UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 5
Loading...
Close menu
Trang chủ > Góc sẻ chia > UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 5

UNLOCKED - KHƠI MỞ TIỀM NĂNG - CHƯƠNG 5

Tác giả: Apollo English

Trung tâm Anh ngữ Apollo Việt Nam

Tác giả

Apollo English

Apollo English được thành lập năm 1995 bởi hai nhà đồng sáng lập – ông Khalid Muhmood và bà Arabella Peters. Chúng tôi tự hào là Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Anh ngữ 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Tại Apollo, chúng tôi tin rằng giáo dục có sức mạnh thay đổi cuộc sống. Với gần 30 năm nuôi dưỡng niềm đam mê học hỏi trẻ em Việt, chúng tôi tin rằng tiếng Anh không chỉ là một ngôn ngữ. Với một phương pháp đúng đắn, tiếng Anh sẽ cùng con mở ra chân trời mới mẻ, giúp con nhận ra đam mê của chính mình, hình thành kỹ năng, kiến thức, tư duy cảm xúc xã hội cần thiết cho tương lai.

Mục Lục

Mục Lục

    CHƯƠNG 5: GIÁO DỤC KỸ NĂNG BÁN HÀNG VÀ TÀI CHÍNH

    Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ và trả lời những câu hỏi dưới đây:

    1. Con tôi sẽ không trở thành nhân viên kinh doanh, tại sao lại cần học về bán hàng và tài chính?

    2. Tôi nên dạy con những gì để con có nền tảng tài chính cơ bản?

    Câu trả lời của bạn: 

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

    .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…

     

    Theo nghiên cứu của nhà xã hội học và sử học Rainer Zitelmann, nhiều tỷ phú và triệu phú tự thân ngày nay khi còn trẻ đã từng đảm nhiệm một hoặc nhiều vị trí liên quan đến bán hàng. Tự bản thân họ thấy đây là yếu tố quan trọng nhất đối với thành công về mặt tài chính của mình. Không phải ngẫu nhiên mà những người giàu thường giỏi bán hàng. “Kỹ năng bán hàng rất có giá trị”, Cheryl Palmer, nhà sáng lập Call to Career (một công ty tư vấn nghề nghiệp) đã chia sẻ như vậy (Hill, 2020). Bán hàng và tài chính có liên quan mật thiết với nhau, đó là lý do tại sao tôi sẽ thảo luận song song về chúng trong chương này. Tài chính cũng là xương sống của xã hội và thường xuyên là yếu tố thúc đẩy học sinh lựa chọn con đường sự nghiệp của mình.

     

    HIỂU BIẾT VỀ TÀI CHÍNH

    Trong thời gian tôi học cả cử nhân lẫn thạc sĩ ở trường kinh doanh, tôi chẳng hiểu chút gì về tài chính cá nhân. Không có thầy cô nào dạy về việc gia tăng khả năng thu nhập, đa dạng hóa dòng tiền, cách giảm chi tiêu, phân loại và phân tích thói quen chi tiêu, hoặc quan trọng hơn nữa là những lựa chọn để tiết kiệm tiền nhàn rỗi. Chủ đề tài chính cá nhân ít khi được đề cập và chỉ chiếm có vài khóa nhập môn trong chuyên ngành kế toán và tài chính doanh nghiệp. Nhưng, định nghĩa về tài sản từ quan điểm tài chính doanh nghiệp sẽ rất khác với quan điểm tài chính cá nhân. Hiểu biết về tài chính rất quan trọng trong đời sống, thế nhưng chủ đề này vẫn chưa được nhà trường quan tâm đúng mức.

    Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (The Organization for Economic Cooperation and Development - OECD), ở Peru, nếu mỗi người trẻ đều có khoản tiết kiệm ban đầu 100 PEN (PEN: đồng tiền của Peru) thì chỉ có 41% biết cách tăng thêm 2% lãi suất từ số tiền đó. Thậm chí ở những nước phát triển như Đan Mạch, 73% người trẻ không biết chút gì hoặc hiểu biết rất hạn chế về lãi suất (OECD/INFE, 2012).

    Ở Hoa Kỳ, Hội đồng Các nhà Giáo dục Tài chính Quốc gia (National Financial Educators Council - NFEC) đã thực hiện một khảo sát. Họ đã hỏi hơn 1.000 người trong độ tuổi từ 18 đến đến 24 rằng môn học nào trong trường trung trường có ích với họ nhất. Phần lớn trả lời là: “Quản lý tiền bạc” (NFEC).

    Robert Kiyosaki, tác giả của những cuốn sách về tài chính, trong đó có cuốn Rich Dad Poor Dad (Cha giàu cha nghèo), Rich Dad’s Cashflow Quadrant (Dạy con làm giàu: Sử dụng đồng vốn để được thoải mái về tiền bạc) và Rich Dad’s Guide to Investing (Cha giàu dạy con đầu tư) đã chia sẻ: “Một trong những lý do khiến người giàu càng giàu hơn, người trung lưu thì xoay sở với những khoản nợ, người nghèo thì ngày càng nghèo đi là vì môn học về tiền bạc được dạy trong gia đình chứ không phải ở trường” (OECD/INFE, 2012).

    Trong những gia đình mà cha mẹ giỏi quản lý tài chính và dành thời gian để dạy con cái, con họ sẽ hiểu được “tiền hoạt động thế nào”. Ngược lại, có những gia đình mà cha mẹ không quen thuộc lắm với chuyện lập kế hoạch tài chính hay các dịch vụ ngân hàng, con cái họ lại ít được nhà trường chỉ bảo, từ đó sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể trong xã hội trên phương diện phân bổ thu nhập. Theo tổ chức quốc tế Oxfam International, 1% người giàu nhất trên toàn cầu sở hữu 82% lượng tài sản toàn thế giới tạo ra vào năm 2017 (Oxfam International, 2018). Có thể thấy một khoảng cách to lớn giữa người giàu và người nghèo. Tôi tin rằng nếu kiến thức cơ bản về tài chính được dạy ở cả trường học và gia đình, chúng ta sẽ có thể thu hẹp khoảng cách này lại.

     

    KỸ NĂNG BÁN HÀNG

    Hầu hết những cơ hội tôi được thực hành những kỹ năng bán hàng như sự thấu hiểu, xử lý lời từ chối và thuyết phục khách hàng đều đến từ những dự án nhóm ở trường Đại học. Trong kỳ trao đổi sinh viên của khóa học thạc sĩ, tôi có cơ hội học ở một trường kinh doanh ở Pháp. Tôi đăng ký khóa Đàm phán Quốc tế, nội dung về dạy và thực hành các kỹ năng đàm phán. Trong mỗi bài học, hai sinh viên sẽ ngồi ở giữa lớp học để thỏa thuận với nhau một hợp đồng kinh doanh hoặc một giao dịch tương tự. Buổi thương thảo này được ghi âm để chúng tôi xem lại và đưa ra ý kiến của mình. Chủ yếu nhờ thực hành mà tôi đã phát triển được khả năng đàm phán trên nhiều khía cạnh từ nội dung, chiến lược đến ngôn ngữ cơ thể và giao tiếp bằng ánh mắt. Những phản hồi có tính xây dựng đã giúp chúng tôi tiến bộ. Tôi ước gì các giảng viên trong môn học khác cũng làm tương tự, cũng góp ý thêm cho chúng tôi dù là góp ý trực tiếp hay đánh giá bằng văn bản.

    Để trở thành người bán hàng giỏi cần có một bộ kỹ năng cụ thể. Nếu để tâm và có ý thức luyện tập, chúng ta có thể rèn luyện những kỹ năng này ngay trong trường học. Ví dụ, Nadine đang muốn bán một khóa học ngôn ngữ cho khách hàng tiềm năng là Julie. Ngoài việc nắm rõ thông tin về sản phẩm / dịch vụ, Nadine còn phải thấu hiểu nhu cầu và nguyện vọng của Julie. Sau khi giới thiệu sản phẩm cho khách hàng, Nadine cũng sẽ chuẩn bị sẵn tinh thần bị khách hàng phản đối và từ chối bằng những câu như: “Tôi sẽ nghĩ về điều này. Chắc lúc này tôi chưa cần lắm. Với tôi giá này hơi cao. Tôi không có thời gian để học.” Nadine cần thuyết phục Julie mua khóa học này ngay tại thời điểm đó, vì cô ấy có thể không còn cơ hội nào khác nói chuyện với khách hàng này. Về cơ bản, Nadine cần hiểu thấu lý do phía sau những phản đối của Julie và hiểu rào cản khiến cô ấy chưa sẵn sàng đăng ký khóa học này. Nadine có thể phải đưa ra ví dụ thực tế về lớp học hoặc giảm giá để xoa dịu những nghi ngại, lưỡng lự của Julie.

    Thấu hiểu, xử lý lời từ chối hoặc thuyết phục là những kỹ năng cần thiết cho dù chúng ta không phải là nhân viên bán hàng đang nói chuyện với khách hàng. Những kỹ năng này vẫn được sử dụng trong cuộc sống mỗi ngày khi chúng ta nói chuyện với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.

    Hãy tưởng tượng bạn đang bàn bạc với một người bạn xem nên đi chơi ở đâu. Bạn muốn đến quán cà phê còn bạn của bạn thì muốn đi mua sắm. Thế thì bạn phải bán cho bạn mình ý tưởng rằng đi cà phê sẽ hay hơn. Bán ở đây có nghĩa là bạn của bạn vui vẻ đồng ý với bạn. Vậy thì bạn sẽ phải nói : “Đợi đến đợt giảm giá sắp tới đi, lúc đấy đồ rẻ hơn nhiều. Bây giờ mình gặp nhau ở quán cà phê trước để lướt qua các cửa hàng trực tuyến nhé. Mình vừa tìm được một quán mới có món bánh cà rốt mà cậu yêu thích trong thực đơn tuần này đấy!”

    Những người có thể dễ dàng thuyết phục người khác theo cách nhẹ nhàng hợp lý, bằng lý lẽ có lợi cho người nghe, thường dễ đạt được mục đích của mình hơn. Do đó, nếu thực sự quan tâm tới việc giúp học sinh thành công sau khi ra trường, chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến việc đưa các kỹ năng bán hàng vào chương trình học hoặc có hẳn một khóa để các em thực hành.

    Tuy nhiên, việc dạy học hoặc tổ chức các dự án nhóm có thể vẫn chưa đủ vì học sinh cần trải nghiệm trong đời thực mới có thể thực sự thành thục những kỹ năng này. Thay vì có một dự án bán hàng trong khuôn viên trường, chia các em thành các đội và yêu cầu các em bán những sản phẩm tưởng tượng cho nhau, thầy cô nên giao cho các em một dự án thực sự, bán một sản phẩm hoặc dịch vụ thực sự do chính các em lựa chọn cho khách hàng tiềm năng. Các em có thể dành thời gian trên lớp để chia sẻ những khó khăn hoặc các mẹo để cải thiện kỹ năng của mình. Nhà trường có thể là nơi để các em đánh giá lại những gì đã làm để sau đó áp dụng vào dự án thực.

    Theo bài viết của Tiến sĩ Brian Williams về Brevet, một công ty tư vấn bán hàng, gần 13% công việc ở Mỹ là các vị trí bán hàng toàn thời gian (Williams). Nghĩa là cứ 8 sinh viên thì có một bạn sẽ có nhiều khả năng kiếm tiền bằng công việc bán hàng trong tương lai. Kỹ năng bán hàng hoặc thuyết phục người khác cũng có ích cho số còn lại vì các em có thể áp dụng chúng vào đời sống.

    Cả ở trường lẫn ở nhà, dường như trẻ chưa thực hành nhiều kỹ năng thuyết phục. Mỗi khi con định lên tiếng phản đối, chúng ta lại không cho con nói lý lẽ để thảo luận. Thay vào đó, người lớn chúng ta ngay lập tức nói rằng các con thật hư đốn và con nên im lặng nghe theo bố mẹ. Chúng ta hiếm khi hỏi “Sao con lại nghĩ như vậy” để con có cơ hội trao đổi với bố mẹ. Làm thế là đi ngược lại với việc giúp con thành công trong cuộc sống sau này, do đó cả ở trường lẫn ở nhà chúng ta cũng cần thay đổi hẳn cách đối xử với con.

     

    TÍCH HỢP KỸ NĂNG BÁN HÀNG VÀ TÀI CHÍNH VÀO CHƯƠNG TRÌNH HỌC

    Khả năng đàm phán và chốt đơn dựa trên kiến thức tài chính là vô cùng cần thiết, nhưng chương trình học phổ thông ở nhiều quốc gia lại chưa có những môn học này. Sau 12 năm học phổ thông, nếu học sinh không vào trường kinh doanh thì các em hiếm khi nào có cơ hội học những kỹ năng quan trọng này. Bước vào những lĩnh vực chuyên môn mà không có khả năng bán hàng (thậm chí “bán” sức lao động của mình cho một nhà tuyển dụng tiềm năng) và thiếu hiểu biết về tài chính cá nhân, tài chính doanh nghiệp cơ bản chính là thiếu sót lớn trên con đường thành công của các em. Học sinh phổ thông có thể hứng thú với việc học bán hàng và tài chính, bởi thế chúng ta cần biến nó trở nên dễ dàng hơn hoặc tích hợp vào hệ thống giáo dục phổ thông.

    Trong cuộc trò chuyện gần đây với Martin Mikes, quản lý tài sản tại một ngân hàng, tôi được biết là để được làm khách hàng của anh ấy, tôi cần phải có ít nhất 500.000 đô la trong tài khoản. Khi tôi hỏi những ai có thể có ngần ấy tiền nhàn rỗi thì câu trả lời là: chủ doanh nghiệp, quản lý cấp cao và người nổi tiếng.

    Tôi hỏi Martin thông qua trao đổi thường xuyên với những nhóm người trên thì anh thấy họ có chung những kỹ năng nào. Martin nói: “Tất cả đều giỏi bán hàng, thuyết phục và đưa ra lý lẽ khiến người khác đồng ý với họ. Họ cũng rất giỏi tính toán. Họ biết cách kiếm tiền, tiêu tiền và đầu tư. Họ có thể đạt được những thỏa thuận có lợi cho họ và công ty về mặt tài chính nhờ vào khả năng thuyết phục người khác của mình.”

    Sau cuộc phỏng vấn đó, tôi nhận ra rằng dù học sinh và con cái chúng ta sau khi ra trường có làm gì đi chăng nữa thì chúng ta cũng nên cho các con học về tài chính và bán hàng nhiều nhất có thể. Người ta có bao nhiêu tiền ban đầu không quan trọng, miễn là họ có đủ thông tin để đưa ra các lựa chọn sáng suốt.

     

    BÀN VỀ KIẾN THỨC TÀI CHÍNH CĂN BẢN

    Tài chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến sinh viên trở nên căng thẳng khi bước chân vào đời sống trưởng thành. Chúng ta có thể tránh được những căng thẳng đó bằng một số kiến thức tài chính căn bản. Do đó, tôi đưa ra một cuộc thảo luận ngắn dưới đây. Bạn hãy thử tự mình tìm hiểu trước khi chia sẻ với con cái hoặc học sinh của mình.

    Chúng ta nên làm gì khi nhận được tiền lương hàng tháng, và nên phân bổ ngân sách như thế nào cho các khoản chi tiêu dùng?

    Nói về phân bổ thu nhập, một ngân hàng mà tôi có thời gian làm việc tại đây gợi ý như sau:

              • 50% chi tiêu bắt buộc (những khoản phải trả hàng tháng như tiền thuê nhà, mua đồ dùng, nhu yếu phẩm, chi phí đi lại hoặc phí ngân hàng).

              • 15% giải trí (như thể thao, văn hóa, quà tặng, quần áo hoặc đi ăn hàng).

              • 10% tiết kiệm cho những khoản chi tiêu lớn hơn (như đồ điện tử hoặc đi du lịch).

              • 15% để tiết kiệm hoặc đầu tư cho quỹ hưu trí.

              • 10% cho quỹ dự phòng, để tiêu dùng khi đột nhiên thiếu hụt nguồn thu nhập. Lý tưởng ra là quỹ này phải trang trải được chi phí sinh hoạt cho ba đến sáu tháng phòng khi mất việc hoặc có một cuộc khủng hoảng toàn cầu nào đó có thể xảy ra.

    Rèn thói quen tiết kiệm từ mọi khoản thu và xây dựng quỹ khẩn cấp là quan trọng để chuẩn bị ứng phó cho những giai đoạn khó khăn cũng như giúp chúng ta tránh phải vay mượn hoặc nợ nần. Khi quỹ khẩn cấp của chúng ta có thể trang trải cho chi phí sinh hoạt được ba đến sáu tháng, chúng ta hãy tính đến những cơ hội đầu tư với những khoản tiết kiệm mới.

    Khi chúng ta tìm kiếm nơi để đầu tư, tài sản để mua, chúng ta cần phân biệt hai loại: tài sản sinh ra dòng tiền và không sinh ra dòng tiền. Tài sản sinh ra dòng tiền là tài sản sinh ra thu nhập bổ sung cho chúng ta, trong khi tài sản không sinh ra tiền sẽ không phát sinh thu thập bổ sung thường xuyên. Những ví dụ về tài sản sinh ra dòng tiền có thể là một bất động sản hoặc chiếc xe hơi ta cho thuê lấy tiền hàng tháng. Trong khi đó, ví dụ về tài sản không sinh ra dòng tiền có thể là vàng, đất để đấy hoặc những món đồ sưu tập như tác phẩm hội hoạ. Chúng ta nắm giữ những tài sản không sinh ra dòng tiền và chờ cho chúng tăng giá trị, sau đó bán chúng đi, nhưng chúng không tạo ra thu nhập hàng tháng nào chúng ta.

    Người giàu có tập trung vào mua tài sản, những thứ họ sở hữu hoặc là sinh ra tiền hoặc là tăng giá trị. Trong khi theo Robert Kiyosaki, tầng lớp trung lưu thì mua tiêu sản, những thứ họ sở hữu hoặc là giảm giá trị hoặc là cần phải bỏ tiền ra để bảo dưỡng, duy trì (Kiyosaki, 2000).

    Sự khác biệt giữa tài sản và tiêu sản là một chủ đề khác chưa được giảng dạy một cách thấu đáo, dẫn đến nhiều hiểu lầm, ngộ nhận. Thậm chí trong các trường kinh doanh, sinh viên chỉ thảo luận về ý nghĩa của tài sản và tiêu sản từ quan điểm của doanh nghiệp Nhưng, trong tài chính cá nhân, chúng có ý nghĩa khác. Trong công ty, tài sản là mọi thứ công ty sở hữu và tiêu sản là mọi thứ công ty mắc nợ. Trong tài chính cá nhân, tài sản chỉ đơn giản là mọi thứ bạn sở hữu khiến bạn giàu có hơn, trong khi tiêu sản là mọi thứ bạn sở hữu không trực tiếp khiến bạn giàu có hơn.

    Như tôi đã thảo luận ở trên, tài sản có thể là bất động sản bạn hoặc chiếc xe hơi bạn cho thuê, là vàng, là đất hoặc tác phẩm sưu tầm. Tiêu sản có thể là đồ đạc bạn có trong nhà hoặc điện thoại bạn đang sử dụng, vì những thứ này hầu hết đều giảm giá trị theo thời gian. Một ngôi nhà hoặc chiếc xe hơi mà bạn đang sử dụng chứ không cho thuê cũng là một tiêu sản vì nó không trực tiếp kiếm tiền cho bạn. Thêm nữa, nó cần chi phí bảo trì hàng tháng, bởi thế sống trong một ngôi nhà đẹp đẽ hoặc lái một chiếc xe hơi đắt tiền sẽ đòi hỏi bạn phải lấy tiền từ nguồn thu khác để trang trải những chi phí hàng tháng đó.

    Tới đây tôi đã nói về cách tiêu tiền. Về việc chúng ta nên làm gì khi nhận tiền lương và nên mua gì. Tuy nhiên, kiếm tiền cũng quan trọng chẳng kém. Có rất nhiều cách kiếm tiền, có rất nhiều kiểu thu nhập ta có thể tìm hiểu.

    Thu nhập chủ động và thu nhập thụ động là một ý quan trọng khác nữa cần phải hiểu cặn kẽ. Thu nhập chủ động là thu nhập đòi hỏi bạn phải đổi thời gian để lấy tiền. Bạn được trả tiền sau khi làm một việc nào đó. Ví dụ như là những công việc toàn thời gian, bạn nhận lương hàng tháng, công việc bán hàng thì bạn được hưởng hoa hồng sau khi bán được một sản phẩm hay một dịch vụ, hoặc bạn làm thiết kế đồ họa tự do, bạn được trả tiền sau khi thiết kế được một logo. Hoặc bạn dạy học trực tuyến. Thường thì, nếu bạn ngừng làm việc, bạn sẽ không có thu nhập.

    Còn với thu nhập thụ động, bạn kiếm tiền từ những nỗ lực trong quá khứ và bạn thường được trả tiền không chỉ một lần cho nỗ lực đó. Thậm chí nếu bạn dừng làm việc vài tuần hoặc vài tháng thì bạn vẫn được trả tiền. Tôi đã xác định được sáu ví dụ về thu nhập thụ động:

    1. Thu nhập từ cho thuê - ví dụ bạn cho thuê một căn nhà, một căn phòng, một chiếc xe hơi, một mảnh đất để làm nơi đỗ xe...

    2. Tiền bản quyền - từ việc viết sách, thiết kế trò chơi board game, chụp ảnh... Ở đây, bạn làm ra sản phẩm một lần và bất cứ khi nào có người mua là bạn lại được trả tiền.

    3. Tiền từ lợi nhuận - từ việc mở công ty và tự động hóa nó rồi thu tiền từ lợi nhuận công ty.

    4. Thu nhập theo lãi suất - đơn giản là tiết kiệm lấy lãi.

    5. Thu nhập từ cổ tức - bằng việc sở hữu cổ phiếu trả cổ tức.

    6. Thu nhập từ quảng cáo - như một kênh Youtube cho chạy quảng cáo và tiếp cận những người đăng ký kênh.

    Tất cả chúng ta đều bắt đầu với thu nhập chủ động, nhưng những người giàu luôn cố gắng tập trung vào việc xây dựng dòng tiền thu nhập thụ động bằng cách mua những thứ sinh ra thu nhập bổ sung. Nói cách khác, họ tiêu tiền vào tài sản.

    Để bắt đầu có được thu nhập thụ động ngay lúc này, tôi gợi ý bạn mở một tài khoản đầu tư và mua cổ phiếu trả cổ tức. Bên cạnh cổ phiếu, hãy thử tìm hiểu tất cả năm kênh mà tôi đã xác định bên trên để tìm hiểu kênh nào phù hợp với bạn nhất. Hãy nhớ rằng thu nhập thụ động không phải đến với bạn một sớm một chiều. Hãy bắt đầu từ hôm nay và hãy kiên nhẫn!

    Hiểu biết cơ bản về các dịch vụ ngân hàng cũng là điều hữu ích. Ví dụ như cần biết sự khác nhau giữa tài khoản tiền gửi và tài khoản tiết kiệm, sự khác nhau giữa thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng. Thử mở một tài khoản đầu tư thông qua ngân hàng, mua chứng khoán, trái phiếu hoặc quỹ tương hỗ. Tìm hiểu khoản vay thế chấp và những khoản vay khác. Nhân viên ngân hàng thường tư vấn miễn phí về tất cả các dịch vụ này, bởi thế tôi khuyên bạn dành một chút thời gian để đọc và hỏi họ về một số sản phẩm dịch vụ đã nêu trên.

    Để bổ sung thêm kiến thức tài chính, tôi gợi ý bạn nên đọc những cuốn sách sau:

              • Rich Dad Poor Dad (Cha giàu cha nghèo), Cashflow Quadrant (Dạy con làm giàu: Sử dụng đồng vốn để được thoải mái về tiền bạc), và Rich Dad’s Guide to Investing (Dạy con làm giàu: Hướng dẫn đầu tư). Tất cả đều là của Robert Kiyosaki. Ông cũng tạo ra một trò chơi board game, gọi là Cashflow (Dòng tiền). Bạn có thể chơi trò này với gia đình và con cái để dạy về quản lý tài chính cá nhân theo kiểu vừa chơi vừa học.

              • Think and Grow Rich (Nghĩ giàu làm giàu) của Napoleon Hill viết từ năm 1937 là một trong những cuốn sách kinh điển về tài chính cá nhân.

              • Cuối cùng là một cuốn sách xưa cũ hơn tên là The Richest Man in Babylon (Người giàu có nhất thành Babylon) của G.S. Clason xuất bản năm 1926.


    TỔNG KẾT CHƯƠNG

    Nếu chúng ta có thể dạy cả kỹ năng bán hàng và kiến thức tài chính cơ bản ở trường phổ thông và ở nhà cho tất cả trẻ em thì chúng ta đã chuẩn bị cho các con một nền tảng vững chắc để thành công khi các con bước vào đời và sống tự lập. Hai kỹ năng cụ thể này sẽ đồng hành với mọi người trong suốt phần đời còn lại.

    Trước khi chúng ta giúp mọi trẻ mở khóa tiềm năng của bản thân, việc chuẩn bị kiến thức tài chính cơ bản và kỹ năng bán hàng đều sẽ tạo nền tảng vững chắc để từ đó con có thể tập trung vào sở thích và sở trường của mình.

    DAVID PHAM

     

    CÁC CHƯƠNG ĐÃ CHIA SẺ

    Chương 1: Hãy Để Con Làm xem tại đây

    Chương 2: Cùng Nhau Tiến Bộ xem tại đây 

    Chương 3: Giảng Dạy Những Kỹ Năng Thiết Yếu xem tại đây 

    Chương 4: Đánh Thức Sự Hiếu Kỳ Và Lòng Khát Khao xem tại đây


    *Thông tin được đồng ý tuân theo chính sách bảo mật và bảo vệ thông tin cá nhân.

    Tin mới nhất

    Feb 23,2025
    Luôn đặt chất lượng học tập lên hàng đầu, Apollo English tự hào là tổ chức duy nhất tại Việt Nam cung cấp chương trình học đảm bảo được kết quả đầu ra theo chuẩn quốc tế.
    Nov 08,2024
    Chứng chỉ Cambridge mang lại lợi ích gì? Các loại chứng chỉ, độ tuổi khuyến nghị và yêu cầu trình độ cho từng cấp độ như thế nào?
    Nov 01,2024
    Trung tâm tiếng anh Apollo English quận 5 nằm ở số 204 Trần Bình Trọng, Phường 4, có nhiều lớp học phù hợp với độ tuổi của từng bé.
    Nov 01,2024
    Trung tâm tiếng Anh Apollo English Thủ Đức nằm trên đường Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, tầng 2 chung cư Moonlight.
    Nov 01,2024
    Trung tâm tiếng Anh Apollo English Thủ Dầu Một nằm trên Đại lộ Bình Dương, có tổng cộng 7 phòng học với 2 tầng lầu.

    Quan Tâm Nhất

    Jul 28,2024
    Có những người hay có câu cửa miệng rằng: “Tiếng Việt nói còn chưa sõi thì học gì tiếng Anh”. Vốn là bởi họ cũng… sợ tiếng Anh. Chứ với những người thành thạo tiếng Anh thì họ còn tiếc là học tiếng Anh hơi muộn…
    Aug 03,2023
    Học tiếng Anh cho bé 5 tuổi với 5 cách phù hợp tâm lý, sở thích và tiềm năng sẽ giúp bé phát triển các kỹ năng tiếng Anh nghe, nói, phát âm hiệu quả
    May 25,2023
    Bài viết tổng hợp các từ vựng tiếng Anh dành cho bé theo chủ đề thông dụng, giúp bé liên kết mối quan hệ giữa các từ vựng để học hiệu quả hơn.
    Mar 15,2023
    Lựa chọn khóa học tiếng Anh trực tuyến cho bé theo 3 bí quyết sau sẽ giúp con tiếp thu tốt, duy trì hứng thú học tập và trở nên tự tin, lưu loát khi sử dụng tiếng Anh
    Mar 14,2023
    Có nên cho trẻ học tiếng Anh sớm? NÊN! Vì con có nhiều thời gian để học, phát âm chuẩn xác như người bản xứ, tự tin giao tiếp, cơ hội nghề nghiệp
    Mar 08,2023
    Bài viết giới thiệu 100 mẫu câu học tiếng Anh giao tiếp cho bé cơ bản, giúp bé đầu đời có thể nghe, nói, phát âm tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày.

    Tin liên quan

    Bài tập từ vựng tiếng Anh lớp 1 với những hình ảnh sinh động sẽ giúp bé dễ dàng ôn tập và ghi nhớ từ mới một cách hiệu quả
    Tại Apollo English, chúng tôi luôn tin rằng mỗi học viên xứng đáng được trang bị những hành trang tốt nhất để trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai
    “Kỳ lạ thật, con mình mới hôm kia thôi còn đòi mua cuốn sách này bằng được, nói là con thích lắm, mẹ mua cho con đi