Có thể thấy "Trẻ hư" là một khái niệm mang tính đánh giá chủ quan và có thể thay đổi tùy theo quan điểm, văn hóa và hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, nhìn chung, "trẻ hư" thường được dùng để mô tả những đứa trẻ có những hành vi hoặc thái độ được cho là không hợp tác và đi ngược với mong muốn của người lớn. Con hư luôn là nỗi đau đầu của bố mẹ. Nhưng bố mẹ có biết rằng mọi cái hư của con đều có thể sửa chữa khi chúng ta thấu hiểu được cội rễ của cái hư đó đến từ đâu. Hiểu con luôn là điều tiên quyết trong hành trình giúp con tốt lên mỗi ngày.
Cần lưu ý rằng, Việc dán nhãn "trẻ hư" cho một đứa trẻ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của con, khiến con cảm thấy tự ti, mặc cảm và có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực hơn. Thay vì gắn mác "trẻ hư", cha mẹ, thầy cô và những người xung quanh nên tập trung vào việc thấu hiểu, giáo dục và hỗ trợ trẻ phát triển những phẩm chất tốt đẹp.
Tại sao con làm vậy và điều gì khiến con hành động như thế?
Ai cũng có nhu cầu được quan tâm, cảm giác mình có vị trí trong lòng mọi người quanh mình. Với trẻ con thì nhu cầu này là rất lớn vì trẻ vốn phụ thuộc vào sự quan tâm và chăm sóc của những người lớn xung quanh. Với người lớn, chúng ta dễ dàng nhận biết ai quan tâm tới mình và vị trí của mình ở đâu. Nhưng với trẻ, vì chưa có nhiều trải nghiệm nên chúng khó nhận biết hơn chúng ta. Dẫn đến việc trẻ sẽ có những hành động đôi khi là tiêu cực vì muốn giành lấy sự quan tâm của mọi người xung quanh.
Để hiểu những lý do khiến trẻ có hành vi sai quấy, bố mẹ có thể phân loại theo 4 nhóm động cơ này:
- Con muốn thu hút sự chú ý
- Con đang mong muốn kiểm soát
- Con đang trả đũa
- Con tin rằng mình không đủ tốt
Hiểu con chúng ta đang hành động từ động cơ nào sẽ giúp bố mẹ tìm thấy giải pháp hiệu quả hơn.
Nhóm đầu tiên: Con muốn thu hút sự chú ý
Nếu con của bố mẹ có những hành động như:
- Lặp đi lặp lại hành vi tiêu cực để nhận được phản ứng từ bố mẹ.
- Từ chối hoàn thành công việc bố mẹ giao.
- Luôn bắt người lớn phải làm cho mình điều gì đó.
Rất có thể con đang muốn thu hút sự chú ý của bố mẹ. Con cho rằng mình phải là người quan trọng nhất. Con đo lường sự quan trọng của mình bằng việc bố mẹ phản ứng ra sao sau mỗi hành vi của mình.
Bố mẹ nên phản ứng như thế nào?
- Đừng làm thay con những việc con có thể làm.
- Đừng bị cuốn vào cảm xúc mà la rầy con hay bị con thao túng khiến bố mẹ phải mặc cả với con để ngăn chặn hành vi đó.
- Hãy để con tự giải quyết vấn đề bằng những gợi ý của bố mẹ.
Bố mẹ hãy thử đưa ra những lựa chọn và để con tự giải quyết việc con cần thực hiện. Đừng quên đi kèm những câu động viên như: bố mẹ tự hào về con khi con tự giải quyết được việc này. Hãy cho con thấy được bố mẹ tin tưởng con sẽ làm được điều đó!
Bố mẹ lưu ý: Hãy ghi nhận những gì con đã làm để hướng con có những hành động đúng đắn hơn trong các tình huống tương tự lần sau. Được ghi nhận- được khích lệ cũng chính là thỏa mãn mong muốn được chú ý trong suy nghĩ của những đứa trẻ thuộc nhóm này.
Nhóm thứ 2: Con muốn kiểm soát
Nếu con của bố mẹ có những hành động này:
- Làm ngược lại những gì con được giao hay những đề nghị của bố mẹ!
- Ra lệnh cho những đứa trẻ khác xung quanh con.
- Thách thức người lớn
- Tuyên bố rằng “Không ai có thể ép buộc được con”
Những hành động này là vì con muốn mình là người nắm quyền, con cảm thấy mất an toàn khi mất đi quyền lực mà con đã có thể có. Con muốn khẳng định mình thông qua việc kiểm soát mọi thứ theo ý con.
Trong những trường hợp này, việc bố mẹ nên làm đó là:
- Không tham gia vào cuộc tranh giành quyền lực với con nhưng cũng không nhượng bộ.
- Cho con lựa chọn thay vì bắt buộc con làm điều gì đó.
- Dành thời gian để giải thích cho con thấy việc con cần làm sẽ có ích như thế nào với bố mẹ và những người xung quanh, không nhất thiết phải xem việc này là ép buộc, nhưng đó là việc quan trọng mà chỉ con mới có thể làm được.
Hãy trao quyền cho con đi kèm với trách nhiệm. Chỉ khi con hoàn thành trách nhiệm của mình thì con mới bảo toàn được quyền lực con có.
Bố mẹ hãy lưu ý: Một đứa trẻ được trao quyền và học được tính trách nhiệm sẽ phát triển kỹ năng lãnh đạo của mình để có thể trở thành một người có ích mai này.
Nhóm thứ 3: Con đang trả đũa
Nếu con của bố mẹ có những hành động thế này:
- Có những lời nói, hành động hung hăng gây tổn thương người khác.
- Tấn công những kẻ yếu hơn mình.
- Ngược đãi động vật hoặc cây cối, đồ vật xung quanh con.
Những hành động này xảy ra là vì con đang có những tổn thương về mặt tâm lý, cảm xúc. Một trong những nguyên nhân thường gặp là vì con cảm thấy bị đối xử bất công chẳng hạn như: thiên vị em; khen con nhà người ta; áp đặt con; không quan tâm đến cảm xúc của con v..v... Con hành động như một cách để xả ra sự khó chịu trong lòng, muốn người khác cũng phải chịu tổn thương như mình.
Vậy bố mẹ nên làm gì trong trường hợp này?
- Đừng đáp trả lại bằng cách coi thường hành vi này của trẻ.
- Đừng khuyên bảo đạo lý mà không hiểu cảm xúc của con.
- Hãy lắng nghe con và cho con thấy cha mẹ đồng cảm với con.
- Giúp con bình tĩnh lại và cùng con tìm ra giải pháp thay vì đổ hết mọi lỗi lầm lên con.
Ai cũng có những hành xử sai, quan trọng nhất là nhận ra mình sai ở đâu và sửa chữa lại cái sai đó. Hãy cùng con tập thói quen nhận ra cái sai của mình để chúng ta cùng sửa chữa.
Đừng quên: Con trẻ luôn bao dung và dễ tha thứ khi được cha mẹ thấu hiểu, nhìn nhận và chịu sửa chữa. Hành trình lớn lên của con cũng khó khăn như chính hành trình học làm cha mẹ của chúng ta.
Nhóm 4: Con tin rằng mình không đủ tốt
Nếu con của bố mẹ có những hành động thế này:
- Con từ chối cố gắng
- Con từ bỏ động lực của bản thân, cho rằng mình thất bại.
- Con không muốn ai hy vọng vào mình.
- Con làm mọi thứ một cách hời hợt, thậm chí bỏ mặc mọi thứ.
Những hành động này xảy ra là vì con không tin vào bản thân mình, cảm thấy mọi thứ xung quanh con đều không thuộc về con. Do đó con muốn đừng ai đặt kỳ vọng vào mình.
Đây là một trường hợp rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách và sự tự tin của con trong tương lai, và lúc này, con thật sự cần sự giúp đỡ của bố mẹ:
Bố mẹ có thể:
- Phủ nhận việc con là kẻ thất bại.
- Đừng chỉ trích những sai lầm của con hay cả sự không nỗ lực của con.
- Đừng thương hại để rồi làm mọi thứ hộ con.
- Hỗ trợ con hoàn thành từng bước nhỏ và ghi nhận, khích lệ mỗi nỗ lực của con hoặc cho con thấy điểm mạnh của con.
Điều con muốn là lòng tin của cha mẹ ở mình. Không phải chỉ bằng câu bố mẹ tin con mà phải bằng hành động giúp con nhận ra điểm mạnh của con. Hãy khen ngợi quá trình thay vì chỉ khen ngợi kết quả.
Bố mẹ đừng quên: Con có những giá trị riêng mà không anh chị em hay những người ngoài kia có được. Giúp con nhận ra giá trị của mình sẽ khuyến khích con trở nên tốt lên.
Bố mẹ có thể đôi khi phản ứng với hành động của con theo cảm xúc và tâm trạng. Nhưng bố mẹ cũng hãy cho con thấy rằng: không phải chỉ các con đang “sửa đổi” mà cha mẹ chúng ta cũng luôn sẵn sàng thay đổi để đồng hành cùng con bằng sự thấu hiểu.
VÀ HÔM NAY BÀI HỌC CỦA CHÚNG TA LÀ
Mọi hỏng hóc đều có thể sửa chữa bằng sự thấu hiểu. Hãy cho con điểm tựa bằng việc cho con thấy bố mẹ hiểu con đến đâu. Hành trình lớn lên của con cũng chính là hành trình trở thành cha mẹ của chúng ta. Đừng sốt ruột, đừng vội vã, mọi đứa trẻ đều cần kiên nhẫn và bao dung để trở thành đứa trẻ tốt hơn.