UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 7
Loading...
Close menu
Trang chủ > Góc sẻ chia > UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 7

UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 7

Tác giả: Apollo English

Trung tâm Anh ngữ Apollo Việt Nam

Tác giả

Apollo English

Apollo English được thành lập năm 1995 bởi hai nhà đồng sáng lập – ông Khalid Muhmood và bà Arabella Peters. Chúng tôi tự hào là Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Anh ngữ 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Tại Apollo, chúng tôi tin rằng giáo dục có sức mạnh thay đổi cuộc sống. Với gần 30 năm nuôi dưỡng niềm đam mê học hỏi trẻ em Việt, chúng tôi tin rằng tiếng Anh không chỉ là một ngôn ngữ. Với một phương pháp đúng đắn, tiếng Anh sẽ cùng con mở ra chân trời mới mẻ, giúp con nhận ra đam mê của chính mình, hình thành kỹ năng, kiến thức, tư duy cảm xúc xã hội cần thiết cho tương lai.

Mục Lục

Mục Lục

    CHƯƠNG 7: TÔN TRỌNG NHỮNG KHÁC BIỆT

    Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ và trả lời những câu hỏi dưới đây:

    1. Tại sao cùng được lớn lên trong một gia đình mà trẻ vẫn khác nhau?

    2. Có bao nhiêu phong cách học tập?

    Câu trả lời của bạn: 

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

     

    Giả sử có một học sinh cấp Hai tên là Mark, học không khá lắm môn sinh học. Kết quả là cậu bị điểm thấp và thiếu tự tin. Nhưng nếu đưa cậu ra khỏi lớp học, hoà vào môi trường tự nhiên thì Mark sẽ hiểu ngay được cuộc sống của động thực vật và làm bài kiểm tra rất tốt.

    Chắc chắn là có nhiều cách học tập khác nhau và cho dù giáo viên chỉ có tám học sinh trong lớp, giáo án được thiết kế tuyệt vời với rất nhiều hoạt động hoặc theo mô hình tương tác chăng nữa thì thể nào cũng có một học sinh bị tụt lại và một học sinh tiến bộ vượt bậc trong một hoạt động cụ thể. Với cùng một hoạt động nhưng mỗi em lại có mức độ phản hồi khác nhau. Một số học nhanh hơn thông qua xem video. Một số học nhanh hơn thông qua việc đọc hoặc thảo luận theo cặp với bạn. Nếu giáo viên biết hầu hết các em đều thích học qua video thì giáo viên đó có thể chuẩn bị nhiều video hơn. Nếu giáo viên biết các em hợp với việc đọc tài liệu thì có thể đưa nhiều bài đọc vào giáo án dạy.

    Vấn đề là giáo viên chỉ có thể quan sát các em trên lớp để xác định khả năng học tập của các em. Một giáo viên có thể dạy hơn 100 em một tuần. Không dễ gì mà nhớ được phong cách tiếp thu kiến thức ưa thích của tất cả.

    Cá nhân tôi, dù lớp học chỉ có 12 em thôi, tôi cũng khó mà nhớ nổi phong cách học của mỗi em vì không có cách nào để dễ dàng ghi lại tương tác của mỗi em với mỗi hoạt động. Mặc dù mỗi tuần tôi chỉ dạy khoảng 10 lớp, nhưng như thế đã là 120 em rồi. Để giải quyết vấn đề, tôi đã tạo ra một danh sách trong Excel để ghi lại mức độ hưởng ứng với các hoạt động của các em. Tuy nhiên, việc này mất rất nhiều thời gian, bởi thế tôi đã không dùng nữa.

    Vì một giáo viên chỉ có thể chuẩn bị một giáo án cho một lớp học nên thật khó có thể thỏa mãn được mọi học sinh (chưa nói một số nơi còn yêu cầu giáo viên dạy một giáo án chuẩn hóa, tức là lớp nào cũng dạy giống nhau, cũng có các hoạt động như nhau). Ở những trường yêu cầu làm giáo án riêng, giáo viên có thể đưa vào các hoạt động khác nhau để đảm bảo mỗi học sinh hưởng ứng với ít nhất một cách dạy học nào đó. Thế nhưng việc này cũng còn xa mới được xem là hiệu quả.

    Giả sử thầy Scott có một lớp học khoảng 25 học sinh. Thầy chuẩn bị một giáo án để dạy về tế bào gốc. Với sự nhiệt tâm của mình, thầy đưa ra các video tương tác, sau đó để các em thảo luận. Một số học sinh trong lớp như Saskia tiếp thu được tốt nhất nếu xem một đoạn video ngắn về tế bào gốc. Trong khi số khác như Domcia không tiếp thu tốt lắm bằng việc nghe mà sẽ hiểu bài hơn khi đọc một bài báo ngắn. Rồi đến Fei, em hào hứng với tế bào gốc hơn nếu em được làm thí nghiệm. Nếu thầy Scott chỉ có ba học sinh nữ này trong lớp thì việc nhớ mỗi em một phong cách học sẽ đơn giản hơn nhiều. Thế nhưng, thầy Scott có những 25 học sinh, và thật khó cho thầy để biết rõ em nào hào hứng với kiểu hoạt động nào. Và còn khó hơn nữa khi thầy phải dạy sao cho tất cả học sinh, trong đó có cả Saskia, Domcia và Fei, đều tiếp thu bài tốt nhất.

    Vậy, giải pháp ở đây là gì? Có một vài phương án như:

              • Lớp học một thầy một trò

              • Mỗi học sinh một giáo án

              • Sử dụng công nghệ để ghi lại mức độ tham gia của học sinh với các hoạt động khác nhau

    Lựa chọn đầu tiên có vẻ rất tốn kém và nhà trường có lẽ không có đủ giáo viên để tổ chức học riêng như vậy cho mọi học sinh. Lựa chọn thứ hai không thực tế, vì chuẩn bị giáo án tốn rất nhiều thời gian. Do đó, giải pháp tối ưu là sử dụng công nghệ để hiểu rõ hơn mỗi học sinh, thu thập thông tin về phản hồi của mỗi em với mỗi hoạt động, và rồi giáo viên có thể sử dụng dữ liệu đó lên kế hoạch giảng dạy. Nếu khả quan hơn nữa, công nghệ có thể giúp giáo viên tự động soạn giáo án riêng, phù hợp cho từng học sinh. Nhờ đó, chúng ta vẫn có thể dạy theo mô hình một thầy một trò cho nhiều học sinh cùng lúc.

    Kiểu công nghệ này thường được gọi là AI (trí tuệ nhân tạo). Nó thu thập số liệu và dữ liệu để phân tích hành vi của chúng ta. Công nghệ này đã được sử dụng trên mạng Internet để marketing và bán hàng hiệu quả hơn. Tôi chắc chắn là chúng ta ai cũng từng nhận ra là ngay sau khi tìm kiếm một cái gì đó trên Google, sản phẩm ấy lại xuất hiện liên tục trên các trang mạng xã hội hoặc trong các quảng cáo trên các trình duyệt của mình. Nếu không thu thập dữ liệu về những gì ta hứng thú và quan tâm thì mạng xã hội sẽ đưa ra những bài đăng không liên quan từ những người không can hệ, và gợi ý những sự kiện và trang không liên quan. Nếu nội dung trên Facebook không dính dáng gì đến sở thích và mối quan tâm của bạn, bạn vẫn sử dụng mạng xã hội này chứ?

    Giáo dục hiện nay cũng vậy, cũng không liên quan gì đến nhu cầu của học sinh. Chúng ta không thu thập dữ liệu về học sinh và do đó, giáo viên không biết gì về sở thích và mối quan tâm của các em. Giáo án của chúng ta do đó thường không liên quan gì đến nhu cầu và mong muốn của các em. Không được trao cho công cụ cần thiết để thành công trong học tập, bởi thế không có gì ngạc nhiên khi mà nhiều học sinh không thích đi học.

    Không có thông tin về phong cách học phù hợp với học sinh, các nhà giáo dục sẽ khó có thể giúp các em làm chủ một lĩnh vực nào đó. Nhờ biết được khuynh hướng của các em, giáo viên có thể đưa ra những video phù hợp, những bài tập và các công cụ học tập khác. Khả quan hơn nữa là AI có thể tự động kết hợp các công cụ và những tài liệu học tập thích hợp cho mỗi em. Do đó, chúng ta nên học tập cách tận dụng AI trong thương mại để áp dụng trong giáo dục.

     

    CÁC KIỂU TRÍ THÔNG MINH VÀ PHONG CÁCH HỌC TẬP

    Mặc dù công nghệ AI đã có sẵn, chúng ta vẫn cần điều chỉnh và ứng dụng nó trong giáo dục. Vậy các tổ chức giáo dục hiện chưa có điều kiện tiếp cận với AI hay công nghệ tương tự để hiểu thêm phong cách học tập của các em và soạn giáo án cho phù hợp với khuynh hướng của mỗi học sinh thì có thể làm gì vào lúc này?

    Bước đầu tiên là nhận ra rằng có rất nhiều kiểu học tập khác nhau. Tiến sĩ Howard Gardner, một nhà tâm lý người Mỹ và là nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực giáo dục, đã xác định có chín kiểu trí thông minh (Vital, 2014). Theo từ điển Cambridge, trí thông minh là khả năng học, hiểu và đưa ra đánh giá hoặc ý kiến dựa trên lập luận, chứng cứ (Cambridge Dictionary). Trí thông minh không phải là phong cách học tập. Tuy nhiên, dựa trên các kiểu trí thông minh, chúng ta có thể đơn giản hóa và chia người học thành chín nhóm sau (Vital, 2014):

    1. Người thiên về toán học hoặc “logic” thích các con số, số liệu, thích giải quyết vấn đề hoặc lý luận. Người học này thích những bài học liên quan đến thông tin số liệu thú vị.

    Nhà tâm lý và cũng là nhà tư vấn giáo dục, Ann Logsdon, đã nói rằng: “Khi tham gia một dự án nhóm, người học thiên về toán học và logic có thể muốn đóng góp bằng cách đưa ra các chương trình, danh sách, lập ra các mục tiêu theo số liệu rõ ràng, phân loại ý tưởng, thiết lập các bước thực hiện cụ thể trong bản kế hoạch,, theo dõi tiến độ của cả nhóm và xây dựng báo cáo dữ liệu” (Logsdon, 2020).

    2. Người thiên về “lời nói” hoặc ngôn ngữ học tập hiệu quả nhất thông qua từ ngữ như đọc hoặc viết. Người này rất giỏi đọc hiểu và viết lách.

    “Người thiên về lời nói và ngôn ngữ thường thích các dự án viết lách, các buổi thuyết trình, lớp kịch nghệ, hùng biện, các lớp ngôn ngữ và báo chí”, Ann Logsdon nói thêm (Logsdon, 2020).

    3. Người thiên về “không gian” hay thị giác tiếp nhận thông tin thông qua hình ảnh hoặc sơ đồ. Các mô hình không gian ba chiều sẽ khiến họ ngạc nhiên và thích thú.

    Theo như Madilyn Smith viết trong một bài báo của Mindvalley, phụ huynh hoặc giáo viên chúng ta có thể nhận ra em nào có thiên hướng về không gian, có cảm giác phương hướng tốt thì rất giỏi dùng bản đồ và hiếm khi bị lạc. Học sinh đó cũng giỏi về màu sắc và hội họa (Smith, 2020).

    4. Người có khiếu “âm nhạc” có thể hiểu rõ hơn qua các âm thanh và bài hát. Lắng nghe là một lợi thế lớn của người này và những hoạt động liên quan đến các đoạn ghi âm có thể hữu ích cho việc học tập rất nhiều.

    Theo Madilyn Smith: “Người có khiếu về âm thanh thường nhớ những gì giáo viên nói và hào hứng tham gia lớp học. Các em thích học khi có âm thanh nền. Những em này có kỹ năng trong việc báo cáo, thuyết trình và thường ứng dụng vần điệu vào việc ghi nhớ” (Smith, 2020).

    5. Người thiên về “vận động” hoặc thể chất thích học thông qua hành vi sờ chạm và di chuyển. Nắm một vật có thực, thực hành trong phòng thí nghiệm, tất cả những hoạt động như thế sẽ cuốn hút các em có khuynh hướng này vào bài học.

    Cô Smith còn nói thêm rằng: “Những người thiên về vận động có trí nhớ rất tốt (chỉ cần hướng dẫn một lần là làm được). Các em không tiếp thu chừng nào chưa được tận tay làm việc đó. Các em thích tham gia đóng vai để thu nhận thông tin mới” (Smith, 2020).

    6. Người thiên về giao tiếp, kết nối sẽ học thông qua các cuộc đối thoại và trao đổi. Làm việc một mình là một áp lực và không hiệu quả đối với các em. Trong khi đó các em có thể hiểu bài hơn nhiều nếu được thảo luận với các bạn trong lớp.

    Là một giáo viên cấp Hai, Melissa Kelly gợi ý: “Giáo viên có thể giúp học sinh phát huy trí thông minh liên quan đến giao tiếp, kết nối bằng một số hoạt động cụ thể, ví dụ như là tổ chức dự án nhóm, thực hiện các cuộc phỏng vấn học đường hoặc tổ chức khảo sát và lấy ý kiến” (Kelly, 2019).

    7. Người “hướng nội” và thích độc lập làm việc tốt hơn khi được làm một mình trong dự án cá nhân ở không gian yên tĩnh. Nếu được làm việc một mình mà không bị người khác gây xao lãng thì các em sẽ học tập tốt hơn.

    Rasool Somji, chuyên viên nghiên cứu tâm lý thực nghiệm ở trường Đại học Oxford, đã chia sẻ rằng: “Một số chiến lược để dạy cho người học này là đặt câu hỏi, để bạn biết các em đang nghĩ gì và cảm thấy gì hoặc giải thích tại sao tài liệu bài học lại quan trọng vì người học độc lập thường quan tâm đến kết quả” (Somji, 2018).

    8. Người học “tự nhiên” thì tiếp thu tốt hơn khi ở ngoài lớp học, khi ở trong tự nhiên (hoặc nếu phải ở trong lớp học thì môi trường cũng cần tương đương với môi trường tự nhiên).

    Thầy Somji giải thích: “Người học ‘tự nhiên’ xử lý thông tin bằng cách làm việc và trải nghiệm trong tự nhiên. Các em học cách tìm ra các khuôn mẫu trong tự nhiên và sử dụng logic khoa học để hiểu.” Thầy cũng nói thêm là để học sinh hiểu bài tốt hơn, giáo viên có thể đưa thêm nhiều thí nghiệm, thực nghiệm vào bài học (Somji, 2018).

    9. Người học kiểu “hiện sinh” thì tiếp thu tốt nhất khi có thời gian suy tư hoặc nói về những vấn đề mang tính triết học nhiều hơn thông qua những cuộc chuyện trò sâu sắc.

    Melissa Kelly nói rằng những người có kiểu học này có thể nhìn ra bức tranh toàn cảnh. Họ thường thích đặt câu hỏi về cuộc sống, cái chết và nhiều thứ khác nữa (Kelly, 2019).

    Mỗi người là tổng hòa của những phong cách học tập khác nhau. Và phong cách học tập phần nhiều thay đổi đa dạng. Không ai chỉ học theo mỗi một phong cách.

    Giáo viên có thể theo dõi mức độ tham gia nhiệt tình của học sinh đối với các hoạt động để hiểu rõ hơn phong cách học tập của các em và dần phát hiện mỗi em phù hợp với phong cách nào trong số chín phong cách trên.

    Theo dõi và thu thập dữ liệu về học sinh như các em thích học phần nào – bài tập sáng tạo, thực hành hoặc tiếp thu kiến thức đơn thuần, cũng như thời gian các em cần để hoàn thành một hoạt động cụ thể nào đó là việc rất hữu ích. Nhờ đó, chúng ta có cái nhìn toàn diện về việc học của các em, trong đó có những phương diện làm thế nào, khi nào và bao lâu để tối ưu hóa trải nghiệm học tập, từ đó dẫn đến kết quả tốt nhất.

    Quan sát các tương tác của học sinh trong một nhóm cũng là cách làm thực tế. Một số học sinh học tập rất tốt khi làm việc cùng với một kiểu người cụ thể nào đó hoặc trong một nhóm cân bằng. Khi nhắc đến việc học theo nhóm, chúng ta không thể bỏ qua chuyện các em thích học với ai. Những mối tương tác trong nhóm là rất quan trọng. Nếu hợp với những người trong nhóm thì chúng ta sẽ làm việc tốt hơn so với khi làm việc với những người không có tinh thần hợp tác với mình.

    Nếu trường học có nhiều máy tính bảng, giáo viên có thể dùng ứng dụng để đánh giá phản ứng của học sinh với nhiều hoạt động khác nhau và dần dần xây dựng hồ sơ của học sinh đó bằng những dữ liệu thu thập được. Trong các lớp học có trợ giảng, họ có thể thực hiện một phần việc quan sát và theo dõi này. Dù là ở đâu, học sinh cũng được quyền đưa ra đánh giá của bản thân với các hoạt động khác nhau. Dần dần theo thời gian, những thông tin này sẽ tập hợp lại và đem đến phản hồi giá trị cho giáo án của giáo viên.

    Vì là người quyết định nên giáo viên có thể chọn hoạt động nào cân bằng ý thích của các học sinh trong toàn nhóm.

    Gần đây, tôi có cuộc trò chuyện với cô Minh, cô có hai con gái sinh đôi 10 tuổi. Cô đang tìm gia sư toán cho con mình và được giới thiệu đến một người rất có uy tín. Cô thuê gia sư đó cho cả hai cô con gái của mình là Ly và Lan, và không hiểu tại sao Ly tiến bộ rõ rệt chỉ sau vài tháng trong khi Lan thì không.

    “Vì giá thuê gia sư đó không rẻ và người đó rất có uy tín, đã dạy nhiều học sinh và giúp các con tiến bộ, nên tôi mặc nhiên nghĩ rằng hẳn là vấn đề nằm ở con gái tôi,” cô Minh chia sẻ. “Là mẹ, lẽ tự nhiên là tôi thúc Lan học tập chăm chỉ hơn, tập trung hơn và làm nhiều bài tập về nhà hơn,” cô nói thêm. “Giờ nghĩ lại, tôi nhận ra mỗi cô con gái có một cách học riêng và mỗi con lại giỏi trong những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Ly, con gái đầu của tôi, có thể thích cách dạy kiểu truyền thụ của gia sư này, con thứ hai của tôi, Lan, có lẽ chỉ là cần một phong cách học tập khác, một cách giải thích khác cho cùng một vấn đề”, cô Minh kết luận.

    Để học sinh tiến bộ, cha mẹ và thầy cô phải để ý mỗi học sinh có một kiểu học khác nhau. Có chín loại trí thông minh, bởi thế đừng kết luận ngay con có thể học kiểu nào trước khi thử nghiệm với cả chín phong cách kia.

     

    TỔNG KẾT CHƯƠNG

    Tóm lại, nếu chúng ta bắt đầu tận dụng công nghệ sẵn có như AI vào trong giáo dục, chúng ta có thể thiết kế bài học phù hợp hơn với lợi ích của tất cả các học sinh. Thu thập dữ liệu trong lớp học trực tuyến và hiểu về phong cách học tập của các em trong lớp học một thầy một trò thì bớt phức tạp hơn trong lớp học với sĩ số lớn. Dẫu vậy, chúng ta vẫn cần tìm ra cách để hiểu, thu thập và lưu trữ thông tin một cách an toàn về thói quen của học sinh trong lớp học. Chúng ta cũng nên chia sẻ thông tin này với các giáo viên khác trong suốt quá trình các em học trong nhà trường qua các cấp, để các giáo viên mới cập nhật và thích nghi nhanh hơn với môi trường lớp học tương ứng.

    Không có hai đứa trẻ nào giống nhau dù lớn lên trong cùng một gia đình. Do đó, cả giáo viên và cha mẹ đều nên quan sát trẻ để tìm hiểu cách dẫn dắt trẻ thay vì ép buộc các em theo con đường không phù hợp.

    Để hỗ trợ trẻ tìm ra mục đích sống của đời mình ngay trong trường học, trước hết chúng ta cần hiểu được những khác biệt độc đáo trong cách học của mỗi em.

    DAVID PHAM

     

    CÁC CHƯƠNG ĐÃ CHIA SẺ

    Chương 1: Hãy Để Con Làm xem tại đây

    Chương 2: Cùng Nhau Tiến Bộ xem tại đây 

    Chương 3: Giảng Dạy Những Kỹ Năng Thiết Yếu xem tại đây 

    Chương 4: Đánh Thức Sự Hiếu Kỳ Và Lòng Khát Khao xem tại đây

    Chương 5: Giáo Dục Kỹ Năng Bán Hàng Và Tài Chính xem tại đây

    Chương 6: Thiết Kế Trải Nghiệm Học Tập Tốt Hơn xem tại đây


    Theo dõi tin từ Apollo

    Đăng ký để nhận các thông tin ưu đãi và cập nhật các tin tức mới nhất từ Apollo bạn nhé!

    Tin mới nhất

    Mar 20,2024
    Trong cuốn “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” dày 239 trang với hàng ngàn ý tứ, tác giả Ibuka Masaru đã chỉ ra điều tối quan trọng trong giáo dục trẻ nhỏ đó là hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, từ thời điểm sớm nhất.
    Mar 11,2024
    Sáng tạo không chỉ dành riêng cho những nhà thiết kế, nghệ sĩ, mà còn có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.
    Jan 02,2024
    Bài ôn tập Active App chính thức ra mắt
    Nov 30,2023
    4 Cách giúp bé học nói hiệu quả: Trò chuyện với bé, lắng nghe, đọc sách, tập hát. Tìm hiểu khi nào bé nên học ngôn ngữ mới
    Nov 30,2023
    Khi nào nên cho bé học ngôn ngữ thứ 2? Nên cho bé học ngôn ngữ thứ 2 nào? Lợi ích khi cho bé học tiếng Anh.

    Quan Tâm Nhất

    May 25,2023
    Bài viết tổng hợp các từ vựng tiếng Anh dành cho bé theo chủ đề thông dụng, giúp bé liên kết mối quan hệ giữa các từ vựng để học hiệu quả hơn.
    Mar 15,2023
    Lựa chọn khóa học tiếng Anh trực tuyến cho bé theo 3 bí quyết sau sẽ giúp con tiếp thu tốt, duy trì hứng thú học tập và trở nên tự tin, lưu loát khi sử dụng tiếng Anh
    Mar 14,2023
    Có nên cho trẻ học tiếng Anh sớm? NÊN! Vì con có nhiều thời gian để học, phát âm chuẩn xác như người bản xứ, tự tin giao tiếp, cơ hội nghề nghiệp
    Mar 08,2023
    Bài viết giới thiệu 100 mẫu câu học tiếng Anh giao tiếp cho bé cơ bản, giúp bé đầu đời có thể nghe, nói, phát âm tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày.
    Feb 18,2023
    Học tiếng Anh cho bé 5 tuổi với 5 cách phù hợp tâm lý, sở thích và tiềm năng sẽ giúp bé phát triển các kỹ năng tiếng Anh nghe, nói, phát âm hiệu quả

    Tin liên quan

    Bài tập từ vựng tiếng Anh lớp 1 với những hình ảnh sinh động sẽ giúp bé dễ dàng ôn tập và ghi nhớ từ mới một cách hiệu quả
    Tại Apollo English, chúng tôi luôn tin rằng mỗi học viên xứng đáng được trang bị những hành trang tốt nhất để trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai
    “Kỳ lạ thật, con mình mới hôm kia thôi còn đòi mua cuốn sách này bằng được, nói là con thích lắm, mẹ mua cho con đi