Bố mẹ thân mến, thích chơi hơn thích học có lẽ vốn là tâm lý rất thông thường ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đó là khi việc học diễn ra một chiều, thụ động, mang tâm lý nghĩa vụ.
Vậy, làm thế nào để chúng ta có thể giúp con học ngoại ngữ một cách chủ động và đạt được hiệu quả như mong muốn, hãy cùng nhau tìm hiểu trong nội dung podcast ngày hôm nay nhé!
Học ngôn ngữ giúp các em phát triển nhận thức, nâng cao sự tự tin và mang đến cơ hội học tập và phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Thật không may, với cách dạy ngoại ngữ truyền thống, đa số trẻ em cảm thấy không mấy yêu thích việc học ngôn ngữ này. Sau vài năm học, thậm chí không bao giờ nhớ được nhiều hơn một vài từ. Đó là bởi vì trẻ không nhận ra được lợi ích của ngoại ngữ, đặc biệt nếu các em ở một quốc gia mà ngôn ngữ chúng đang học không được sử dụng nhiều như Việt Nam. Quả là cả một sự phí phạm về đầu tư và quan trọng hơn là thời gian.
Với tư cách là cha mẹ, chúng ta luôn gặp những thử thách khi đồng hành cùng con, đặc biệt là khi việc học ngôn ngữ là một quá trình kéo dài nhiều năm tháng,
Tuy nhiên, bố mẹ đừng quá lo lắng! Với một vài điều chỉnh nhỏ và dành cho con một khoảng thời gian nhỏ mỗi tuần, bố mẹ có thể biến những bài học thành khoảng thời gian mà con mong đợi.
Dưới đây là 10 bí quyết học ngôn ngữ dành cho phụ huynh, biến những người không mấy yêu thích học ngôn ngữ nhất trở thành người đam mê ngôn ngữ:
Bí quyết thứ nhất đó là sử dụng đa dạng tài liệu học tập
Nếu con đọc mãi một cuốn sách, con sẽ sớm cảm thấy nhàm chán, đó chính là phản ứng rất bình thường của một đứa trẻ. Giao diện nhàm chán và lặp lại sẽ khiến con mất động lực. Ngược lại, sự lặp lại thường xuyên lại là chìa khóa để học ngôn ngữ thành công. Vậy chúng ta giải quyết vấn đề này như thế nào? Chúng ta có thể sử dụng đa dạng tài liệu học tập như: bài hát, video, truyện tranh, truyện cười, câu đố, công thức nấu ăn và trò chơi…
Đừng ngại cho con tiếp xúc với internet và nội dung youtube, quan trọng là chúng ta có thể quản lý nội dung và thời gian. Có rất nhiều tài liệu học tập rất hay có thể dễ dàng tìm thấy trên internet, đừng để sách giáo khoa là tài liệu học tập duy nhất của con. Hãy cho con trải nghiệm không chỉ là những trang sách mà còn là những video khám phá, những trò chơi thú vị hay là những chủ đề nghiên cứu mà con yêu thích thông qua tiếng Anh. Điều quan trọng là hãy cố gắng tìm những tài liệu đã được đồng bộ để việc học được bổ trợ lẫn nhau. Ở các tổ chức giáo dục uy tín và chất lượng, các nội dung dạy học thường được đồng bộ hoá, qua đó con học kiến thức mới ở lớp và ôn luyện những kiến thức đã học thông qua những video, trò chơi vui nhộn ở nhà. Điều này giúp con dễ dàng nhanh chóng tiếp thu kiến thức mà không phải kéo dài thời gian học quá nhiều.
Khi tiếp xúc với nhiều nguồn nội dung được chọn lọc phù hợp, con sẽ có cơ hội để phát triển tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Mỗi loại tài liệu học tập đều ưu điểm riêng giúp con tiếp thu kiến thức theo những cách khác nhau. Và mỗi loại tài liệu phản ánh một phần văn hóa của ngôn ngữ mà con đang học. Việc sử dụng đa dạng tài liệu học tập sẽ giúp con hiểu rõ hơn về văn hóa ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên hơn.
Bí quyết thứ 2: bố mẹ hãy để con lựa chọn
Một cách tuyệt vời khác để duy trì động lực học tập là cho con quyền lựa chọn. Đừng để con phải ngồi vào bàn với sự nhắc nhở và thúc ép của bố mẹ, lúc nào cũng bị động, làm theo những điều người lớn nói quả không thú vị cho lắm. Hãy đưa ra cho con những lựa chọn, cũng là mục đích học thêm từ vựng về các đồ vật xung quanh, nhưng thay vì ngồi vào bàn mở sách ra đọc vẹt thì con có thể cùng bố mẹ chơi trò chơi dán đúng chữ vào những đồ vật đang ở trong nhà. Hãy để con lựa chọn giữa các chủ đề, tài liệu học tập hoặc hoạt động con muốn thực hiện (nhưng không phải đưa cho con tất cả lựa chọn cùng một lúc!). Hãy cho con quyền lựa chọn có chọn lọc để con vẫn tập trung vào lĩnh vực cần cải thiện hoặc chủ đề mà con cần xem lại.
Bí quyết 3: Hãy trao quyền cho con
Thay đổi một chút đôi khi sẽ mang lại những kết quả bất ngờ! Trao quyền cho con trong quá trình học tập sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp con tự tin, ham học hỏi.
Vì vậy, hãy trả lại cho con một phần quyền lực đó và để con làm thầy cô của bố mẹ trong một thời gian! Hãy để con chọn hoạt động, giả vờ như bố mẹ đã quên một từ hoặc cụm từ, để con sửa lỗi cho bố mẹ.
Lưu ý nhỏ đó là bố mẹ hãy đề xuất cho con chủ đề mà con muốn chia sẻ kiến thức với bố mẹ. Con có thể chọn chủ đề mà con yêu thích hoặc chủ đề mà con đang học tập. Khi con chia sẻ kiến thức, hãy lắng nghe con một cách chăm chú và ghi chép lại những nội dung quan trọng, đồng thời bố mẹ cũng có thể đặt câu hỏi để giúp con hiểu rõ hơn về kiến thức mà con đang chia sẻ. Đừng quên dành cho con một lời khen nếu con đã hoàn thành tốt “công việc” của mình nhé
Bí quyết thứ 4: Hãy cùng con lập kế hoạch
Lập kế hoạch học tập là một kỹ năng quan trọng mà con cần học hỏi để có thể học tập hiệu quả và thành công. Hãy kiên nhẫn hướng dẫn con cách lập kế hoạch học tập và giúp con thực hiện kế hoạch của mình.
Bước đầu tiên để lập kế hoạch hiệu quả đó là: xác định rõ mục tiêu. Mục tiêu này cần phải cụ thể, rõ ràng và phù hợp với khả năng của con. Hãy thử gắn kết mục tiêu với những lợi ích mà con có được, chẳng hạn như học tiếng Anh để cả nhà cùng nhau đi du lịch.
Tiếp đến, thời khóa biểu cần cụ thể bao gồm thời gian học, thời gian ôn, thời gian nghỉ ngơi và phù hợp với lịch sinh hoạt của con. Nếu bài học quá dài, hãy chia nhỏ bài học thành nhiều phần nhỏ hơn. Điều này sẽ giúp con dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn và tránh cảm thấy quá tải. Hãy theo dõi sát sao quá trình học tập của con và điều chỉnh kế hoạch học tập khi cần thiết.
Bí quyết 5: Học mọi lúc mọi nơi
Học mọi lúc mọi nơi không phải là việc đề nghị con ngồi vào bàn học tất cả những lúc con rảnh rỗi. Hãy cùng con tận dụng tối đa thời gian, tạo cơ hội để con ôn tập và áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, thông qua nhiều hoạt động khác nhau thay vì chiếc bàn học nhàm chán. Một trò chơi hay một dự án nho nhỏ kéo dài vài ngày cùng nhau sẽ đem lại lợi ích đặc biệt đối với việc học từ vựng. Học mọi lúc mọi nơi là một phương pháp vô cùng hiệu quả giúp con ghi nhớ từ vựng một cách nhanh chóng và lâu dài.
Ví dụ: nếu bố mẹ đang ngồi trong quán cà phê với con, hãy trao đổi với con về đồ uống bằng ngôn ngữ con đang học. Con sẽ ghi nhớ tốt hơn khi thường xuyên phải nhớ lại từ vựng con đang học trong những hoàn cảnh thực tế và cụ thể.