CHƯƠNG 8: CHUYỂN SANG PHƯƠNG PHÁP THỰC HỌC
Trước khi đọc chương này, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ và trả lời những câu hỏi dưới đây:
1. Thế nào là thực học?
2. Giáo dục sẽ như thế nào nếu không có những bài kiểm tra và điểm số (theo kiểu truyền thống)?
Câu trả lời của bạn:
.............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…
.............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…
.............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…
.............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................…
Mỗi người tiếp thu nhanh chậm mỗi khác. Bạn có khi chỉ cần nghe giảng 30 phút là đã hiểu được toàn bộ các kiểu câu điều kiện trong ngữ pháp tiếng Anh. Cũng bài giảng ấy, có người phải nghe hai hoặc thậm chí nhiều lần mới hiểu được như bạn. Để giúp mọi người “làm chủ” được khái niệm câu điều kiện, thời gian bỏ ra là tương đối linh hoạt.
Sal Khan là một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất lĩnh vực giáo dục, và anh rất ủng hộ việc học làm chủ kiến thức. Hiện nay, hầu hết các trường trên thế giới đều phân thời gian học theo tiết học cố định. Tức là, mỗi học sinh phải học một bài cụ thể trong một khoảng thời gian cụ thể, dẫn đến kết quả học tập của các em rất khác nhau. Ví dụ, sau ba tháng, cả lớp phải làm một bài kiểm tra, có em được 7 điểm, có em được 8 điểm và có em được 9 điểm. Thế nên, thời gian học đã được cố định còn kết quả mỗi em mỗi khác. Sau bài kiểm tra, mọi người đều chuyển qua bài khác thường là khó hơn, dựa trên nền tảng kiến thức đã học trước đó (Khan, 2015).
Khan chia sẻ một câu chuyện về các học sinh:
“Mấy ngày đầu giúp em họ tôi học, tôi đã nhận ra điều này. Nhiều học sinh gặp khó khăn với môn toán ngay từ đầu vì các em đã bị hổng kiến thức quá nhiều. Do đó, tới khi học môn đại số, em có chút lúng túng với vài -công thức đại số căn bản, và vì thế, các em nghĩ mình không có khiếu toán học” .
(Khan, 2015)
Do đó, chúng ta phải làm ngược lại, để làm sao kết quả thì cố định còn thời gian thì linh hoạt, vì mỗi học sinh học tập ở một tốc độ khác nhau. Thực ra, chúng ta đã áp dụng phương pháp này trên mọi phương diện của cuộc sống, như Khan trình bày dưới đây:
“Yếu tố cần phải linh hoạt là thời gian và thời điểm học, còn yếu tố không thể thay đổi là mục tiêu học sinh phải làm chủ được kiến thức đó. Trong cuộc sống, bạn đã làm chủ nhiều phương diện bằng cách ấy. Trong võ thuật, bạn tập những động tác, kỹ năng của đai trắng chừng nào thuần thục thì mới có thể chuyển lên đai vàng. Tập nhạc cụ cũng vậy: bạn tập đi tập lại một bài sơ đẳng đến chừng nào thuần thục thì mới tiếp tục chuyển sang bài khó hơn” .
(Khan, 2015)
Thời gian cố định, kết quả khác nhau có khả năng là mô hình hiệu quả. Trước thời đại công nghệ, giáo viên là nguồn thông tin duy nhất và giáo viên cũng là con người, cũng chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi dành cho mỗi em.
Còn bây giờ, ví dụ, học sinh đã có thể xem đi xem lại bài giảng bao nhiêu lần cũng được, ở tốc độ nào cũng được và muốn dừng bài giảng lại ở đoạn nào, bao lâu cũng được. Trước đây, khi chưa có công nghệ, học sinh chỉ được nghe giáo viên giảng một lần. Vì đại dịch Covid-19 toàn cầu, nhiều lớp học đã phải chuyển sang trực tuyến. Kết quả là, giáo viên khắp nơi trên thế giới đều phải nhanh chóng làm quen với việc dạy qua lớp học ảo. Và rồi, họ có thể ghi hình lại bài giảng chỉ bằng một cú nhấp chuột.
NHỮNG THAY ĐỔI TRONG XÃ HỘI
Ngoài việc chuyển cách dạy sang thời gian linh hoạt, kết quả cố định, Khan cũng chia sẻ quan điểm của mình về những thay đổi hiện nay của thế giới.
Anh so sánh xã hội trong thời đại công nghiệp:
Trong thời đại công nghiệp, xã hội là một kim tự tháp. Ở chân kim tự tháp, bạn cần sức lao động của con người. Ở lưng chừng, bạn có các bộ phận xử lý thông tin, có một bộ máy hành chính và ở trên cùng bạn có những người chủ tư bản, những doanh nhân khởi nghiệp và tầng lớp sáng tạo.
(Khan, 2015)
Với xã hội thời đại công nghệ thông tin:
...Chúng ta đã biết rõ chuyện gì đang diễn ra vì chúng ta đang tiến vào cuộc cách mạng thông tin. Ở chân kim tự tháp, tự động hóa đang chiếm ưu thế. Thậm chí ở tầng giữa, việc xử lý thông tin, máy tính cũng đã làm rất giỏi. Bởi vậy, xã hội chúng ta đang đứng trước một câu hỏi là: toàn bộ việc sản xuất hiện đại này đang diễn ra nhờ có công nghệ, vậy thì ai tham gia vào việc đó? Có phải công nghệ sẽ leo lên tới tầng trên cùng của kim tự tháp, trong trường hợp đó thì chúng ta sẽ làm gì?
(Khan, 2015)
Tôi cũng cho rằng tự động hóa đang lấy đi các công việc mà máy móc làm việc năng suất hơn, chính xác hơn con người và giá cả mua máy cũng hợp lý hơn. Nếu chúng ta cứ đào tạo con cái, học sinh chúng ta làm những việc mà máy móc đã giỏi sẵn rồi thì các em sẽ phải đối mặt với một tương lai vô cùng khó khăn.
Do đó, Khan đề xuất việc đảo ngược kim tự tháp này:
Hoặc chúng ta có thể làm điều gì đó tham vọng hơn? Hãy thử đảo ngược kim tự tháp này để hầu hết mọi người đứng trong tầng lớp sáng tạo, với tư cách là một doanh nhân khởi nghiệp, một nghệ sĩ, hoặc một nhà nghiên cứu?
(Khan, 2015)
Việc chúng ta cần làm chính xác là đảo ngược kim tự tháp này. Thay vì để nguồn lực con người cạnh tranh với máy móc, chúng ta nên chuyển càng nhiều người lên đỉnh kim tự tháp càng tốt. Việc này sẽ khả thi nếu ai cũng có cơ hội mở khóa toàn bộ tài năng của mình. Thử tưởng tượng phần lớn mọi người đều tận dụng được thế mạnh, sự sáng tạo và sở thích, đam mê của mình. Tất cả những điều này đều sẽ khả thi nếu chúng ta bắt đầu từ giáo dục, nơi mà mọi học sinh đều làm chủ những gì mình đang học, nơi các em không bị hổng kiến thức.
Làm thế nào để đảm bảo học sinh không bị hổng kiến thức? Chúng ta nên làm gì để áp dụng việc thực học mỗi ngày?
Trường học nên làm gì? Thực học có thể áp dụng được trong các trường lớp hay không?
THỰC HỌC TRONG THỰC TẾ
Thực học không phải lúc nào cũng khó. Dưới đây là một số gợi ý của tôi:
1. Học sinh – Nếu học sinh đạt điểm 9 trong một bài kiểm tra, các em có thể lên mạng tìm tài liệu, như những đoạn video hướng dẫn học, để biết thêm về 10% kiến thức mình chưa hiểu.
2. Phụ huynh – học sinh không phải lúc nào cũng tự giác và chủ động học thêm sau khi đã đạt 9 điểm kiểm tra. Do đó, các con cần có sự hỗ trợ của cha mẹ. Cha mẹ có thể cùng con dành chút thời gian tìm kiếm tư liệu và tìm hiểu để nắm chắc lượng kiến thức đó.
3. Giáo viên – Phụ huynh không phải lúc nào cũng có thời gian để tìm kiếm tài liệu cho nhiều môn khác nhau của con cái. Với phần lớn cha mẹ, 9 điểm đã là tốt lắm rồi. Trong trường hợp đó, giáo viên cần hỗ trợ và cố gắng tìm kiếm bài tập hoặc tư liệu dạy trực tuyến để các em tham khảo.
4. Chính phủ – từ kinh nghiệm của riêng tôi, tôi biết giáo viên thường xuyên không có thời gian để tìm kiếm tài liệu hướng dẫn trực tuyến cho mỗi học sinh trong lớp có sĩ số từ 10 đến 15 em (trong hầu hết các trường học ở những nước phát triển, một lớp bình thường có 25 đến 30 em, còn trong những quốc gia đang phát triển, sĩ số một lớp bình thường có thể lên tới 50 em). Do đó, các cấp quản lý giáo dục của chính phủ cần hỗ trợ đưa ra bài tập về nhà và các video hướng dẫn và cung cấp cả đường link để giáo viên làm tài liệu tham khảo trong chương trình học.
5. Các công ty công nghệ giáo dục (EdTech) – kể cả khi cơ quan phụ trách nội dung giảng dạy đã cung cấp bài tập và tài liệu hướng dẫn cho giáo viên đi chăng nữa thì giáo viên vẫn cần phải dành nhiều thời gian để chữa bài, giải thích lỗi cho các em trong các bài tập và chú ý chỉ bảo kỹ càng cho riêng từng em một. Nếu có trợ giảng (teaching assistant - TA) trong lớp thì sẽ hữu ích cho giáo viên rất nhiều. Tuy nhiên, như thế thì cơ sở giáo dục đó sẽ phải tốn thêm chi phí và các trợ giảng thì không phải lúc nào cũng biết lựa chọn đúng tài liệu cho mỗi học sinh. Đây chính là lúc cần đến các công ty công nghệ giáo dục. Trước hết, công nghệ có thể tự động kết hợp các bài tập, video hướng dẫn và những tài liệu khác một cách phù hợp cho riêng từng học sinh dựa trên những điểm kiến thức các em chưa nắm vững. Công nghệ còn có thể tự động chữa bài tập về nhà và bộ câu hỏi, tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho giáo viên. Các em có thể làm đi làm lại bài tập và được sửa lỗi cho đến khi nào làm chủ được kiến thực hoặc kỹ năng mong muốn.
Đừng quên rằng bất cứ ai không đạt 10 điểm cũng cần hỗ trợ thêm để làm chủ khái niệm hoặc kiến thức mục tiêu, chứ không chỉ những người đạt dưới 7 điểm. Hiện nay, chúng ta đã có công nghệ cho phép 100% học sinh nắm vững được 100% kiến thức trên một quy mô lớn. Chúng ta chỉ cần tập trung ưu tiên thêm chút nữa cho việc này là được.
BẢNG ĐIỂM HỌC TẬP VÀ BẢNG ĐIỂM THỰC HỌC
Nếu chúng ta áp dụng phương pháp thực học, cho phép học sinh học đến khi hoàn toàn hiểu nội dung mục tiêu, thì chúng ta cũng cần thay đổi cách kiểm tra kiến thức của học sinh.
Hiện nay, với kiểu đánh giá hiện tại ở các trường học, cuối mỗi kỳ, học sinh nhận được một bảng danh sách các môn được cho điểm từ A đến F, gọi là một bảng điểm học tập. Bảng điểm này thể hiện mức độ nắm kiến thức của em ở các môn học khác nhau. Trong môi trường thực học, bảng điểm này là thừa vì học sinh đều đạt điểm A ở tất cả các môn.
Giả sử có một học sinh tên là Kate đang học lớp 7, và cuối năm học, Kate được điểm A môn văn học, điểm B môn toán, điểm C môn sinh. Điểm C không có nghĩa là điểm trượt môn, bởi thế dù Kate chỉ hiểu khoảng 60% kiến thức, nhưng em vẫn được lên lớp 8. Cuối năm lớp 8, Kate nhận được điểm B môn văn, điểm C môn toán và điểm A môn sinh vì các chủ đề trong môn sinh năm lớp 8 có vẻ thú vị với em hơn nhiều trong khi môn văn và môn toán lại không khiến em hứng thú mấy. Như chúng ta có thể thấy, bảng điểm chỉ là một sự ghi nhận, không thúc đẩy hay khuyến khích học sinh học tốt hơn một môn nào đó, và cũng không nói cho chúng ta biết chính xác học sinh đó biết gì hay có thể làm gì.
Thay vì thế, có một cách tốt hơn nhiều đó là Bảng điểm thực học. Bảng này sẽ cho thấy Kate đã làm chủ kiến thức và kỹ năng nào (Sturgis, 2020).
Cuối năm, thay vì có điểm A môn văn như trong bảng điểm truyền thống, Bảng điểm thực học sẽ thể hiện rằng Kate đã hiểu rõ văn học châu Âu thế kỷ 20. Trong môn sinh học, Kate biết sử dụng kính hiển vi để phân tích các vi sinh vật, và trong môn toán, Kate đã có thể giải được phương trình nhiều biến số ở cả hai vế. Thay vì có điểm số cho các môn, Kate sẽ nhận được một danh sách những khả năng đã thành thục.
Bảng điểm thực học có thể trình bày dưới dạng kỹ thuật số, vạch ra quá trình tiến bộ của học sinh theo các năm, để thể hiện thế mạnh và những lĩnh vực xuất sắc của học sinh.
Tôi xin trình bày hình dung của mình về Bảng điểm thực học này trong bối cảnh hiện nay, khi mà chính phủ xác định trước kiến thức cần làm chủ sau các năm học:
• Ví dụ đầu năm lớp bảy, Kate nhận được một danh sách những kiến thức và kỹ năng cần nắm vững cùng và toán học. Sau đó, Kate có cả một năm học, khoảng 10 tháng, để nắm vững những nội dung đó.
• Em có thể tham gia các lớp học. Em có thể học trực tuyến thông qua phần mềm hoặc trên Google. Em có thể nói chuyện với các bạn, đọc sách hoặc bất cứ cách nào để hiểu kiến thức tốt nhất.
• Rồi em có thể thường xuyên làm các bài trắc nghiệm hoặc các bài kiểm tra trên mạng, bao nhiêu lần cũng được cho đến khi nào em nắm vững được toàn bộ kiến thức thì thôi. Kết quả từ những bài trắc nghiệm đó sẽ được tự động gửi đến giáo viên để họ biết Kate liên tục gặp khó khăn với điểm kiến thức nào.
• Mỗi tuần hoặc mỗi tháng, em có thể gặp giáo viên một lần để đảm bảo đang đi đúng hướng, để đến cuối năm em thể hiện mình hiểu toàn bộ kiến thức trong tất cả các môn.
Với lối tiếp cận này, Kate sẽ tự học được, nhờ sử dụng mọi nguồn tài nguyên sẵn có, và những bài kiểm tra sẽ phản ánh rõ môn nào em cần đào sâu thêm nữa. Giáo viên của em sẽ có nhiệm vụ giống như cố vấn và người hướng dẫn, đưa ra những lời khuyên và gợi ý về các tài liệu tham khảo bổ sung để giúp Kate đi đúng hướng. Kate có thể tự lập thời khóa biểu cho mình và quyết định học cái gì, học khi nào và học như thế nào là tốt nhất. Có thể em ấy sẽ học văn bằng cách nói chuyện với các bạn vào buổi sáng, học toán bằng cách học trực tuyến vào buổi chiều và học môn sinh bằng cách đọc sách vào buổi tối. Sẽ không cần đến bài tập về nhà vì Kate sẽ tìm ra cách tự mình nắm vững nội dung kiến thức. Các bài giảng của giáo viên sẽ được ghi hình lại trước và đăng tải trên mạng (giúp giáo viên tiết kiệm rất nhiều thời gian vì họ không cần phải giảng đi giảng lại một điều nữa). Thay vào đó, giáo viên sẽ dành nhiều thời gian hơn cho riêng mỗi học sinh như Kate, để thực sự giúp đỡ em khi em gặp khó khăn.
Nếu chúng ta chuyển sang phương pháp thực học này thì học sinh sẽ được trang bị sẵn sàng hơn cho cuộc sống thực vì các em đã tự học. Chúng ta sẽ tận dụng được những nguồn tài nguyên tuyệt vời có sẵn trong thời đại thông tin này. Chúng ta sẽ để giáo viên làm đúng nhiệm vụ của họ, tức là dành nhiều thời gian hơn cho mỗi cá nhân học sinh và giúp các em khi các em cần. Và quan trọng nhất là, mọi học sinh đều nắm vững kiến thức khi kết thúc năm học.
Trong thời đại thông tin này, việc giáo viên đứng trước bục giảng thật là vô ích vì giáo viên không còn là nguồn thông tin duy nhất nữa. Việc coi bài kiểm tra là đích đến cuối cùng cũng thật là vô ích khi mà chúng đáng ra chỉ nên là những trạm kiểm soát để học sinh hướng tới việc làm chủ kiến thức.
Như nhà nghiên cứu giáo dục Thomas Guskey từng nói: “Trong phương pháp thực học, những bài kiểm tra, bài thi không phải kiểu như ‘làm một lần rồi thôi’ hoặc ‘không qua thì chịu chết’; thay vào đó, chúng chỉ là phương tiện để giúp học sinh liên tục nỗ lực học tập” (Kampen, 2019).
TỔNG KẾT CHƯƠNG
Ngược lại với những gì chúng ta đang áp dụng trong hệ thống giáo dục, phương pháp thực học là phương pháp rất nên cân nhắc để áp dụng.
Thực học có thể giúp chúng ta lật ngược kim tự tháp, tạo ra một xã hội mà phần lớn mọi người có thể làm những công việc đòi hỏi kỹ năng cao, như bác sĩ, nhà nghiên cứu hoặc doanh nhân khởi nghiệp. Để tất cả mọi người có thể làm việc với 100% tiềm năng của mình, họ cần làm chủ mọi kiến thức mục tiêu và những kỹ năng liên quan đến nghề nghiệp mong muốn. Mà điều này thì xuất phát từ lòng hiếu kỳ và một nền tảng giáo dục vững vàng được hình thành từ hệ thống trường học của chúng ta.
DAVID PHAM