Chúng ta luôn mong muốn con mình học tập trong môi trường tốt nhất, để có thể đạt được những tiến bộ nhanh chóng. Vì thế, không ít bố mẹ luôn mong mỏi tìm cho con được một ngôi trường tốt, một người thầy tận tâm để đồng hành cùng con. Thế nhưng trong cùng một môi trường giáo dục, tại sao có trẻ tiến bộ vượt bậc, trong khi trẻ khác lại không? Liệu có phải con mình khác con nhà người ta? Hãy cùng lắng nghe tập podcast này để tìm hiểu câu trả lời nhé!
MỖI TRẺ LÀ DUY NHẤT!
“Tôi đã chọn trường chọn lớp theo tư vấn của một người bạn, quản lý đôn đốc con học y như người bạn ấy, thậm chí “mượn” cả những lời khen anh chị ấy hay nói với con mình để khích lệ con vậy mà con tôi vẫn không quá nổi điểm 5 trên lớp? Hay con tôi có vấn đề về tiếp thu vậy?”

Để tìm câu trả lời, chúng ta hãy cùng điểm qua những yếu tố ảnh hưởng đến tính cách và năng lực của mỗi trẻ :
- Thứ nhất phải kể đến là yếu tố di truyền: Mỗi trẻ đều thừa hưởng một bộ gen duy nhất từ cha mẹ của mình, dẫn đến sự khác biệt trong các đặc điểm của chúng. Di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách, sở thích và khả năng của con.
- Yếu tố thứ 2 là môi trường: bao gồm gia đình, trường học và cộng đồng, cũng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của một trẻ em. Những trải nghiệm khác nhau trong môi trường sống có thể dẫn đến sự khác biệt trong tính cách, sở thích và khả năng của trẻ em.
- Yếu tố thứ 3 - Tương tác xã hội: Các mối quan hệ với bạn bè, gia đình và giáo viên có thể ảnh hưởng đến cách trẻ nhìn nhận bản thân và thế giới xung quanh.
- Và yếu tố thứ 4 - Sự tự khám phá: Khi trẻ em lớn lên, trẻ sẽ bắt đầu khám phá bản thân và mọi thứ xung quanh. Quá trình tự khám phá này giúp trẻ phát triển tính cách và sở thích riêng biệt.
Thông qua 4 yếu tố này, con chúng ta đã từng ngày hình thành nên cá tính và tiềm năng của chính mình, và vì trải nghiệm và xuất phát điểm của trẻ là hoàn toàn khác nhau, cho nên mỗi trẻ là một cá thể duy nhất và đặc biệt. Chính vì thế mỗi đứa trẻ đều xứng đáng có một lộ trình học tập được ‘thiết kế riêng’ phù hợp với tính cách và tiềm năng của mình. Trước thế giới tràn đầy cơ hội đang chờ đón con, những đặc điểm khác biệt giữa trẻ là hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Việc công nhận và tôn trọng sự độc đáo của mỗi trẻ là một yếu tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con.
“ĐO NI ĐÓNG GIÀY” LỘ TRÌNH HỌC CHO TRẺ LÀ THẾ NÀO?
Albert Einstein từng nói: ‘Tất cả chúng ta đều là những thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống cả đời tin rằng mình thật ngu ngốc.’
Thực tế mà nói, chính chúng ta cũng đã có thể trải nghiệm việc học tập cá nhân hoá bằng một cách nào đó trong quá khứ, chẳng hạn như buổi học kèm riêng, hay việc cô giáo mời “nói chuyện riêng” để chấn chỉnh sau những vi phạm của mình, đó chính là những hình thức đơn sơ của việc giáo dục cá nhân hoá, thông qua việc phân tích ưu thế và điểm yếu, người thầy đưa ra những giải pháp cụ thể phù hợp với từng học sinh, qua đó giúp con cải thiện hoặc phát huy ưu điểm.
Ngày nay, nhờ các phương pháp học tiên tiến và công nghệ, việc “đo ni đóng giày” lộ trình học tập đã có thể được áp dụng rộng rãi. Phương pháp này tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu học tập riêng biệt của từng học sinh, giúp nâng cao thành tích, tăng cường sự tương tác và cải thiện thái độ học tập.
- Mỗi trẻ có tốc độ học, sở thích và phong cách học tập riêng. Học tập cá nhân hóa giúp điều chỉnh quá trình học để phù hợp với từng cá nhân, khiến việc học trở nên hứng thú và hiệu quả hơn.
- Nghiên cứu của Pearson chỉ ra rằng học sinh được cá nhân hóa học tập đạt điểm cao hơn 17% so với học sinh theo phương pháp truyền thống.
- Gallup ghi nhận học sinh học tập cá nhân hóa có khả năng tương tác trong lớp cao hơn 25%.
- Còn nghiên cứu của Berkeley ghi nhận học sinh được sử dụng công nghệ cá nhân hóa học tập có thái độ tích cực hơn 20%.

“ĐO NI ĐÓNG GIÀY” LỘ TRÌNH HỌC CHO TRẺ ĐANG LÀ XU HƯỚNG
Vì đã được chứng minh đem lại nhiều kết quả tích cực, các nước phát triển như Hoa Kỳ, Canada, Anh và Australia đã áp dụng học tập cá nhân hóa vào hệ thống giáo dục của mình với nhiều hình thức khác nhau.
Nhiều trường học ở các nước phát triển sử dụng công nghệ để cá nhân hóa quá trình học tập. Các nền tảng học tập, phần mềm giáo dục thích ứng và các công cụ đánh giá tiến độ học tập giúp giáo viên điều chỉnh nội dung và lộ trình học tập cho từng học sinh.
Hiện nay với sự hỗ trợ của công nghệ, việc cá nhân hoá quá trình học tập ngày càng trở thành một xu hướng tất yếu, tuy nhiên cần phân biệt rõ việc cá nhân hoá bằng công nghệ với việc số hoá nội dung giảng dạy (e-learning). Nếu chúng ta đưa một nội dung học lên màn hình máy tính, một người giáo viên sử dụng ứng dụng trực tuyến để dạy học, đó chỉ đơn thuần là số hoá nội dung giảng dạy. Việc cá nhân hoá lộ trình học tập thật sự cần nhiều hơn thế, nó đến từ việc theo dõi, phân tích học tập chuyên sâu và liên tục, kết hợp với kinh nghiệm và trình độ của một người thầy và tổ chức giáo dục, để có thể đưa ra các phương pháp phù hợp nhằm nuôi dưỡng và cổ vũ tiềm năng của từng học sinh. Đây mới là sự khác biệt chỉ có ở những tổ chức giáo dục uy tín và kinh nghiệm.
LÀM THẾ NÀO GIÚP CON CÓ ĐƯỢC MỘT LỘ TRÌNH HỌC “ĐO NI ĐÓNG GIÀY” CHO CHÍNH TIỀM NĂNG CỦA MÌNH?
Việc xây dựng lộ trình học “đo ni đóng giày” đòi hỏi nỗ lực từ giáo viên, hệ thống chăm sóc học viên, chương trình học, nền tảng học tập và sự đồng hành của bố mẹ.
Đối với giáo viên: Việc giảng dạy không chỉ là truyền tải kiến thức mà còn là khám phá tiềm năng thực sự của từng học sinh. Khi đó, những gì học sinh được dạy sẽ có tác động vượt xa khỏi khuôn khổ lớp học.
Đối với Đội ngũ Dịch vụ: sẽ không chỉ cung cấp dịch vụ đơn thuần mà còn nuôi dưỡng mối quan hệ dựa trên sự đồng cảm và hiểu biết sâu sắc. Điều này đảm bảo rằng mọi phụ huynh đều cảm thấy được hỗ trợ và quan tâm.
Đối với Chương trình Học tập và Nền tảng Học tập: Trải nghiệm học tập tiêu chuẩn đang nhường chỗ cho hành trình cá nhân hóa hơn, nơi tiềm năng và sở thích của từng học sinh được ghi nhận và vun đắp.
Vậy vai trò của phụ huynh trong xu thế này là gì? Một “đôi giày chặt” hay rộng đều sẽ không giúp con phát huy được chính tiềm năng của mình!
Chúng tôi xin dành tặng các cha mẹ một vài lời khuyên nhỏ này để “đo ni đóng giày” lộ trình học của con cho chuẩn.
- Thay đổi tư tưởng là việc đầu tiên cần làm. Không có đứa trẻ dốt kém, chỉ có đứa trẻ chưa tìm được phương pháp học phù hợp. Bố mẹ hãy tin vào con mình như tin vào chính mình nhé!
- Một cơ sở giáo dục, một người thầy chất lượng không hẳn chỉ đo lường ở thành tích của họ với những đứa trẻ họ đã dạy trước đó. Mà là với con bạn, họ “hiểu” con bạn đến đâu. Một giáo viên giỏi phải là người có khả năng sử dụng các phương pháp sư phạm tiên tiến, giúp học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn phát triển kỹ năng tư duy và truyền cảm hứng để các em trở nên tự tin, không sợ mắc lỗi để tiến bộ nhanh hơn và không ngừng khám phá thế giới quanh mình.
- Nhưng hỗ trợ thế nào? Đừng chạy theo sự hoành tráng của những chương trình khuyến mãi. Sự đánh đổi giảm chi phí và chất lượng giáo dục sẽ luôn luôn đem lại nhiều mất mát hơn là sự tiết kiệm trước mắt.
Trước khi đưa ra lựa chọn cho một môi trường giáo dục, bố mẹ hãy tự đặt câu hỏi:
- Về mức độ thấu hiểu trẻ: Môi trường giáo dục này có đưa ra được sự đánh giá và phân tích cho con tôi không? Tôi phải chờ bao lâu để có đánh giá đó?
- Về Kinh nghiệm chuyên môn: Môi trường này có đủ kinh nghiệm và chuyên môn để đưa ra những giải pháp hiệu quả cho con tôi không?
- Về Phương pháp nuôi dưỡng từng bước tiến học tập: Môi trường này có đưa ra được những hỗ trợ nằm trong phạm vi tuỳ biến theo con không? Họ có thể đồng hành và cổ vũ con không?
TÓM LẠI
Trọng điểm của ‘Giáo dục đo ni đóng giày’ là giúp từng trẻ em phát triển đúng với tiềm năng của mình.
Và điều này chỉ có các đơn vị uy tín mới có thể làm được, nhờ liên tục chú trọng đầu tư vào chất lượng chương trình giảng dạy, xây dựng tầm nhìn doanh nghiệp nơi mà sự chính trực và thành công của học viên đặt lên hàng đầu.
Mặc dù học tập cá nhân hóa đang ngày càng phổ biến tại các nước phát triển, nhưng cần lưu ý rằng việc triển khai có thể khác nhau đáng kể. Các yếu tố như tài chính, đào tạo giáo viên và cơ sở hạ tầng công nghệ có thể là thách thức của từng khu vực.
Nhưng cho dù thế nào, học tập cá nhân hóa sẽ vẫn là tương lai của giáo dục, mang đến sự công bằng cho tất cả học sinh bằng cách cung cấp cho con sự hỗ trợ cần thiết và đúng đắn cho thành công của chính con.