UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 1
Loading...
Close menu
Trang chủ > Góc sẻ chia > UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 1

UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 1

Tác giả: Apollo English

Trung tâm Anh ngữ Apollo Việt Nam

Tác giả

Apollo English

Apollo English được thành lập năm 1995 bởi hai nhà đồng sáng lập – ông Khalid Muhmood và bà Arabella Peters. Chúng tôi tự hào là Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Anh ngữ 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Tại Apollo, chúng tôi tin rằng giáo dục có sức mạnh thay đổi cuộc sống. Với gần 30 năm nuôi dưỡng niềm đam mê học hỏi trẻ em Việt, chúng tôi tin rằng tiếng Anh không chỉ là một ngôn ngữ. Với một phương pháp đúng đắn, tiếng Anh sẽ cùng con mở ra chân trời mới mẻ, giúp con nhận ra đam mê của chính mình, hình thành kỹ năng, kiến thức, tư duy cảm xúc xã hội cần thiết cho tương lai.

Mục Lục

Mục Lục

    LỜI GIỚI THIỆU                                     

    Năm 2010, khi đang làm tình nguyện viên tại Bra-xin, lần đầu tiên tôi được trải nghiệm hoạt động dạy học cộng đồng bằng tiếng Anh cho thanh thiếu niên bản địa, nội dung về các vấn đề toàn cầu. Trong kỳ thực tập đó, tôi được làm quen với nhiều kỹ thuật giảng dạy tương tác, đồng thời học cách quan sát để giúp học viên tiếp thu trọn vẹn bài giảng. Vài năm sau đó, tôi quyết định học lấy Chứng chỉ Giảng dạy tiếng Anh cho Người lớn (Certificate in English Language Teaching to Adults - CELTA) để dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Sau đó, tôi có ba năm giảng dạy tại một trong những trung tâm tiếng Anh uy tín nhất Việt Nam. Những trải nghiệm phong phú kể trên khiến tôi nhận ra rằng: việc giữ cho học sinh luôn vui thích, hứng thú để tiếp thu tốt nội dung bài giảng luôn là điều thử thách cho mỗi giáo viên. Lý tưởng hơn nữa, các em còn có thể hiểu sâu sắc và áp dụng hiệu quả những kiến thức học được vào nhiều tình huống trong cuộc sống. 

    Chúng ta cần làm gì để giúp các em biến kiến thức học được thành hành trang của chính mình? 


    BIG PICTURE LEARNING 

    Có một phương pháp tiếp cận mang tên học tập theo trường đời – Big picture learning (học bằng cách ứng dụng kiến thức vào thực tế). Mục tiêu của nó là làm sao để 12 năm giáo dục phổ thông được cá nhân hóa, trở nên hữu ích và thực tế hơn. Theo đó, chương trình học ở trường được thiết kế để học sinh không chỉ tiếp thu những “kiến thức học thuật” mà còn dành thời lượng đáng kể cho những “dự án yêu thích”. Cứ nửa học kỳ một, các em sẽ dành thời gian ở trường để thực hiện các dự án mang tính thực tiễn. Những dự án này tạo điều kiện cho các em vận dụng kiến thức thu được từ lý thuyết một cách thực tế, phù hợp hơn với từng cá nhân (NEXT School, 2016). 

    Mỗi học sinh đều là một cá thể độc lập, cần một môi trường riêng để nuôi dưỡng những sở thích cá nhân. Phương pháp học tập "Big Picture Learning" sẽ tạo điều kiện cho các em đưa cá tính và kinh nghiệm, tư duy phản biện vào những tình huống thực tế trong đời sống. 

     

    GIÁ TRỊ THỰC TẾ LÀ GÌ? 

    Ở mô hình trường học truyền thống, học sinh thường có cơ hội thực hành sáng tạo như viết lách hoặc vẽ tranh, nhưng chủ yếu là để giáo viên chấm điểm. Học sinh cảm thấy vinh dự nhất là khi những tác phẩm sáng tạo này được trưng bày ở lớp (hoặc có khi được gửi đến các cuộc thi viết, phòng triển lãm tranh trong địa phương, hoặc được nộp kèm bộ hồ sơ xin học bổng). Nhưng trên thực tế, hầu hết các tác phẩm đều sẽ yên vị trong ngăn kéo hoặc sọt rác. 

    Ngược lại, khi một dự án có giá trị thực tế, kết quả của nó sẽ giúp ích cho mục tiêu của chính học sinh chứ không đơn thuần chỉ để lấy điểm. Ví dụ, nếu một học sinh đam mê viết lách, em ấy có thể viết một cuốn sách và xuất bản trên Amazon. Trong quá trình viết sách, học sinh sẽ được một chuyên gia trong lĩnh vực viết lách hỗ trợ và hướng dẫn. Em sẽ dần dần xây dựng được danh mục các sản phẩm sáng tạo của mình và có sản phẩm hữu hình để đưa ra công chúng ngay khi tốt nghiệp. Như vậy, bạn học sinh đã chứng minh được năng lực của mình khi còn ngồi trên ghế nhà trường, và thể hiện mình đã sẵn sàng làm việc trong một lĩnh vực phù hợp với sở trường và sở thích của mình. Các học sinh vì vậy có được nhiều năm nghiên cứu, nhiều năm trải nghiệm, nhiều năm được góp ý, chỉ dạy và danh sách thành quả đáng tin cậy trong lĩnh vực chuyên môn – những điều mà chúng ta rất coi trọng trong “thực tế”. 

    Nếu một em học sinh đã tìm ra đam mê viết lách từ năm 10 tuổi, thì đến năm 18 tuổi em có thể đã xuất bản được một số cuốn sách, bài báo và các tác phẩm sáng tạo khác. Hoặc nếu thích chế tác gỗ hoặc làm đồ thủ công, thì đến năm 18 tuổi em ấy đã có thể làm ra và bán được sản phẩm trên những trang thương mại điện tử như Etsy. Với mô hình giáo dục này, hầu hết học sinh sẽ có thể trả lời cho câu hỏi mình là ai và tìm ra chỗ đứng của mình trong cuộc đời này một cách dễ dàng hơn. Tất cả những điều trên đều rất thực tế và khả thi, song thực tế giáo dục hiện nay lại rất khác. Sau hơn 12 năm ngồi trên ghế nhà trường truyền thống, học sinh thường có một bảng điểm thể hiện thành quả học tập của mình – về cơ bản là một danh sách các môn học riêng rẽ với điểm thi cuối kỳ, cuối năm. Qua các môn học này, các em có thể hoàn thiện một số sản phẩm nhất định, như những bài làm văn được chấm điểm, những tấm tranh ảnh về địa lý, lịch sử hoặc các dự án mô hình trong môn vật lý, sinh học hay hóa học. Nhưng hầu hết các em chưa thể hiện được thành quả mang đậm dấu ấn cá nhân được dày công vun đắp qua nhiều năm. 

    Vì giáo viên được phân công giảng dạy theo các môn học riêng rẽ, nên các em học sinh khó có được một người cố vấn đáng tin cậy để cùng đi đường dài, giúp các em xây dựng thương hiệu cá nhân. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục còn quy định một khối lượng kiến thức cố định mỗi năm, khiến các trường không còn đủ chỗ để đưa những “dự án theo sở thích” vào thời khóa biểu. Trong khi đó, đam mê của các em cần được thực hành, bồi đắp mỗi ngày để các em được không ngừng khám phá và phát triển. 

    Vậy làm thế nào để chúng ta có thể kết nối những sở thích cá nhân với chương trình học tiêu chuẩn? 


    TƯƠNG LAI ĐANG GÕ CỬA 

    Trước hết, có một thực tế chúng ta cần nhìn nhận là: giáo dục cần phải thích nghi với những thay đổi không ngừng trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời phản ánh được những thay đổi về nhân khẩu học trên toàn thế giới. 

    Số liệu thống kê cho thấy đến năm 2050, dân số thế giới ước tính sẽ chạm mốc 9,7 tỷ người, so với con số 7 tỷ vào thời điểm hiện tại (Theo Vụ Kinh tế và Các vấn đề Xã hội của Liên hiệp quốc (UN DESA), 2019). Khi đó, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ rơi vào khoảng 2 tỷ người, gần bằng một phần năm tổng dân số thế giới (Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 2021). Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực, nhóm người trẻ tuổi sẽ cần gia nhập vào lực lượng lao động nhanh hơn nữa. 

    Bên cạnh đó, chúng ta còn phải cạnh tranh với sự trỗi dậy của công nghệ tự động hóa trên phạm vi toàn cầu. Một nghiên cứu của Công ty tư vấn McKinsey & Company đã dự đoán tự động hóa sẽ chiếm đến 22% khối lượng công việc trong thập kỷ tới (Leprince-Ringuet, 2020). Hệ thống giáo dục truyền thống sẽ trở nên lỗi thời nếu tiếp tục dạy học sinh các kỹ năng thủ công như ghi nhớ sự kiện, dữ liệu, bởi thuật toán được lập trình sẵn sẽ dễ dàng thay thế những lối tư duy quen thuộc đó. 

    Để vượt lên trong bối cảnh thị trường lao động không ngừng thay đổi, chúng ta cần đưa công nghệ vào trường học một cách rộng rãi hơn, hướng tới mục tiêu đổi mới hệ thống giáo dục trên toàn cầu. Thế hệ Y và thế hệ Z đã không còn xa lạ gì với công nghệ số. Cùng với những tiến bộ công nghệ nhanh chóng, khả năng của con người là vô hạn. Các nhà giáo dục đã bắt đầu sử dụng các ứng dụng như “Tailor-ED” để soạn bài và điều chỉnh giáo án sao cho phù hợp với nhiều phương thức học tập khác nhau. Cùng với đó, các học sinh đã bắt đầu tiếp cận với “Khan Academy”, thư viện các bài giảng video miễn phí cho mọi chủ đề mà các em cần thêm thời gian để nghiên cứu tài liệu và tiếp thu kiến thức. 

    Và rồi, thế hệ Y và Z sẽ phải tiếp tục điều chỉnh hệ thống này. Nếu không, loài người chúng ta sẽ gặp rắc rối lớn. 

    Đứng trước tương lai không ngừng biến đổi, chúng ta cần làm gì để chuẩn bị tốt nhất cho những thế hệ tiếp theo? 

    Kiến thức đã và đang là chìa khóa quan trọng dẫn đến thành công. Tuy nhiên, không những thế, chúng ta còn phải tập cho con cái thói quen tự học. 

    Tại sao việc tự học và học chủ động lại hữu ích? 

    Bởi vì trong thế giới luôn luôn thay đổi mà chúng ta chưa thể lường trước, một đứa trẻ có thói quen tự học sẽ luôn chủ động tiếp thu những cái mới và thích nghi tốt với môi trường mới. 


    XU HƯỚNG CHỐNG LẠI THAY ĐỔI 

    Con người chúng ta có một xu hướng tự nhiên là chống lại những cái mới. Tôi nhận ra điều này mỗi ngày ở con gái tôi. Lần nào đưa cho con đồ ăn mới lạ, con cũng nhìn chằm chằm một lúc lâu. Hầu hết là con từ chối không chịu ăn món mới. Nhất là khi con chưa nhìn thấy nó bao giờ. Phải mất một lúc giải thích lợi ích của nó thì con mới chịu ăn. 

    Người lớn chúng ta cũng không khác là bao. Chúng ta thích những cách làm cũ, nhất là khi từ xưa đến nay mọi người đều làm thế. Cho dù trong thâm tâm ta biết rằng thay đổi là cần thiết, nhưng những cái mới vẫn đem đến cảm giác quá rủi ro. 

    Đặc biệt là trong giáo dục, sự đổi mới chưa khi nào lại cấp thiết đến vậy.

    Trong cuốn sách này, tôi sẽ giải thích lý do vì sao chúng ta cần tăng tốc thật nhanh và dẫn dắt bạn đến với những phương thức tiếp cận giáo dục phù hợp hơn trong bối cảnh thời đại không ngừng thay đổi nhanh chóng. 


    TẠI SAO TÔI VIẾT CUỐN SÁCH NÀY? 

    Khi viết cuốn sách này, tôi có một cô con gái 18 tháng tuổi. Chúng tôi sống ở Việt Nam. Và tôi bắt đầu nghĩ đến tương lai của con cũng như của thế hệ tiếp theo. Hệ thống giáo dục hiện tại có đủ tốt cho các con? Tôi sẽ hài lòng khi gửi con học ở một ngôi trường công lập chứ, nhất là khi chúng tôi quyết định gắn bó lâu dài tại một đất nước đang phát triển như Việt Nam? 

    Ở Việt Nam, một lớp học điển hình trong trường công có khoảng 50 học sinh. Các em vào học lúc 8 giờ sáng và tan học lúc 5 giờ chiều, sau đó phần lớn các em sẽ đi học các lớp học thêm buổi tối. Sau khi học thêm xong, học sinh phải làm bài tập về nhà được giao trong ngày. Học sinh cấp Hai thậm chí còn phải học cả thứ Bảy. Hệ thống giáo dục hiện tại liệu có đáp ứng khả năng hội nhập thế giới cho các con? Tôi bắt đầu băn khoăn không biết có cách nào cho con gái tôi hưởng một nền giáo dục chất lượng quốc tế phù hợp với kỷ nguyên thông tin ngày nay mà chi phí vẫn phải chăng. Có trong tay một số lựa chọn cùng hiểu biết về quy trình vận hành của nhiều mô hình trường học, tôi đã ấp ủ nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn về tương lai của giáo dục. Cuốn sách này chính là dự án đam mê của tôi. Là nơi hội tụ của những ý tưởng, nghiên cứu, phát hiện và các ví dụ mà tôi hy vọng sẽ giúp hỗ trợ những người đang góp phần xây dựng nền giáo dục trong tương lai. 

     

    TỪ BẤT BÌNH THƯỜNG TỚI BÌNH THƯỜNG MỚI 

    Các bạn có thể đã chứng kiến một đứa trẻ mới 13 tuổi trở thành doanh nhân nhí xuất sắc, tự tin thuyết trình trước các nhà đầu tư trên sóng truyền hình. Chúng ta còn thấy một “siêu đầu bếp” tuổi teen với rất nhiều công thức nấu ăn độc đáo. Những đứa trẻ này dường như đều là những hiện tượng bất thường, vì một học sinh bình thường làm sao có thể biết mình muốn làm gì. Ngay cả ở Anh quốc – nơi được xem là một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất toàn cầu – có tới 44% sinh viên thừa nhận rằng không biết định hướng ra sao sau khi tốt nghiệp Đại học (McKeown, 2015). 

    Cuốn sách này ra đời với mong muốn phổ biến những phương thức giáo dục đã và đang được áp dụng hiệu quả trên thế giới để giúp những người làm giáo dục có thể khơi mở tiềm năng của mỗi học sinh, để thế giới chúng ta trở thành nơi nuôi dưỡng những sở thích, đam mê buổi đầu trở thành sự nghiệp cho sau này. Một thế giới nơi mọi đứa trẻ đều có thể khám phá và vun đắp niềm đam mê ngay từ khi còn nhỏ tuổi. Nơi mà một thanh niên 18 tuổi đã có thể tự tin trả lời những câu hỏi phức tạp như “Sở trường của tôi là gì?” “Tôi thực sự muốn làm việc trong lĩnh vực nào?” và thậm chí cả câu hỏi “Tôi là ai?” với niềm tin vững chắc vào chính bản thân mình. 

    Cuốn sách này sẽ hữu ích cho các bậc phụ huynh, cho thầy cô và những nhà thiết kế hệ thống giáo dục trên toàn cầu. Cha mẹ có thể tham khảo những hướng dẫn trong cuốn sách này để lựa chọn trường học cho con, thậm chí có thể đề xuất nhà trường áp dụng những phương pháp mới đầy tính sáng tạo vào chương trình học hiện tại. Hơn nữa, với sự hỗ trợ của cuốn sách, cha mẹ cũng sẽ có được cái nhìn tổng quan về những phương thức phù hợp nhất để nuôi dạy trẻ, giúp các con sẵn sàng bước vào đời. Các thầy cô có thể tìm thấy từ cuốn sách này niềm cảm hứng để bồi dưỡng và nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy. Cuối cùng, những người thiết kế và soạn thảo chương trình giáo dục có thể tham khảo những nội dung trong sách để phục vụ cho quá trình hoạch định đề án trước khi đưa ra quyết định và triển khai đến các cấp cơ sở. 

    Các chương sau đây được sắp xếp theo thứ tự từ những kiến thức nền tảng đến các phương pháp học tập, và cuối cùng là cách ứng dụng hiệu quả các phương pháp đó. Tuy nhiên, khi đứng độc lập, mỗi chương sẽ là một lăng kính soi chiếu vào quy trình trong giáo dục hiện thời cũng như những thay đổi chúng ta có thể tạo ra trong tương lai. Hãy để cuốn sách này làm người dẫn đường cho bạn, và hãy khám phá nó theo bất kỳ trình tự nào bạn muốn nhé!


    ĐỌC SÁCH QUA 7 BƯỚC 

    Trước mỗi chương: 

    1. Khởi động bằng cách đọc 2 câu hỏi. 

    2. Dành thời gian suy ngẫm và tìm câu trả lời. 

    3. Viết ra câu trả lời của bạn (có thể chỉ là các gạch đầu dòng). 

    4. Đọc nội dung chương (nếu được, hãy đọc mỗi ngày 01 chương). 

    5. Suy ngẫm sau khi đọc. 

    6. Viết những điều bạn rút ra được từ chương đó . 

    7. Viết ra các bước hành động. Cá nhân bạn có thể làm gì/ làm như thế nào sau khi đọc chương này? 

    Chúng ta còn rất nhiều điều để cùng nhau khám phá. Suy cho cùng, chẳng phải bạn và tôi đều có một mối quan tâm chung là phát triển con người và khơi mở tiềm năng của con cái mình hay sao!

    _________________________________________________________________________
     

    01. KIẾN THỨC NỀN TẢNG

    CHƯƠNG 1: HÃY ĐỂ CON LÀM 

    Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ và trả lời những câu hỏi dưới đây: 

    1. Đâu là những câu hỏi quan trọng mà chúng ta muốn trẻ trả lời được khi các con ngồi trên ghế nhà trường? 

    2. Làm thế nào để trẻ có thể áp dụng kiến thức học được trong trường lớp vào cuộc sống? 

    Câu trả lời của bạn: 

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

     

    Ba tuổi, tôi bắt đầu bước chân vào cánh cổng trường. Đến năm 25 tuổi, tôi nhận tấm bằng Thạc sĩ Kinh doanh Quốc tế. Sau 22 năm là một phần của hệ thống giáo dục, tôi nhận ra mình vẫn loay hoay với những câu hỏi quan trọng về sở trường và đam mê của bản thân. Có lẽ vì khi còn bé chưa có ai hỏi tôi về những điều đó, và cơ hội ứng dụng những điều học được vào cuộc sống lại quá đỗi nghèo nàn. Một khi đã nộp bài tập, dự án và nhận điểm thầy cô cho là tôi coi như xong, chẳng mấy khi đoái hoài lại nữa. Biết bao đêm tôi cặm cụi đọc sách, tính tính toán toán, cố học thuộc lòng, thế mà một câu hỏi đơn giản như thế này tôi cũng không trả lời được: “Mình hứng thú với lĩnh vực nào? Đâu là môn học yêu thích?”. 

    Sau khi dành năm năm ở trường để đạt tấm bằng cử nhân và thạc sĩ, tôi bắt đầu sự nghiệp tại một ngân hàng. Sau đó, tôi làm cho một công ty xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đến năm 28 tuổi, tôi nhận ra hình như mình không có đam mê gì hết. Tôi muốn làm điều gì đó ý nghĩa hơn. Thế rồi, giữa năm 2018, tôi quyết định học tiếp để nhận chứng chỉ về giáo dục, vì sau khóa thực tập tình nguyện mùa hè ở Bra-xin, tôi đã nhận ra mình yêu thích lĩnh vực này. 

    Trong kỳ thực tập đó, tôi cùng nhóm của mình gồm tám tình nguyện viên quốc tế tham gia dạy về các vấn đề toàn cầu (như nhân quyền, bảo vệ môi trường và định kiến văn hóa) bằng tiếng Anh cho các em thiếu niên bản địa. Tôi lập tức cảm thấy yêu thích việc giảng dạy. Tôi có cơ hội quan sát kỹ từng em và nhận thấy sự tiến bộ của các em qua từng tuần. Đây là một trong những dự án ý nghĩa nhất mà tôi từng tham gia. Nó cho tôi thấy những đóng góp của mình đã làm thay đổi cuộc sống của người khác, nhất là khi tôi nhận được bức thư cảm ơn của các em khi dự án kết thúc. Cũng nhờ trải nghiệm đó, tôi phát hiện ra mình có năng lực điều phối hoạt động nhóm, và học sinh cũng hào hứng với cách dạy sôi nổi, đề cao tính tương tác của tôi. 

    Một người sẽ không thể phát huy được hết tiềm năng của mình nếu không có cơ hội khám phá những điều mình yêu thích và tập trung thực hiện điều đó. Càng chỉ chú tâm vào học lý thuyết, chúng ta sẽ càng ít có thời gian ứng dụng những gì đã học được vào thực tế. 

     

    NHỮNG CÂU HỎI QUAN TRỌNG NHẤT 

    Hệ thống giáo dục tốt nhất là nơi mà học sinh có thể trả lời được bốn câu hỏi sau: 

              • Sở trường của mình là gì? 

              • Đam mê và sở thích của mình là gì? 

              • Mình sẽ đóng góp được gì cho xã hội? 

              • Mình hợp với công việc nào? 

    Ví dụ có một học sinh 8 tuổi tên là Vanesa rất thích làm bánh và muốn khám phá sở thích này. Em hay tập nướng bánh, trong lúc đó em áp dụng những kiến thức toán học để hiểu được tỉ lệ nguyên liệu hoặc kiến thức hóa học để hiểu sự tương tác của các thành phần đó với nhau. Sau đó, em có thể áp dụng kiến thức từ nghệ thuật để thiết kế và trang trí bánh hoặc những sản phẩm khác. Mỗi năm Vanesa một tiến bộ, em ngày càng có nhiều kiến thức chuyên sâu và mở rộng về nướng bánh (em biết nhiều hơn về các loại hình dạng, thành phần, các kỹ thuật trang trí…). Thậm chí, Vanesa có thể có một người thầy cố vấn và dành thời gian ở tiệm bánh như một phần của dự án. Có thể đến năm 13 tuổi, em đã bắt đầu bán một vài sản phẩm (ví dụ như bánh ngọt, bánh mì và các loại bánh khác). Đến năm 18 tuổi, em đã có thể có một cửa hàng, một thương hiệu bánh và lượng khách quay lại mua hàng sau lần đầu tiên có thể lên tới hàng ngàn. Em có thể xuất bản một số sách dạy nấu ăn hoặc xuất hiện trên một vài tạp chí liên quan đến bánh ngọt. 

    Ngay cả những việc nhỏ nhất cũng sẽ có mối dây liên hệ đến mục đích chính. Mỗi dự án nhỏ như tham gia lớp nghệ thuật, lớp toán, hay sau này là các khóa học marketing, kế toán, sẽ đều giúp con phát triển kỹ năng làm bánh và xây dựng một thương hiệu lớn trong ngành. Tất cả đều tập trung hỗ trợ cho một kết quả lớn hơn, giúp vận dụng kiến thức liên môn và hình thành tư duy phản biện. 

    Thế nhưng, giả sử học sinh đó sau một vài năm sẽ thay đổi sở thích vì em giờ đã lớn hơn và phát hiện ra một lĩnh vực mới mẻ yêu thích hơn thì sao?

    Cũng tốt thôi. Các em học sinh tùy sở thích và tính cách mà tìm được cho mình những người thầy và người hướng dẫn thích hợp. Người định hướng đó sẽ cho em những lời khuyên, gợi ý từ một góc nhìn không định kiến. Học sinh có thể thay đổi trọng tâm sở thích của mình sau khi nói chuyện với người định hướng. Trong cuộc nói chuyện đó, dựa trên dữ liệu và thông tin có được từ những hoạt động và kỹ năng mà em từng thể hiện trước đây, người hướng dẫn sẽ thảo luận về những định hướng sự nghiệp em có thể theo đuổi trong tương lai. Người hướng dẫn sẽ giúp đảm bảo rằng một khi đã thay đổi sở thích thì các em sẽ quyết tâm khám phá lĩnh vực mới mẻ đó. Sự quyết tâm này đảm bảo học sinh không đưa ra những quyết định bồng bột, cứ vài tháng lại thay đổi sở thích một lần. 

    Cho dù chuyện đó có xảy ra, sau vài tháng, học sinh muốn thử cái gì đó mới mẻ thì cũng chẳng sao vì tìm kiếm đam mê đích thực sẽ cần không ít thời gian. Không phải ai cũng may mắn tìm ra được đúng đam mê của mình ngay từ đầu. 

    Dù các em thay đổi đam mê hay không thì một mục tiêu không thể phủ nhận của các dự án này là để học sinh củng cố và áp dụng kiến thức học được từ nhà trường vào dự án của mình. Một khi dự án càng phát triển, các em càng hiểu rõ hơn về bản thân và tìm ra cá tính riêng của mình. Suy cho cùng, việc quan sát sự vận hành của thế giới và các ngành nghề, lĩnh vực sẽ giúp học sinh hiểu và đồng cảm hơn với những con người khác nhau. Sẽ chẳng bao giờ là phí thời gian khi ta thử nghiệm những điều mới mẻ. 


    ỨNG DỤNG KIẾN THỨC 

    Một tin tốt là cho đến nay trên thế giới đã có một mạng lưới hơn 65 trường đang áp dụng khung “Big Picture Learning” (Học bằng cách ứng dụng kiến thức vào thực tế). Những trường học này có ở nhiều nơi trên đất Mỹ và cả ở Canada, Barbados, Belize, Kenya, Ý, Hà Lan, Kazakhstan, Israel, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Các trường muốn áp dụng khung giáo dục này đều có thể liên hệ với tổ chức Big Picture Learning. 

    Năm 2018, trường học khai phóng NEXT (NEXT School) đã đăng tải một video với tiêu đề Inside Next (tạm dịch: Bên trong trường NEXT), cho chúng ta một cái nhìn sơ lược về phương pháp “Big Picture Learning”. Trong video này, chúng ta thấy em học sinh lớp bảy Himani Bhala có niềm đam mê với việc thiết kế thời trang. 

    Một năm học tại NEXT School được chia thành bốn kỳ. Himani chia sẻ rằng trong kỳ đầu tiên, em đã tạo một catalog trên mạng và may được bộ trang phục đầu tiên của mình. Kỳ thứ hai, em may được hai chiếc áo khoác và một bộ trang phục khác bổ sung vào bộ sưu tập, sử dụng các loại vải và chất liệu khác nhau. Trong kỳ thứ tư, em đã tự thiết kế chiếc váy đầm cho mình để dự một lễ cưới. Himani cũng được thực tập trong một cửa hàng thời trang thực sự và em đã giúp cửa hàng thiết kế một vài mẫu quần áo. 

    Khung giáo dục “Big Picture Learning” này nhấn mạnh vai trò của các dự án thực tế và học hỏi qua các kỳ thực tập. 

    Bên cạnh đó, chúng ta phải thay đổi cách quản lý giáo dục Đại học hiện nay, để bắt kịp với những nhu cầu đang ngày một thay đổi của thị trường lao động. Chúng ta chẳng ai muốn học ba đến bốn năm ở trường Đại học rồi sau khi tốt nghiệp mới phát hiện ra ngành mình học không phù hợp nữa. Cũng rất dễ xảy ra tình huống những công việc mà sinh viên đã miệt mài chuẩn bị hành trang nhiều năm trời, về sau sẽ được thay thế bởi sự phát triển của công nghệ. 

    Như George Koulouris, đồng sáng lập BitLearn, đã nói: 

    Công việc không phải là mãi mãi. Tự động hóa đang thay thế các ngành nghề và người lao động đang nhận ra nhu cầu phải trau dồi kỹ năng liên tục. Kết quả là, không có cách gì khác hơn ngoài việc liên tục phát triển, nâng cao năng lực của mình. Hệ thống giáo dục hiện tại của chúng ta chưa thích nghi được với sự thay đổi này. Cứ mỗi lần cần cải thiện kỹ năng, người lao động không thể lại phải bỏ ra bốn năm học Đại học. Họ cũng không thể tham gia các khóa học, nhất là khi đang bận rộn với công việc, gia đình và khoản vay thế chấp cần phải trả... Tương lai của giáo dục cần phải có những hình thức giáo dục mới giúp nâng cao năng lực một cách hiệu quả cho người lao động, nhưng cũng phù hợp với đời sống hiện đại và bận rộn ngày nay (Mire, 2019). 

    Google đã tiến hành chuẩn bị cho tương lai này, nơi mà thay vì cần bằng cấp, một người chỉ cần có chứng chỉ để có thể bắt đầu công việc mới. Google gọi đây là những chứng chỉ nghề nghiệp (career certificates). Công ty đã tạo ra một chứng chỉ nghề nghiệp trong mảng công nghệ thông tin, gọi là Chuyên gia hỗ trợ IT. Chứng chỉ Phân tích dữ liệu, Quản lý dự án và Thiết kế trải nghiệm người dùng cũng được giới thiệu, và chắc chắn trong vài năm tới sẽ có rất nhiều chứng chỉ khác ra đời. Chương trình học kéo dài 6 tháng, hoàn toàn trực tuyến, không có rào cản nào về mặt địa lý, với học phí 49 đô la Mỹ/ tháng. Người học tự đặt ra tốc độ học cho riêng mình. Thêm nữa, những khóa học cấp chứng chỉ này ai cũng có thể tiếp cận được, không chỉ riêng nhân viên của Google (Grow with Google – Phát triển cùng Google). 

    Xã hội hiện tại vẫn có phần coi trọng bằng cấp nên Google cũng cung cấp tới 12 tín chỉ Đại học cho những ai đã hoàn thành chứng chỉ nghề nghiệp. Số tín chỉ này tương đương với bốn môn ở Đại học và là phần thưởng đáng khích lệ cho những người muốn theo đuổi tấm bằng Đại học (Grow with Google). 

    Theo tôi, đến năm 2040–2045, học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông có thể sẽ cần một bộ chứng chỉ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, thay vì dành thời gian theo đuổi tấm bằng Đại học chưa chắc đã phù hợp với nhu cầu tuyển dụng ngày càng thay đổi. Bằng phương pháp này, nhà tuyển dụng sẽ quyết định những kiến thức, kỹ năng cần có ở ứng viên. Trong khi đó, với hệ thống giáo dục hiện tại, các trường Đại học lựa chọn môn học và các khóa học cho từng chuyên ngành. Vì thế, một sinh viên tốt nghiệp cầm tấm bằng trong tay với mong muốn tìm việc, nhưng những môn học trong nhà trường có thể không phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Hình thức giáo dục Đại học như ngày nay có thể đang yêu cầu sinh viên dành nhiều thời gian học những kiến thức mà họ ít có cơ hội sử dụng. Còn với hệ thống giáo dục dựa trên “chứng chỉ”, nhà tuyển dụng luôn có thể yêu cầu người lao động học trực tuyến để có thêm một chứng chỉ tương ứng với những kỹ năng cần thiết giúp giải quyết các nhiệm vụ mới trong một vị trí mới. 

    Theo thống kê của Google, khoảng 82% số người hoàn thành chứng chỉ chia sẻ rằng họ đã có những thay đổi trong sự nghiệp như được tăng lương, thăng chức hay có được công việc mới trong vòng sáu tháng (Grow with Google). Con số này cho thấy, ngay ở thời điểm hiện tại, nhà tuyển dụng cũng đã không cần một tấm bằng Đại học mà chỉ cần những chứng chỉ liên quan.

     

    TỔNG KẾT CHƯƠNG 

    Nếu có thể áp dụng ngay những kiến thức, kỹ năng có được từ các dự án thực tế ở trường học hay qua các chương trình ngắn hạn thời sinh viên, chúng ta sẽ phát huy được toàn bộ tiềm năng của bản thân, từ đó tìm thấy vị trí của mình trong xã hội. Từ số liệu của Google, có thể thấy sau sáu tháng đào tạo và nhận chứng chỉ, học viên có thể nộp đơn ứng tuyển ngay vào công việc mới. Nếu chuyên ngành cụ thể này không phù hợp, họ có thể nhanh chóng chuyển sang chuyên ngành khác trong vòng sáu tháng nữa. Áp dụng kiến thức học được một cách tập trung và cụ thể chính là chìa khóa thành công cho nhiều thế hệ tiếp theo.

    DAVID PHAM


    Theo dõi tin từ Apollo

    Đăng ký để nhận các thông tin ưu đãi và cập nhật các tin tức mới nhất từ Apollo bạn nhé!

    Tin mới nhất

    Mar 20,2024
    Trong cuốn “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” dày 239 trang với hàng ngàn ý tứ, tác giả Ibuka Masaru đã chỉ ra điều tối quan trọng trong giáo dục trẻ nhỏ đó là hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, từ thời điểm sớm nhất.
    Mar 11,2024
    Sáng tạo không chỉ dành riêng cho những nhà thiết kế, nghệ sĩ, mà còn có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.
    Jan 02,2024
    Bài ôn tập Active App chính thức ra mắt
    Nov 30,2023
    4 Cách giúp bé học nói hiệu quả: Trò chuyện với bé, lắng nghe, đọc sách, tập hát. Tìm hiểu khi nào bé nên học ngôn ngữ mới
    Nov 30,2023
    Khi nào nên cho bé học ngôn ngữ thứ 2? Nên cho bé học ngôn ngữ thứ 2 nào? Lợi ích khi cho bé học tiếng Anh.

    Quan Tâm Nhất

    May 25,2023
    Bài viết tổng hợp các từ vựng tiếng Anh dành cho bé theo chủ đề thông dụng, giúp bé liên kết mối quan hệ giữa các từ vựng để học hiệu quả hơn.
    Mar 15,2023
    Lựa chọn khóa học tiếng Anh trực tuyến cho bé theo 3 bí quyết sau sẽ giúp con tiếp thu tốt, duy trì hứng thú học tập và trở nên tự tin, lưu loát khi sử dụng tiếng Anh
    Mar 14,2023
    Có nên cho trẻ học tiếng Anh sớm? NÊN! Vì con có nhiều thời gian để học, phát âm chuẩn xác như người bản xứ, tự tin giao tiếp, cơ hội nghề nghiệp
    Mar 08,2023
    Bài viết giới thiệu 100 mẫu câu học tiếng Anh giao tiếp cho bé cơ bản, giúp bé đầu đời có thể nghe, nói, phát âm tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày.
    Feb 18,2023
    Học tiếng Anh cho bé 5 tuổi với 5 cách phù hợp tâm lý, sở thích và tiềm năng sẽ giúp bé phát triển các kỹ năng tiếng Anh nghe, nói, phát âm hiệu quả

    Tin liên quan

    Bài tập từ vựng tiếng Anh lớp 1 với những hình ảnh sinh động sẽ giúp bé dễ dàng ôn tập và ghi nhớ từ mới một cách hiệu quả
    Tại Apollo English, chúng tôi luôn tin rằng mỗi học viên xứng đáng được trang bị những hành trang tốt nhất để trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai
    “Kỳ lạ thật, con mình mới hôm kia thôi còn đòi mua cuốn sách này bằng được, nói là con thích lắm, mẹ mua cho con đi