ năng làm việc với những người xung quanh. Sẽ cần rất nhiều thời gian để phát triển những kỹ năng này. Vì vậy chúng ta không thể chờ đến khi đạt được vị trí quản lý mới bắt đầu quan tâm đến chúng. Điều quan trọng là phải phát triển các kỹ năng liên kết cá nhân ngay từ khi còn nhỏ tuổi. 

    Xu hướng toàn cầu hóa khiến chúng ta ngày càng có nhiều tương tác hơn với các châu lục khác nhau và với những người đến từ các nền tảng văn hóa, ngôn ngữ khác nhau. Kỹ năng WE vì vậy mà cũng trở nên thiết thực hơn bao giờ hết. 


    KỸ NĂNG “WHY” (TẠI SAO) 

    Nhóm kỹ năng thứ ba là kỹ năng WHY. Tiến sĩ Jana miêu tả nhóm kỹ năng này là “kỹ năng liên quan đến đặt câu hỏi, lòng ham học hỏi và sự tò mò. Những kỹ năng này cho phép chúng ta luôn nhìn thế giới như một câu hỏi lớn cần lời giải đáp và vì vậy chúng ta sẽ luôn tìm cách để hiểu rõ hơn về thế giới này.” Các kỹ năng WHY giúp chúng ta tư duy phản biện thay vì chỉ đi theo sự chỉ dẫn của người khác. Những kỹ năng WHY giúp các nền văn minh trở nên tiến bộ, cải thiện các công cụ và quy trình tồn tại đã hàng thế kỷ nay. Nếu bạn biết cách lặp lại các câu hỏi (một kỹ thuật được gọi là Năm câu hỏi tại sao - the five Whys) , bạn sẽ có thể truy được nguyên nhân gốc rễ của một vấn đề, từ đó nhận ra chỗ nào cần thay đổi, cải thiện hay sửa chữa toàn bộ (Seiter, 2018). 

    Để giúp con cái chúng ta cải thiện nhóm kỹ năng WHY, chúng ta nên nuôi dưỡng trí tò mò của con, khuyến khích con đặt bất kỳ câu hỏi nào, và giúp con hiểu rõ hơn về thế giới. 

    Hãy hình dung trường hợp của hai em học sinh lớp ba (khoảng chín tuổi) là Jacob và Lucas. Cha mẹ Jacob luôn sẵn lòng trả lời bất cứ câu hỏi nào của con, trong khi cha mẹ của Lucas lúc nào cũng đáp lại bằng câu nói: “Sao con lúc nào cũng hỏi này hỏi nọ thế? Lớn lên rồi con sẽ hiểu. Nếu con muốn biết thì gõ Google mà tìm.” Bạn nghĩ Lucas có tiếp tục tò mò khi nhận được câu trả lời của cha mẹ như thế không? Rất có thể ban đầu con sẽ buồn, rồi dần dần con sẽ hỏi ít đi và cuối cùng là không hỏi gì nữa. Ngược lại, Jacob sẽ thấy mọi thứ càng ngày càng thú vị hơn, vì càng biết nhiều con càng vui sướng với những khám phá mới và còn có thể chia sẻ những điều hay ho này với bạn bè. 

    Dành thời gian giải thích với một cái nhìn không thiên kiến, là cha mẹ đã giúp con có thêm những kiến thức mới. Điều đó tạo điều kiện để trẻ tự do tư duy, hình thành chính kiến riêng của mình, cho dù không phải lúc nào cha mẹ cũng đồng tình với con. 

    Nuôi dưỡng lòng ham học hỏi sẽ giúp con chủ động học hỏi, luôn hào hứng về thế giới này và hơn thế nữa. Trẻ sẽ vẫn giữ được sự hiếu kỳ này ngay cả khi trưởng thành. Hãy đừng bao giờ ngừng đặt câu hỏi để làm sáng tỏ hoặc để hiểu biết hơn. Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học, chúng ta nên bình thường hóa việc luôn đặt câu hỏi để biết còn hơn là không biết gì. 


    KỸ NĂNG “WILL” (Ý CHÍ) 

    Chắc chắn trên đường đời đời, con cái chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, trở ngại và thất bại. Do đó, nhóm kỹ năng tiếp theo cần phải phát triển là nhóm kỹ năng WILL. Tiến sĩ Jana giải thích thêm, “nhóm này xác định những kỹ năng tối quan trọng giúp chúng ta tự tạo động lực cho chính mình, bao gồm: tinh thần sẵn sàng đón nhận mọi thử thách (can-do attitude), sự tận tâm, lòng quyết tâm, óc thực tế, sự kiên trì, kiên định và một tinh thần luôn tập trung vào hành động.” Những người có kỹ năng WILL chắc chắn là những người trụ lại được với nghịch cảnh. 

    Khi mọi thứ không theo chiều hướng ta mong muốn, điều quan trọng là chúng ta biết đứng dậy, tiếp tục cố gắng và không từ bỏ. Khi mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, bất cứ ai cũng có thể kiểm soát được tình huống, nhưng rất ít người có thể làm được điều tương tự trong những lúc rối beng. Và để phát triển những kỹ năng này ở trẻ, chúng ta cần bắt đầu từ rất sớm. Chúng ta phải khuyến khích con tiếp tục cho dù mục tiêu đề ra có chút khó khăn. Khi trẻ muốn từ bỏ một sở thích nào đó vì nó dần trở nên khó khăn hoặc khi trẻ không muốn tiếp tục đạp xe lên đồi bởi con đã mệt, hãy động viên, tiếp thêm sức mạnh cho con cố gắng thêm lần nữa. 

    Tôi đã có một cuộc trò chuyện với Jan Ruth. Ngay từ khi còn nhỏ cho đến khi vào Đại học, ông ấy đã là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp và hiện tại, ông đang làm giám đốc một công ty tư vấn. 

    Tôi hỏi Jan liệu chơi bóng đá chuyên nghiệp có giúp ích gì cho sự nghiệp hiện tại không và ông đã trả lời rằng: “Nếu tôi phải chọn một thứ đã học được trong bóng đá có ích cho tôi lúc này thì đó chắc chắn chính là thái độ không bỏ cuộc.” 

    “Bóng đá đã dạy ông có thái độ đó như thế nào?” Tôi hỏi. 

    “Dù thời tiết ra sao, chúng tôi vẫn phải ra sân tập, chính điều đó đã rèn cho chúng tôi phải tiếp tục nỗ lực bất chấp nghịch cảnh.” Jan trả lời. 

    “Tôi hiểu rồi. Bóng đá còn giúp tôi luyện ông thế nào nữa khi mọi thứ trở nên khó khăn?”

    Suy nghĩ giây lát, Jan trả lời: “Ví dụ như trong các trận đấu đi. Có rất nhiều trận chúng tôi chắc là mình sẽ thua, nhưng chúng tôi phải chiến đấu cho tới phút cuối cùng và phải luôn luôn tin rằng chúng tôi vẫn có thể chiến thắng.” 

    Sau cuộc trò chuyện đó, tôi nhận ra việc rèn luyện thể thao là một cách tuyệt vời để đưa những kỹ năng WILL thấm nhuần vào con người Jan để ông ấy trở thành con người như hiện nay, để tiếp tục công việc hiện tại dù có khó khăn đến thế nào. 


    KỸ NĂNG “WIGGLE” (LẮC LƯ) 

    Kỹ năng WIGGLE đứng thứ năm trong danh sách này, với ý nghĩa là sự bền bỉ cả về thể chất lẫn tinh thần. Từ điển Cambridge đã giải thích rằng “bền bỉ không ngừng” (restlessness) là điều gì đó tiêu cực, là không thể nghỉ ngơi hay thư giãn, do quá lo âu hoặc nhàm chán. Nhưng mặt khác, chúng ta nên liên tục làm cái gì đó mới mẻ, giữ cho tâm trí và cơ thể được khỏe khoắn, sử dụng thời gian vàng ngọc một cách triệt để nhất. Liên tục học hỏi, kiến tạo, xây dựng, không ngừng nghỉ. 

    Chúng ta nên năng động và làm sao để trẻ luôn bận rộn, cả về thể chất lẫn tâm trí. Trong một bài báo nghiên cứu được đăng trên tờ Archives of Pediatrics & Adolescent Medicine (Tạm dịch: Y học Nhi khoa & Trẻ vị thành niên), người ta đã phát hiện ra rằng các hoạt động thể chất có liên hệ tích cực với kết quả học tập của trẻ (Singh và cộng sự, 2012). 

    Hoạt động thể chất cũng tốt cho sự phát triển của não bộ. Theo một nghiên cứu của Khoa Khoa học Thể chất ở trường Đại học Georgia, dù chỉ vận động ngắn trong 20 phút cũng tạo điều kiện tốt hơn cho việc xử lý thông tin và các chức năng ghi nhớ (Tomporowski, 2003). Chính bản thân tôi đã chứng kiến điều này khi quan sát các em bé tầm tuổi của con gái tôi, bé nào hoạt động nhiều hơn những đứa trẻ khác thì thường học hỏi và lưu trữ thông tin nhanh hơn. Một bé tên là Kelsey có vẻ năng động hơn hẳn. Ở nhà, bé hay bày bừa lung tung. Kelsey dường như học các kỹ năng rất nhanh, có thể tự mình ăn uống ngay từ khi mới 2-3 tuổi. Ngược lại, một người bạn khác của con là Lea, thường ngồi ngoan và không khiến bố mẹ phải “mệt phờ”, thì dường như lại chậm hơn, chưa tự mình làm được nhiều việc lắm.

    Để khuyến khích trẻ hoạt động, chúng ta cần chuẩn bị cho con những đồ chơi khuyến khích vận động như quả bóng hay dây nhảy. Cha mẹ cũng phải làm gương, vì trẻ thường hay bắt chước cha mẹ. Hơn nữa, cha mẹ có thể cùng chơi với con để giúp con học những môn thể thao mới, như đạp xe, bơi lội hoặc trượt patin. 

     

    KỸ NĂNG “WOBBLE” (LOẠNG CHOẠNG) 

    Nhóm kỹ năng thứ sáu là kỹ năng WOBBLE. Nhóm kỹ năng này sẽ giúp chúng ta thích nghi tốt hơn và biết học hỏi từ sai lầm của bản thân. Tất nhiên, con người ai chẳng phạm sai lầm, nhưng chúng ta cần rút kinh nghiệm, chứ đừng lặp lại chúng. Chúng ta không nên phạt trẻ vì đã phạm phải sai lầm mà hãy khuyến khích con học hỏi từ sai lầm đó. 

    Là người lớn, chúng ta hay vô thức mắng trẻ khi con làm vỡ hay đổ cái gì đó, và gần như lần nào cũng vậy, chúng ta không khuyến khích con học hỏi từ sai lầm hoặc rút ra kinh nghiệm để tránh lặp lại. Thay vào đó, sẽ hiệu quả hơn nếu bạn gợi ý trẻ các bước giải quyết vấn đề, từ đó dạy cho trẻ tư duy phản biện tích cực. 

    Anh Zhang, hiện giữ vị trí quản lý tại Canada, có một cậu con trai tám tuổi. Anh và con trai đều ở cùng khách sạn với tôi khi tôi công tác ở Thượng Hải. Trong chuyến công tác đó, anh đã đưa con trai đi theo và khi trả phòng, cậu bé bỏ quên quyển sách yêu thích của mình ở ngăn kéo phòng khách sạn. Cả hai đã lên xe buýt đến sân bay thì cậu bé đột nhiên nói với cha mình bằng tiếng Anh: “Ôi, không! Bố ơi, con để quên cuốn sách của con trong khách sạn rồi!” Lúc ấy, cậu bé bật khóc. 

    Cùng ngồi chung xe khi đó, tôi nghĩ Zhang chắc sẽ tức giận với con lắm, nhưng không. Anh chỉ điềm đạm hỏi: “Thế con nghĩ bây giờ chúng ta nên làm gì nào?” Tất nhiên, cậu bé chẳng biết phải làm gì và không nói một lời nào. 

    Thế rồi Zhang mới nói: “Thôi được rồi. Bố sẽ gọi điện cho khách sạn, nhờ họ tìm cuốn sách rồi cất nó đi cho con, lần tới bố sẽ ghé qua lấy giúp con. Nhưng qua việc này con rút ra được điều gì nào?” 

    Cậu bé lập tức trả lời: “Lần tới, con sẽ kiểm tra cẩn thận mọi ngăn kéo trước khi trả phòng ạ.” 

    Cuộc trò chuyện này là ví dụ tuyệt vời về cách dạy con học hỏi từ sai lầm của mình và động não suy nghĩ giải pháp để tránh chuyện tương tự trong tương lai. 


    KỸ NĂNG “WHAT IF” (GIẢ SỬ) 

    Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chính là nhóm kỹ năng WHAT IF, gồm những kỹ năng như hình dung, tưởng tượng hoặc sáng tạo. Đây có lẽ là những kỹ năng mà robot không thể có được nhưng loài người thì rất giỏi. Mọi thứ xung quanh chúng ta, mọi thứ chúng ta tạo ra đều bắt đầu từ trí tưởng tượng của chúng ta. Hầu hết những thứ chúng ta mường tượng, hình dung, đều có thể sẽ thành sự thực. Do đó, việc bồi đắp những kỹ năng WHAT IF cho phép con người duy trì lợi thế cạnh tranh trong một thời đại thông tin tự động hóa rất cao. Cụ thể hơn, chúng ta tạo điều kiện cho con cái thực hành những kỹ năng này thông qua nghệ thuật (vẽ tranh, sáng tác, viết lách), thì những cuộc đối thoại sẽ bắt đầu xoay quanh chuyện làm thế nào để tạo ra tác động với cuộc sống và thường chúng sẽ thảo luận về những điều GIẢ SỬ cho tương lai. 


    TỔNG KẾT CHƯƠNG 

    Trước đây, muốn con phát triển những kỹ năng trên, chúng ta có thể sẽ phải để con thử bán nước chanh trước nhà. Tuy nhiên, trong thời đại thông tin nơi cuộc sống còn thường xuyên diễn ra trên mạng, chúng ta có thể để con thực hiện một dự án trực tuyến nho nhỏ, như bán nước chanh tươi (và giao hàng bằng các ứng dụng như Uber Eats hoặc Grab Food) hoặc viết e-book rồi bán trên Amazon. Nhờ đó các con sẽ: 

              • Hiểu thêm về bản thân (kỹ năng ME) 

              • Biết cách làm việc với người khác (kỹ năng WE) 

              • Biết cách đặt câu hỏi và giải quyết vấn đề (kỹ năng WHY) 

              • Không chùn bước khi gặp khó khăn (kỹ năng WILL) 

              • Không ngừng học cái mới (kỹ năng WIGGLE) 

              • Phạm sai lầm và học hỏi từ sai lầm (kỹ năng WOBBLE) 

              • Tư duy một cách chiến lược về hướng đi cho dự án (kỹ năng WHAT IF) 

    Bảy nhóm kỹ năng của tiến sĩ Jana là một tổng hợp rất hữu ích để chúng ta biết cách giúp con có lợi thế cạnh tranh trong nhiều thập kỷ sắp tới. Thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể khơi mở toàn bộ tiềm năng của con bằng cách tạo môi trường cho con tập trung vào sở trường và sở thích của mình. Bổ sung những kỹ năng toàn cầu từ chương này sẽ giúp con trở nên toàn diện hơn trong tương lai.

    DAVID PHAM

     

    CÁC CHƯƠNG ĐÃ CHIA SẺ

    Chương 1: Hãy Để Con Làm xem tại đây

    Chương 2: Cùng Nhau Tiến Bộ xem tại đây


    Theo dõi tin từ Apollo

    Đăng ký để nhận các thông tin ưu đãi và cập nhật các tin tức mới nhất từ Apollo bạn nhé!

    Tin mới nhất

    Mar 20,2024
    Trong cuốn “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” dày 239 trang với hàng ngàn ý tứ, tác giả Ibuka Masaru đã chỉ ra điều tối quan trọng trong giáo dục trẻ nhỏ đó là hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, từ thời điểm sớm nhất.
    Mar 11,2024
    Sáng tạo không chỉ dành riêng cho những nhà thiết kế, nghệ sĩ, mà còn có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.
    Jan 02,2024
    Bài ôn tập Active App chính thức ra mắt
    Nov 30,2023
    4 Cách giúp bé học nói hiệu quả: Trò chuyện với bé, lắng nghe, đọc sách, tập hát. Tìm hiểu khi nào bé nên học ngôn ngữ mới
    Nov 30,2023
    Khi nào nên cho bé học ngôn ngữ thứ 2? Nên cho bé học ngôn ngữ thứ 2 nào? Lợi ích khi cho bé học tiếng Anh.

    Quan Tâm Nhất

    May 25,2023
    Bài viết tổng hợp các từ vựng tiếng Anh dành cho bé theo chủ đề thông dụng, giúp bé liên kết mối quan hệ giữa các từ vựng để học hiệu quả hơn.
    Mar 15,2023
    Lựa chọn khóa học tiếng Anh trực tuyến cho bé theo 3 bí quyết sau sẽ giúp con tiếp thu tốt, duy trì hứng thú học tập và trở nên tự tin, lưu loát khi sử dụng tiếng Anh
    Mar 14,2023
    Có nên cho trẻ học tiếng Anh sớm? NÊN! Vì con có nhiều thời gian để học, phát âm chuẩn xác như người bản xứ, tự tin giao tiếp, cơ hội nghề nghiệp
    Mar 08,2023
    Bài viết giới thiệu 100 mẫu câu học tiếng Anh giao tiếp cho bé cơ bản, giúp bé đầu đời có thể nghe, nói, phát âm tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày.
    Feb 18,2023
    Học tiếng Anh cho bé 5 tuổi với 5 cách phù hợp tâm lý, sở thích và tiềm năng sẽ giúp bé phát triển các kỹ năng tiếng Anh nghe, nói, phát âm hiệu quả

    Tin liên quan

    Bài tập từ vựng tiếng Anh lớp 1 với những hình ảnh sinh động sẽ giúp bé dễ dàng ôn tập và ghi nhớ từ mới một cách hiệu quả
    Tại Apollo English, chúng tôi luôn tin rằng mỗi học viên xứng đáng được trang bị những hành trang tốt nhất để trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai
    “Kỳ lạ thật, con mình mới hôm kia thôi còn đòi mua cuốn sách này bằng được, nói là con thích lắm, mẹ mua cho con đi