Có những người hay có câu cửa miệng rằng: “Tiếng Việt nói còn chưa sõi thì học gì tiếng Anh”. Vốn là bởi họ cũng… sợ tiếng Anh. Chứ với những người thành thạo tiếng Anh thì họ còn tiếc là học tiếng Anh hơi muộn…
Ở thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, khả năng sử dụng hơn một ngôn ngữ luôn là một lợi thế cạnh tranh. Việc một đứa trẻ biết thêm một ngôn ngữ nữa sẽ giúp con mở rộng nhận thức, tiếp nhận thêm nhiều nguồn tri thức, văn hoá cũng như tự tin hơn trong giao tiếp rất nhiều.
Các nghiên cứu của Ibuka Masaru, tác giả cuốn "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" đã cho thấy bất kỳ đứa trẻ nào cũng sẽ phát triển tài năng khi được giáo dục từ những năm đầu đời. Bởi vì khả năng tiếp thu của trẻ thơ ở giai đoạn này cao hơn người lớn chúng ta rất nhiều nên những lo lắng như "nhồi nhét quá nhiều" là không cần thiết. Với trẻ sơ sinh cho đến mẫu giáo, con không hề có một ý niệm nào rằng cái đó là dễ hay khó, là yêu hay ghét. Vì đối với trẻ, trong lần đầu tiên tiếp xúc thì tiếng Anh hay tiếng Nhật, nhạc cổ điển hay nhạc dân ca… đều có ý nghĩa như nhau. Và chính vì chưa trưởng thành nên ở những năm đầu đời, trẻ có những khả năng vô hạn. Để tạo ra tính cách tốt và trí tuệ cho trẻ thì cha mẹ phải kích thích thật nhiều cho trẻ ở chính giai đoạn mà não đang có khả năng vô hạn này. Còn nếu cha mẹ để mặc trẻ lớn lên thì khả năng vô hạn của con cũng sẽ mãi không bao giờ được phát triển.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu và giải mật những điều mà các cha mẹ vẫn thường băn khoăn về việc học tiếng Anh giai đoạn con “nói tiếng Việt chưa sõi” nhé!
Tôi lo lắng con tôi sẽ bối rối khi học hai ngôn ngữ cùng một lúc. Tôi nên làm gì?
Thành thật mà nói thì nếu đó là HỌC, việc học cùng lúc cả Toán lẫn Văn còn khó huống chi học cùng lúc tiếng Anh và tiếng Việt. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy việc học hai ngôn ngữ có thể khiến trẻ bối rối. Trên thực tế, biết song ngữ thực sự có thể giúp phát triển các chức năng tuyệt vời khác trong não.
Bố mẹ có thể nhận thấy rằng trẻ em song ngữ thỉnh thoảng kết hợp hai ngôn ngữ với nhau khi con học. Điều này là hoàn toàn bình thường và không có gì phải lo lắng. Trên thực tế, đây thực sự là một điều tốt, có nghĩa là trẻ đang học cách chuyển đổi liền mạch giữa các ngôn ngữ để truyền đạt tốt nhất những gì trẻ đang cố gắng nói.
Và, giống như bất kỳ kỹ năng mới nào, bạn có thể nghỉ ngơi hoặc thử điều gì đó khác nếu bạn nhận thấy mọi thứ không như kỳ vọng. Học một ngôn ngữ mới sẽ rất thú vị, vì vậy nếu điều con cảm thấy là thất vọng hơn là nhiệt tình, có lẽ đã đến lúc thay đổi mọi thứ và khiến việc học ngôn ngữ trở nên thú vị trở lại!
Tôi nghe nói rằng việc học hai ngôn ngữ có thể khiến trẻ chậm nói. Điều đó có đúng không?
Quan điểm này không chính xác. Mặc dù đúng là một số trẻ học hai ngôn ngữ cùng lúc có thể mất nhiều thời gian hơn để bắt đầu nói, nhưng những trẻ này vẫn bắt đầu nói trong phạm vi phát triển lời nói bình thường và thường sẽ trải qua “sự bùng nổ ngôn ngữ” ngay sau đó.
Việc một đứa trẻ chậm nói hay không nhiều khi còn là do những yếu tố khác chứ không phải từ việc trẻ đang nói cùng hai ngôn ngữ. Như ta biết, lũ trẻ hoàn toàn dễ thích ứng hơn người lớn chúng ta rất nhiều. Quan trọng là đừng bắt ép trẻ phải HỌC như một nghĩa vụ 2 ngôn ngữ cùng lúc. Hãy biến việc đó như một trò chơi, niềm vui của khám phá. Một cách lành mạnh và thú vị.
Tôi nên nói chuyện với con bằng tiếng Anh hay tiếng Việt khi con còn nhỏ?
Bất cứ điều gì bạn cảm thấy thoải mái nhất! Giao tiếp luôn là chìa khoá của gắn kết nếu được diễn ra với sự thoải mái. Nhiều gia đình mẹ chỉ nói tiếng Anh, bố chỉ nói tiếng Pháp và con vẫn có thể song song hiểu được tất cả những gì bố mẹ nói. Bởi điều quan trọng nhất đứa trẻ thu nạp được chính là giao tiếp cởi mở.
Hãy thật thoải mái nhất có thể vì điều này mới là yếu tố quan trọng. Con có thể học từ vựng từ những gì bạn nói kể cả tiếng Việt và tiếng Anh. Điều đó tốt cho quá trình học tập và trưởng thành của trẻ. Nhớ là phải thật thoải mái như một niềm vui chứ không phải một thúc ép, dạy dỗ.
Cả nhà tôi không biết tiếng Anh thì làm sao tôi có thể tạo môi trường cho con?
Thực tế là vẫn có rất nhiều những đứa trẻ cha mẹ không biết tiếng Anh nhưng chúng lại sử dụng tiếng Anh như tiếng Việt. Đó là vì đứa trẻ được sống trong môi trường sử dụng tiếng Anh ngay từ tuổi ấu thơ. Ngày càng nhiều những gia đình lựa chọn cho con tham gia các hoạt động tiếng Anh và tiếp xúc với người nước ngoài. Khi trở về nhà, bé vẫn có cơ hội trau dồi tiếng mẹ đẻ và tiếp tục tiếp xúc với các phương tiện sử dụng tiếng Anh như video, sách truyện…
Tuyệt vời nhất đó là những người cha, người mẹ bắt đầu đi học tiếng Anh cùng con. Việc đồng hành cùng con học một ngôn ngữ mới không chỉ cho chúng ta thêm một ngôn ngữ nữa mà còn là khoảng thời gian kết nối tuyệt vời cùng sự trưởng thành của con. Khi cha mẹ cùng con tạo nên một môi trường nói tiếng Anh sẽ giúp con vừa hứng thú với tiếng Anh, vừa có thể ứng dụng tiếng Anh vào cuộc sống hàng ngày.
Làm cách nào tôi có thể hỗ trợ việc học song ngữ của con tôi tốt nhất?
Xin chúc mừng vì bạn đã bắt đầu bằng việc muốn hỗ trợ con. Rất nhiều cha mẹ thậm chí còn chưa dám bắt đầu hoặc đang trông đợi vào nhà trường, các trung tâm tiếng Anh. Vì thế nếu có bố mẹ hỗ trợ cùng thì con sẽ nhanh tiến bộ hơn rất nhiều.
Hỗ trợ bao gồm cả trao quyền cho con. Quyền được vui vẻ khi học và cả quyền được quyết định nếu có lúc nào cảm thấy quá tải nữa. Hãy cho con quyền đó bằng việc sẵn sàng hỗ trợ con từ mình. Cha mẹ có thể giúp con nối dài niềm vui khám phá ngôn ngữ đó bằng cách cùng con mở rộng tài liệu học tập. Khi con cảm thấy quá tải, chúng ta hoàn toàn có thể dừng lại, nghỉ ngơi nhưng chúng ta không bao giờ bỏ cuộc.
Giống như mọi hoạt động học tập khác, con cái chúng ta luôn cần sự hỗ trợ của cha mẹ, ghi nhận khó khăn các con đang gặp phải ở đâu và giúp con tháo gỡ thay vì trách mắng con lười học, điểm kém. Với một đứa trẻ, thay vì BẮT LỖI, hãy đưa ra GIẢI PHÁP. Hãy biến việc học tập trở nên thú vị và không cô đơn với mỗi đứa trẻ!
Tóm lại là
Một đứa trẻ biết nhiều hơn một ngôn ngữ sẽ có nhiều hơn cơ hội cho chúng mai này. Và một trong những điểm mấu chốt là học đúng thời điểm vàng ở giai đoạn mẫu giáo, càng sớm càng tốt. Cha mẹ đừng để nỗi sợ tiếng Anh của mình di truyền cho con. Đừng biến việc học tiếng Anh thành mong muốn của cha mẹ. Hãy trả tiếng Anh về đúng với bản chất sẵn có của nó: Một kênh giao tiếp thú vị để mở toang thế giới của con ra.