CHƯƠNG 9: KẾT HỢP CÁC HÌNH THỨC HỌC TẬP
Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ và trả lời những câu hỏi dưới đây:
1. Việc học trực tuyến/trực tiếp có lợi thế/bất cập nào?
2. Tôi sẽ để con học theo nhóm hay học một mình?
Câu trả lời của bạn:
.............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…
.............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…
.............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…
.............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…
Từ năm 2018, tôi đã trực tiếp trải nghiệm những thuận lợi và hạn chế của nhiều hình thức giảng dạy trên lớp học theo nhóm cũng như lớp học cá nhân, lớp học trực tuyến lẫn lớp học trực tiếp. Mỗi tuần, tôi dạy khoảng 20 tiếng trên lớp trực tiếp (học theo nhóm) và ba đến bốn tiếng dạy cá nhân (trực tiếp). Trong năm 2020, khi tình hình thay đổi vì đại dịch COVID-19, gần như mọi tiết học đều chuyển sang trực tuyến. Hơn nữa, tôi tham gia một công ty khởi nghiệp về giáo dục. Công ty của chúng tôi mở các lớp học cả trực tuyến lẫn trực tiếp, cả học nhóm lẫn học riêng. Tôi hiểu được những thay đổi theo nhu cầu thị trường và biết rằng một tổ chức giáo dục có thể thỏa mãn nhu cầu của học sinh, phụ huynh và giáo viên tới mức nào. Kể cả trong thời đại dịch, học sinh vẫn cần phải học tập và tất cả các trường đều đang cấp tập làm quen với điều kiện giảng dạy mới.
Với tư cách là một giáo viên, cá nhân tôi phải thừa nhận rằng tôi thích dạy học trên lớp hơn trên mạng, vì tôi có thể trực tiếp gặp gỡ các em và khuyến khích các em vận động qua nhiều hoạt động khác nhau trong tiết học.
Tuy nhiên, khi đại dịch vẫn còn diễn ra, tôi dần dần học cách thích nghi với những bài giảng trực tuyến để học sinh vẫn có thể vui vẻ học tập cho dù gần như không vận động chút nào. Ví dụ, tôi cho các em chơi trên Kahoot! hoặc trò đoán từ qua tranh. Tôi cũng thích dạy nhóm hơn là dạy riêng từng em một vì tôi có thể thay đổi không khí hoạt động trong nhóm, chỉ cần chia các em thành nhóm đôi, nhóm ba… là được. Mặc dù vậy, có một số dạng hoạt động, như những buổi tư duy và tư vấn, thì tập trung chú ý riêng từng em tỏ ra hiệu quả hơn.
Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về giáo dục bàn chuyện nên dạy và học trên mạng cho từng em hay tổ chức đông học sinh và dạy trên lớp. Do đó, chúng ta sẽ nói tới một số mặt thuận lợi và hạn chế của từng hình thức (trên mạng, trên lớp, theo nhóm, cá nhân) trong chương này, trong đó, chúng ta sẽ chú ý tới tính khả thi của hình thức đó đối với một cơ sở hoặc công ty giáo dục cũng như tính tới thị hiếu hiện nay của người học.
HỌC THEO NHÓM
THUẬN LỢI
Một thế mạnh rất lớn của việc học theo nhóm là tương tác xã hội giữa người với người, giúp cho người học phát triển các kỹ năng cảm xúc – xã hội.
Theo nghiên cứu có tên là Học hợp tác (Cooperative Learning) của Richard M. Felder và Rebecca Brent từ Đại học bang Carolina, trong học nhóm, các em có cơ hội góp ý cho nhau. Các em có thể phản biện nhau để tìm ra giải pháp tốt nhất cho một vấn đề và cũng khuyến khích, hỗ trợ nhau cùng học tập. Thông qua hình thức học này, các em tập làm việc nhóm, tập lãnh đạo và trau dồi kỹ năng lắng nghe trong khi vẫn làm việc trong các nhóm đa dạng về số lượng, như hai người hoặc nhóm lớn hơn (Felder và Brent, 2007).
Khi tôi hỏi một đồng nghiệp tại sao cô lại thích dạy theo nhóm hơn là dạy cá nhân, cô ấy trả lời rằng: “Bầu không khí, sự tương tác, năng lượng trong phòng học rất khác, nhất là khi dạy cho các em nhỏ hơn. Dạy đông học sinh thì giáo viên dễ tổ chức nhiều loại hình hoạt động, dễ chia nhóm các em hơn. Tôi cũng nhận ra là hình thức học này cũng giúp thúc đẩy học sinh hoàn thành bài tập về nhà vì các em sẽ thấy buồn nếu mình là người duy nhất chưa hoàn thành.”
HẠN CHẾ
Mặt khác, thời gian để từng em tương tác trực tiếp với giáo viên sẽ ít đi. Một số em có thể nổi bật trong lớp, khiến cho các em khác ít dịp được thể hiện mình.
Việc học nhóm cũng dễ tạo điều kiện phát sinh ảnh hưởng xấu giữa các em, nhất là ở học sinh nhỏ tuổi hơn. Cha mẹ đôi khi không hề hay biết con mình đang nghe thấy những từ ngữ khiếm nhã hoặc nhìn thấy trẻ khác ăn những đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe.
Một bất lợi nữa là thật khó có thể nhóm được những em có cùng trình độ và thiên hướng học tập như nhau. Trong một nhóm mà học sinh có phong cách học khác nhau, thì dù xuất phát điểm kiến thức giống nhau, mỗi em có thể tiến bộ ở tốc độ khác nhau do phương pháp dạy của giáo viên không phải lúc nào cũng phù hợp với tất cả.
Hỗ trợ đồng đều cho các em và khuyến khích những em trầm hơn chăm phát biểu để học sinh tham gia đều vào bài học có thể là việc khó cho một giáo viên, kể cả tôi. Dù tôi có chuẩn bị bài học kỹ càng bao nhiêu thì lúc nào cũng có một học sinh làm quá nhanh và một học sinh còn cần thêm rất nhiều thời gian lẫn sự hỗ trợ để hoàn thành một hoạt động nào đó.
Làm việc trong công ty khởi nghiệp về công nghệ giáo dục, tôi cũng thấm thía nỗi khó khăn khi phải xếp đủ học sinh trong cùng một khoảng thời gian (cùng một lớp học). Đặc biệt là khi dạy ngoại ngữ, tốt nhất các học sinh cùng lớp nên có trình độ đầu vào tương đương nhau.
HỌC MỘT THẦY MỘT TRÒ
THUẬN LỢI
Trong lớp học một thầy một trò, dựa trên nhu cầu và mục đích của học sinh mà các giáo viên có thể “may đo” nội dung bài học phù hợp với riêng từng em. Bên cạnh đó, lên lịch học cũng dễ dàng hơn vì có ít người hơn.
Kimberly White làm việc tại Christa McAuliffe Academy School of Arts and Sciences (CMASAS – Học viện nghệ thuật và khoa học Christa McAuliffe) ở Oregon, một ngôi trường tin tưởng vào cá nhân hóa giáo dục, đã chia sẻ một vài nguyên nhân cho thấy tại sao học một thầy một trò lại có ích cho học sinh. Trước hết, lớp học không diễn ra khi thiếu học sinh thế nên học sinh sẽ không bao giờ bỏ lỡ kiến thức. Thứ hai, học sinh có thể thoải mái chia sẻ suy nghĩ của mình. Các em không sợ trả lời sai hoặc sợ câu hỏi của mình bị coi là ngớ ngẩn do áp lực bạn bè như trong lớp học nhóm. Tiếp nữa, giáo viên có thể điều chỉnh hoặc thay đổi toàn bộ giáo án, lộ trình học tập hoặc thậm chí cả thời hạn làm bài để làm sao có lợi cho học sinh nhất. Thứ tư, cô White chia sẻ: “Không có yếu tố gây mất tập trung hoặc kích thích thái quá của một lớp học đông bạn bè nên học sinh có thể tập trung hoàn toàn vào người hướng dẫn và bài học” (White).
HẠN CHẾ
Ngược lại, lớp học một thầy một trò cũng có một vài bất lợi.
Thiếu tương tác xã hội có thể bất lợi cho học sinh khi các em phát triển những kỹ năng liên quan đến con người, những kỹ năng này ngày càng quan trọng vì làm việc theo nhóm và hợp tác với nhau đang ngày càng được đánh giá cao trong xã hội chúng ta hiện nay.
Thứ hai, học sinh có thể không có cảm giác thi đua. Cạnh tranh nhiều khi cũng lành mạnh và có thể thúc đẩy các em nỗ lực tiếp thu kiến thức khi tự so sánh mình với các bạn. Bên cạnh đó, học cá nhân còn tốn nhiều chi phí và vì hoàn cảnh tài chính mà nhiều cha mẹ không thể kham nổi kiểu học này cho con mình.
Công ty khởi nghiệp của chúng tôi cũng gặp vấn đề về học phí của các lớp học. Một mặt, giáo viên dạy một thầy một trò không chấp nhận tiền lương thấp hơn so với dạy theo nhóm vì cũng phải tốn bằng ấy thời gian và sự chuẩn bị.
Hãy tưởng tượng bạn là một giáo viên dạy tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai (ESL), có một trung tâm ngoại ngữ đề xuất trả bạn 20 đô la cho một giờ dạy một nhóm 15 học sinh. Thế rồi, có một lựa chọn nữa là dạy cá nhân một tiếng thì tiền công dạy là 15 đô la một giờ. Thời gian bạn bỏ ra để chuẩn bị cho bài học cũng như nhau. Do đó, dễ hiểu là tại sao bạn thích được trả 20 đô la cho cùng một khối lượng công việc hơn.
Mặt khác, 20 đô la là quá cao đối với hầu hết các học sinh, dẫn tới việc chúng tôi, với tư cách một công ty khởi nghiệp, dần rời xa những lớp học một thầy một trò.
Từ góc nhìn của học sinh, việc học lớp đông người trong một trung tâm ngoại ngữ có thể chỉ mất 5 đô mỗi em mỗi giờ, bởi thế gấp bốn lần số tiền đó cho một giờ học cá nhân là quá tốn kém.
Hơn nữa, từ góc nhìn của trường học hoặc công ty, việc tổ chức lớp học theo nhóm có thể đem đến nhiều lợi nhuận hơn, với biên lợi nhuận khả quan hơn là tổ chức những lớp học một thầy một trò.
HỌC TRỰC TUYẾN
THUẬN LỢI
Học trực tuyến có một lợi thế tuyệt vời là sự linh hoạt về địa điểm. Ở những nước đang phát triển, nơi cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện và nạn tắc đường vẫn xảy ra hàng ngày thì việc học trực tuyến trở thành một sự giải thoát cho nhiều bậc phụ huynh đưa đón con đi học.
Trong một cuộc trò chuyện trên lớp học trực tuyến, tôi hỏi các học sinh đang học cấp Hai là các em thích gì ở việc học trực tuyến, ngoài việc có thể học ngay trong phòng mình và không phải tốn thời gian đi lại. Một em học sinh tên là Thủy nói đùa: “Em không phải đi giày hoặc mặc quần dài, em có thể tắt camera khi không muốn thầy nhìn thấy em, em có thể nói chuyện riêng với bất cứ bạn nào trong lớp, và thậm chí em trai em cũng có thể ngồi gần đó để học ké.” Các em học sinh rất sáng tạo. Thỉnh thoảng các em nghĩ ra những ý tưởng bất ngờ hết sức.
Một lợi ích nữa của việc học trực tuyến là có thể dễ dàng ghi hình lại các bài học và học sinh có thể mở đoạn video đó để xem lại khi cần.
Học thông qua các nền tảng trực tuyến cũng tạo điều kiện để ứng dụng công nghệ mới nhất nhằm thu thập dữ liệu, từ đó hiểu rõ hơn mức độ tham gia của các em học sinh.
Việc học trực tuyến cũng giúp gia tăng tính an toàn và giảm rủi ro tai nạn xảy ra không chỉ trên đường mà cả trong lớp học. Tôi chuyên dạy các học sinh nhỏ từ 6 đến 15 tuổi, tôi tận mắt chứng kiến việc học trên lớp đôi khi nguy hiểm tới mức nào khi các em chạy nhảy và làm đau bạn khác.
Một ngày mùa xuân năm 2019, trong một lớp học ESL gồm 15 học sinh (các em từ bảy đến chín tuổi), tôi chia lớp học thành năm nhóm. Tôi dán những tấm thẻ từ vựng về động vật khắp phòng và đến lượt mình, mỗi học sinh trong mỗi nhóm sẽ chạy và đập vào tấm thẻ viết đúng tên con vật được đọc lên. Nhóm nào đập trước tiên sẽ được một điểm. Chuyện là trong một nhóm, có một học sinh rất hiếu thắng, em ấy muốn chiến thắng bằng bất cứ giá nào. Khi đang chạy, em cố tình đẩy bạn để được là người đầu tiên đập vào thẻ từ vựng. Bạn học sinh kia bị đẩy, ngã vào tường và khóc suốt cả buổi. Đó chỉ là một ví dụ trong rất nhiều chuyện đã xảy ra. Dù tôi đã cố gắng tránh thương tích đến cỡ nào thì cũng khó có thể lường trước được những biến cố trong lớp học trực tiếp. Những tình huống này không bao giờ xảy ra trong lớp học trực tuyến. Và đó là một điều tuyệt vời vì tôi có thể tập trung nhiều vào nội dung và chất lượng bài học hơn là giải quyết các vấn đề về an toàn.
HẠN CHẾ
Mặt trái của việc học trực tuyến là thiếu sự tương tác thực sự. Ngồi trong phòng một mình có thể không tốt cho tâm sinh lý, dần dần khiến các em trở nên xa cách về mặt xã hội. Hơn nữa, nếu các em phải ngồi nhiều giờ liền trước màn hình thì việc đó có thể gây hại cho thị lực và tầm nhìn của các em.
Bác sĩ Jennifer Katzenstein, trưởng khoa tâm lý và tâm lý thần kinh ở Bệnh viện Nhi Hopkins All Children’s Hospital, đã nhận ra tác động của việc học từ xa đối với trẻ ở mọi lứa tuổi: “Sử dụng màn hình lâu hơn đã được chứng minh là có liên quan đến việc gia tăng trầm cảm, lo âu và những vấn đề về khả năng chú ý quan sát” (Balram, 2020).
Hơn nữa, học trực tuyến cũng phụ thuộc nhiều vào sự ổn định của đường truyền Internet và những thiết bị điện tử khác. Việc học có thể thường xuyên bị gián đoạn. Học trực tuyến cũng yêu cầu học sinh phải biết sử dụng các nền tảng công nghệ thông tin, việc này có thể không hợp lắm với những học sinh còn nhỏ và với những em không rành về công nghệ.
Một số học sinh có thể cũng gặp vấn đề trong việc ngồi yên một chỗ để học, khiến các em khó theo dõi bài học, hoặc các em có thể làm gián đoạn cả lớp. Trong suốt thời đại dịch, tôi phải dạy một lớp trực tuyến gồm bảy học sinh, và hầu hết các em đều ổn. Nhưng một số học sinh ngồi trong lòng cha mẹ, và một em thậm chí còn chạy loanh quanh khắp phòng mình trong cả tiết học vì em không thể tập trung và ngồi yên được.
Những học sinh lớn hơn có thể ngồi yên, nhưng rồi lại dẫn đến một vấn đề khác. Theo bản tin Đại học John Hopkins (JHU) tháng 4 năm 2020, việc học trực tuyến đã tác động lớn tới mức độ hoạt động thể chất của học sinh. Amrita Balram, một trong những tác giả của bản tin này, đã đề cập rằng việc không di chuyển giữa các lớp học khiến một số học sinh ngồi yên liên tục hàng tiếng đồng hồ trước máy tính của mình. Divisha Jaiswal, một sinh viên của trường JHU đã chia sẻ: “Tôi thực sự nhớ những lúc đi bộ, và chỉ ngồi trước máy tính khiến tôi cực kỳ trì trệ và lười biếng” (Balram, 2020). Cha mẹ quyết định để con cái học trực tuyến phải đảm bảo con vẫn được vận động thể chất đầy đủ và tương tác với mọi người.
Tại sao học trực tuyến (trong suốt đại dịch COVID-19) lại không hiệu quả?
Có thể đây là lần đầu tiên cha mẹ tiếp xúc với việc học trực tuyến. Mọi tổ chức giáo dục, trong đó có trường công, đều đang thích nghi với những kỹ thuật giảng dạy mới. Vì tất cả các hoạt động đều diễn ra trên mạng nên nếu không có sự điều chỉnh nào thì nhiều học sinh có thể cảm thấy chán nản ở một mức độ nào đó. Cha mẹ có thể không nhận ra sự tiến bộ của con trong khi con học trực tuyến.
Và tại sao việc học trực tuyến này vẫn còn quan trọng trong tương lai?
Vì thế giới đang ngày càng kết nối hơn bao giờ hết, làm việc từ xa đã ngày càng trở nên phổ biến. Có thể tiếp thu thông tin từ những cuộc họp trên mạng là điều vô cùng thiết yếu đối với bất cứ ai đang làm việc. Cứ tiếp tục như thế này, trong tương lai, công việc sẽ đòi hỏi con cái chúng ta phải biết làm việc thành thạo trên mạng. Cách tốt nhất để chuẩn bị cho con là đưa việc học trực tuyến trở thành một phần chương trình dạy.
HỌC TRỰC TIẾP (TRÊN LỚP)
THUẬN LỢI
Một lợi ích tuyệt vời của việc học trực tiếp là cải thiện kỹ năng xã hội và kỹ năng liên quan đến con người. Trước, trong và sau tiết học, học sinh có thể chuyện trò và đùa vui với nhau.
Một lợi ích nữa là giáo viên dễ dàng đọc được ngôn ngữ cơ thể của học sinh hơn. Mặc dù trong khi học trực tuyến, cả giáo viên và học sinh đều có thể nhìn thấy nhau nhưng nhiều khi chúng ta không bật camera lên hoặc camera không hoạt động.
Trong một bài nghiên cứu trên tờ tạp chí the Journal of Neuroscience (Khoa học thần kinh) của Susan R. Barry, một giáo sư sinh hóa thần kinh của khoa Sinh trường Đại học Mount Holyoke, có một thử nghiệm để các đối tượng trò chuyện với nhau trong khi nói chuyện hoặc là mặt đối mặt hoặc là quay lưng lại với nhau. Cùng lúc đó, hoạt động não bộ được ghi lại bằng máy chụp quang cận hồng ngoại (NIRS).
Giáo sư Barry giải thích: “Kỹ thuật này quan sát những thay đổi trong hoạt động mạch máu não, những thay đổi này phản ánh hoạt động của não bộ.”
Giáo sư Barry còn nói thêm: “Khi các đối tượng nói chuyện mặt đối mặt, chứ không quay lưng lại với nhau, thì họ có những hoạt động tương tự ở vỏ não trước trán dưới. Ở vùng vỏ não đó chứa các tế bào thần kinh gương, chúng hoạt động tích cực trong suốt thời gian diễn ra một hoạt động cụ thể nào đó” (Barry, 2013). Từ thí nghiệm và nghiên cứu này, chúng ta có thể nhận ra khi nói chuyện mặt đối mặt, người ta dễ kết nối cảm xúc, thấu hiểu và cảm thông với nhau hơn. Nói chuyện quay lưng lại với nhau cũng giống như nói chuyện trên điện thoại hoặc gọi video và tắt camera đi. Người ta cảm thấy xa cách hơn và khó kết nối với nhau.
Một lợi thế nữa của việc học trên lớp là không có sự gián đoạn do công nghệ và không phải phụ thuộc vào sự ổn định của đường truyền Internet. Hơn nữa, nếu một học sinh không có các dụng cụ và tài liệu học tập cơ bản như giấy bút thì giáo viên có thể cho mượn.
Mới đây, trong một tiết học trực tuyến với các học sinh tiểu học, tôi định tổ chức hoạt động “viết theo mô tả”. Trong hoạt động đó, các em phải có một tờ giấy, một cái bút chì và lắng nghe tôi để vẽ một con robot. Mục đích là để ôn lại kiến thức vềcác hình khối. Tôi rất bất ngờ là có em còn không có sẵn một tờ giấy ở nhà, và vì đây là lớp học trên mạng nên tôi không thể cung cấp cho các em được. Do đó, tôi phải bỏ qua hoạt động ấy. Lúc đó, tôi nhận ra học trên lớp có lợi đến thế nào.
HẠN CHẾ
Mặt khác, với học trực tiếp, học sinh có thể tốn nhiều chi phí và thời gian hơn vì các em sẽ phải tốn thời gian, tiền bạc để đến trường. Khi số lượng học sinh ngày càng tăng, chúng ta cũng sẽ nhận ra ngày càng có nhiều phương tiện giao thông đi lại trên đường, nhất là vào những giờ cao điểm, khiến cho tình trạng tắc đường ngày càng tệ hơn qua các năm, nhất là ở những nước đang phát triển khi mà tốc độ đô thị hóa đang nhanh hơn so với tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tôi hiện đang sống ở Hà Nội, thủ đô của Việt Nam. Nơi đây là ví dụ rất rõ cho sự phát triển nhanh chóng về dân số và tốc độ đô thị hóa của một thành phố. Tương tự như những thành phố khác ở Đông Nam Á, ở đây giao thông thường xuyên tắc nghẽn trong giờ cao điểm vì mọi người đều đổ ra đường đi làm và vì có rất nhiều học sinh đến trường. Vì phương tiện giao thông công cộng chậm hơn phương tiện cá nhân nên nhiều người đã chọn tự lái xe đưa con em đến trường vào buổi sáng, có khi đi 7km cũng phải mất đến cả tiếng đồng hồ.
Từ quan điểm của nhà trường hoặc của doanh nghiệp, sẽ phát sinh nhiều chi phí cố định hơn khi học trực tiếp, như thuê không gian trường lớp, nhất là khi họ mở rộng quy mô hoặc mở thêm nhiều chi nhánh.
TỔNG KẾT CHƯƠNG
Tóm lại, như chúng ta có thể thấy, có nhiều thuận lợi và hạn chế đối với mỗi loại hình dạy học. Do đó, lựa chọn loại hình nào là phụ thuộc vào mong muốn của học sinh. Học sinh có thể kết hợp nhiều loại hình với nhau để học tập tốt nhất.
Mỗi phương pháp đều có mặt hạn chế nhưng cũng có mặt mạnh mà chúng ta có thể tận dụng để tối đa hóa kết quả học tập. Là phụ huynh, tôi muốn con mình vừa được học nhóm vừa được học riêng với tỷ lệ 50/50. Học nhóm có thể giúp con cải thiện các kỹ năng xã hội. Ngược lại, học riêng cho phép con đặt nhiều câu hỏi hơn, lấp đầy nhiều lỗ hổng kiến thức và củng cố kiến thức bị bỏ lỡ khi học nhóm. Đồng thời, tôi cũng muốn con vừa học trực tuyến vừa học trực tiếp. Tỷ lệ 50/50 cũng là lý tưởng. Trong lớp học trực tiếp, con có thể tương tác thực sự với các bạn, trong khi trong lớp học trực tuyến, con vẫn có thể tham gia lớp học cho dù đang đi đâu đó ngoài thành phố.
Học sinh cần được tiếp cận đa dạng các hình thức học với tỷ lệ hợp lý, để các em có thể bồi dưỡng thật tốt những thiên hướng học tập của mình sau này.
DAVID PHAM