CHƯƠNG 4: ĐÁNH THỨC SỰ HIẾU KỲ VÀ LÒNG KHÁT KHAO
Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ và trả lời những câu hỏi dưới đây:
1. Tại sao sự hiếu kỳ và khát khao lại quan trọng?
2. Làm thế nào để thổi bùng ngọn lửa hiếu kỳ và khát khao ở con trẻ?
Câu trả lời của bạn:
.............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…
.............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…
.............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…
.............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…
Sinh nhật lần thứ 12, tôi được thầy giáo tặng cho một món quà khiến tôi hiểu ra nhiều điều. Đó là cuốn sách có tên How Stuff Works (Tạm dịch: Mọi thứ vận hành như thế nào) của Marshall Brain.
Cuốn sách này đã thay đổi cuộc đời tôi. Cuốn sách mở ra cho tôi rất nhiều điều khác nhau và cách chúng vận hành, ví dụ máy bay cất cánh thế nào, hoặc chuyện gì diễn ra bên trong bồn cầu sau khi chúng ta ấn nút xả nước. Tôi xem món quà này là một trong những khoảnh khắc quan trọng thay đổi con người của tôi. Tôi bắt đầu đặt câu hỏi về thế giới xung quanh và khao khát tìm hiểu những kiến thức liên quan; thôi thúc này xuất phát từ chính bản thân tôi. Tôi đã mua thêm nhiều cuốn bách khoa toàn thư và nhiều cuốn sách khác thuộc mọi thể loại. Tôi dần lấp đầy giá sách của mình bằng những cuốn giúp trau dồi và phát triển bản thân thay vì truyện tranh và những cuốn sách hư cấu mà các bạn tôi hay đọc. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng có lẽ mình muốn học một trường kinh tế để hiểu về hoạt động tài chính, thương mại giữa các quốc gia, hoạt động sản xuất ra sản phẩm và nhiều lĩnh vực khác nữa. Lòng hiếu kỳ của tôi đã được khơi dậy như thế đó.
Khi chúng ta nói về giáo dục, hay khi ta gửi con cái tới trường, chúng ta kỳ vọng các con sẽ học được những điều mới mẻ từ thầy cô. Các thầy cô hiểu những kỳ vọng đó và cố gắng truyền thụ kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, người thầy giỏi không chỉ cung cấp thông tin, mà họ còn khơi dậy ngọn lửa đam mê của học sinh, khiến các em khao khát học hỏi nhiều hơn về một chủ đề ngay cả ngoài giờ học. Người giáo viên ấy hiểu rằng thời gian trên lớp chính là để khơi mở trí tò mò của học sinh, để khi hết giờ học, các em vẫn tiếp tục tự tìm tòi, học hỏi về thế giới xung quanh. Do đó, mục đích của giáo dục chính là khơi gợi lòng ham học hỏi.
Tò mò là trạng thái quan tâm đặc biệt hoặc khao khát tìm hiểu thêm về điều gì đó, khiến bạn có thể dấn thân vào những điều chưa từng biết để tận hưởng cơ hội khám phá với niềm yêu thích.
(BROWN, 2015)
Một nghiên cứu nhan đề States of Curiosity Modulate Hippocampus-Dependent Learning via the Dopaminergic Circuit (Tạm dịch: Học tập ở hồi hải mã dưới tác động của trạng thái hiếu kỳ thông qua đường dẫn truyền dopamin) chỉ ra rằng sự hiếu kỳ kích thích bộ não học tập (Gruber, Gelman và Ranganath, 2014). Hơn nữa, giáo sư tâm lý George Loewenstein cho rằng sự tò mò không chỉ là một trạng thái tinh thần mà còn là một cảm xúc. Cảm xúc đó thôi thúc chúng ta học hỏi cho đến khi lấp đầy khoảng trống tri thức của mình (Brown, 2015). Nếu chúng ta có thể khiến học sinh tò mò về một chủ đề nào đó, các em sẽ muốn tự mình tìm hiểu thêm nữa. Và rồi, thế giới mở ra vô hạn.
SỨC MẠNH BẤT KHẢ NGĂN CẢN
Một yếu tố quan trọng khác, tương tự như lòng hiếu kỳ, chính là niềm khát khao - mong muốn thiết tha một điều gì đó. Dan Lok, một diễn giả truyền cảm hứng trên TEDx, trong bài nói chuyện với tựa đề The Unstoppable Force - The Real Difference Between Success and Failure (Tạm dịch: Sức mạnh bất khả ngăn cản - sự khác biệt thực sự giữa thành công và thất bại) đã xem những khát khao này là chìa khóa thúc đẩy chúng ta đạt được bất cứ mục tiêu nào đã đặt ra. Anh chia sẻ rằng nếu chúng ta khát khao một điều gì đó, chúng ta sẽ tìm cách để có được nó. Nếu thực sự có niềm khát khao thì chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, gian khổ (TEDx Talks, 2017).
Dan Lok là một doanh nhân người Canada. Cha mẹ anh ly hôn khi anh 16 tuổi. Sau này, cha anh bị phá sản, còn mẹ thì không có việc làm, bởi thế anh phải tự mình xoay sở để lo liệu cho bản thân. Dan nói: “Để có tiền cho những ý tưởng kinh doanh điên rồ của mình, tôi đã phải vay mượn họ hàng. Trong ba năm, tôi thất bại tới 13 lần và đến lần sinh nhật thứ 21, tôi đã vay nợ tất cả 150.000 đô la” (Lok).
Vì tất cả những sự kiện đã xảy ra trong đời mình mà Dan có một khao khát đổi đời mãnh liệt. Anh chia sẻ, sau sáu năm làm việc vất vả, “tôi đã học cách viết quảng cáo, bắt đầu từ doanh nghiệp quảng cáo ‘tự mình làm hết’ và rồi kiếm được những khoản tiền lớn đầu tiên. Đến năm 27 tuổi, tôi đã trở thành triệu phú tự thân. Ước mơ duy nhất của tôi là chăm sóc mẹ” (Lok).
Steve Jobs cũng nhắc đến khao khát trong diễn văn khai mạc tại trường Đại học Stanford vào năm 2005: “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ.” Chúng ta phải luôn luôn khao khát những điều lớn lao hơn và đừng ngại thử nghiệm những điều mới mẻ. Chúng ta nên giữ ngọn lửa bùng cháy trong lòng mình thay vì quá hài lòng với hiện tại. Luôn luôn khát khao chính là điều giúp ta không ngừng muốn cải thiện bản thân và thế giới này.
Sau khi xâu chuỗi câu chuyện của Dan Lok và Steve Jobs, tôi nhận thấy rằng hầu hết những người thành công đều khởi đầu trong một hoàn cảnh bất lợi. Họ chịu đựng những khó khăn vất vả mà nhờ đó họ nảy sinh một lòng khát khao vô bờ bến để quyết tâm thay đổi cuộc đời. Quan trọng hơn nữa, một khi đã chinh phục được khó khăn vất vả, họ vẫn tự dặn mình phải tiếp tục, hãy khát khao và không dừng lại.
Liệu có cách nào để nuôi dưỡng lòng khát khao này mà không phải chịu đựng khó khăn vất vả hay không? Tôi tin rằng sẽ có cách, nhưng bạn thực sự phải có một mong muốn nội tại mạnh mẽ. Mong muốn được thoát nghèo đói, khổ cực phải thật sự mãnh liệt. Nếu chúng ta không trải qua bất cứ khó khăn nào trong đời, chúng ta cần phải tìm được mục tiêu khác để có động lực nội tại đó. Nói một cách đơn giản, đó có thể là động lực chứng minh với bản thân là chúng ta giỏi giang hơn người khác tưởng.
KHOẢNH KHẮC BƯỚC NGOẶT
Tôi muốn gọi khoảnh khắc thổi bùng nỗi khát khao thay đổi trong mỗi người là “khoảnh khắc bước ngoặt”. Khoảnh khắc của tôi là khi tôi học lớp sáu hay lớp bảy, khoảng 12, 13 tuổi.
Hồi đó, cha mẹ tôi đang bán sách báo, nên một trong những đặc quyền của tôi là ngày nào cũng được đọc báo miễn phí. Chúng tôi cũng có thừa mứa những tờ báo cũ của nhiều ngày trước. Tôi đọc tất cả những bài hay ho về kinh tế, kinh doanh và tương tự thế. Rồi tôi bắt đầu thu thập, cắt rời những bài phỏng vấn những người thành công ra. Trong nhiều bài phỏng vấn, xuất hiện nhiều tên sách về phát triển bản thân, bởi thế tôi tìm cách để đọc những cuốn sách này.
Từ hồi đó, tôi bắt đầu lên kế hoạch nhiều hơn cho tương lai của mình. Tôi bắt đầu đặt ra mục tiêu, cả tầm nhìn dài hạn lẫn mục tiêu ngắn hạn. Tôi cũng bắt đầu thói quen dành thời gian cuối năm để nhìn lại những thành tựu và tiến bộ mình đạt được. Mục tiêu lớn lao đầy tham vọng đầu tiên của tôi là được nhận vào một trong những trường Trung học tốt nhất ở Cộng hòa Séc mặc dù tôi biết rằng cơ hội không hề lớn, vì chỉ tiêu thì có hạn và cạnh tranh thì lại có thừa. May sao, tôi đạt điểm đầu vào vừa đủ (trường học có 90 chỉ tiêu mỗi năm và tôi xếp đâu đó ở thứ 73).
Sau khi đậu vào trường, tôi khao khát học tập đến không ngờ, và tới cuối cấp Ba, tôi là một trong những người đứng đầu lớp. Lên Đại học, “ngọn lửa” trong tôi vẫn tiếp tục bùng cháy. Ngoài việc học, tôi còn tham gia nhiều câu lạc bộ và tổ chức sinh viên cũng như làm nhiều công việc bán thời gian. Tôi còn tham gia các kỳ thực tập quốc tế, hội thảo và các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế được học bổng hỗ trợ trong suốt những năm học cử nhân và thạc sĩ của mình.
Niềm khát khao trong tôi thật sự mãnh liệt. Ở trường học, chúng ta cần vun đắp lòng hiếu kỳ của các em học sinh để các em xác định rõ ràng khát khao nội tại của bản thân, từ đó hướng các em lên kế hoạch từng bước đạt được mục tiêu của mình, cũng như lường trước những đánh đổi cần thiết để đạt được kết quả mong muốn. Nếu các em tò mò và có động lực mạnh mẽ, các em sẽ muốn mày mò nghiên cứu mà không cần ai phải thúc giục.
Hãy tưởng tượng có hai người bạn tên Frank và Dan, khoảng 18 tuổi. Frank xuất thân từ một gia đình khá thuận lợi. Cha mẹ có nguồn thu nhập đảm bảo, mỗi người lái một chiếc Mercedes-Benz đi làm. Frank học trường tư và đang dùng chiếc iPhone đời mới nhất. Cậu không có gì phải vật lộn với cuộc sống. Cậu có thể mua những gì mình muốn hoặc cần. Sau giờ học, cậu tham gia một số câu lạc bộ hoặc về nhà chơi điện tử. Frank học giỏi ở trường. Cậu rất thông minh và luôn làm bài tập về nhà.
Còn Dan thì bố mẹ không giàu có lắm. Họ có một chiếc xe hơi cũ được mua lại từ người chủ trước, và Dan học ở trường rẻ nhất trong quận. Cha mẹ Dan buôn bán nhỏ, họ có một cửa hàng bán thịt tại địa phương. Sau giờ học, Dan thỉnh thoảng phải đến cửa hàng giúp cha mẹ. Ở trường, Dan chỉ là học sinh trung bình và không phải lúc nào cũng có đủ thời gian để làm bài tập về nhà.
Một ngày nọ, cả hai cậu đều có ý tưởng khởi nghiệp về lĩnh vực học tập trực tuyến, tuyển dụng giáo viên và kết nối thầy cô với những học sinh tiềm năng, và thu lợi nhuận trên mỗi giao dịch. Khác biệt lớn ở đây là nếu Frank muốn mở một doanh nghiệp thì cha mẹ cậu dễ dàng hỗ trợ tài chính. Ngược lại, Dan sẽ phải chuẩn bị kế hoạch kinh doanh chi tiết để thu hút nhà đầu tư bỏ tiền ra.
Với Frank, chuyện này khá dễ dàng. Cậu sẽ thử làm và nếu thất bại thì thiệt hại cũng chẳng phải là chuyện to tát. Còn với Dan, nếu thất bại thì đó là một cú ngã đau đớn hơn nhiều. Thất bại có nghĩa là tài chính chao đảo và mất đi tinh thần gọi vốn trong tương lai. Động lực nội tại, niềm khát khao dự án thành công ở hai nhân vật này là hoàn toàn khác nhau. Có lẽ Dan có nhiều quyết tâm hơn, sẵn sàng làm mọi thứ trong khả năng để dự án không bị tắt ngúm trong khi Frank luôn có thể bắt đầu lại.
Từ đây, chúng ta đã nhìn ra là Dan sẽ có khả năng thành công cao hơn, mặc dù không có những mối quan hệ ban đầu, không có nguồn lực tài chính mạnh mẽ nhất hoặc không có nền tảng giáo dục tốt nhất hay không có trí thông minh để hỗ trợ. Lòng hiếu kỳ và nỗi khát khao hiểu về thế giới, khám phá cách con người đạt được mục tiêu là những yếu tố vô hình nhưng có tính quyết định, giúp phân biệt người thành công và không thành công.
“Bạn muốn điều đó tới mức nào?” đó là câu hỏi quan trọng. Nếu ai đó quyết tâm làm điều gì đó và thực sự mong muốn nó, họ sẽ có thể vượt qua chông gai, nghịch cảnh để đạt được mục tiêu.
Nếu tìm kiếm cụm từ tính cách dẫn đến thành công trên Internet, gần như 100% kết quả sẽ cho ra những từ như động lực, lòng quyết tâm, bản lĩnh, ý chí, sự cam kết, kiên trì hoặc kiên định (Sykes, 2018). Tất cả những từ này đều gần nghĩa hoặc là kết quả của lòng khao khát hoàn thành việc những việc mình muốn làm.
TỔNG KẾT CHƯƠNG
Dù ở trường hay ở nhà thì chúng ta cũng nên tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với những tình huống mà ở đó các em có thể nuôi dưỡng lòng hiếu kỳ, từ đó giữ được ngọn lửa nhiệt huyết và khát khao nội tại. Đôi khi hãy để trẻ tự giải quyết khó khăn một chút, để trẻ vấp ngã và tự mình đứng dậy. Như thế còn tốt hơn là bao bọc trẻ khỏi mọi hiểm nguy, thất bại.
Câu chuyện truyền cảm hứng của Dan Lok về việc vượt qua khó khăn sau khi cha mẹ ly hôn, câu trích dẫn của Steve Jobs (người từng được gia đình Jobs nhận nuôi) là những ví dụ rõ nét cho động lực nội tại, cho nỗi khát khao thay đổi những hoàn cảnh sống khó khăn đã khơi dậy lòng ham học hỏi, tất cả có thể thay đổi toàn bộ cuộc đời.
Để khơi mở toàn bộ tiềm năng của mình, mỗi người cần phải luôn luôn hiếu kỳ, khát khao học tập và làm việc không ngừng để nâng cao năng lực bản thân và từng ngày tiến bộ hơn trong lĩnh vực mà mình theo đuổi.
DAVID PHAM