Là nhà sáng lập hệ thống trung tâm Anh ngữ đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những giáo viên nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam từ gần 30 năm trước, Ông Khalid Muhmood đã chia sẻ với VnExpress về sự thay đổi và tương lai của giáo dục tư nhân sau phép thử đại dịch.
- Hơn 2 năm đại dịch đã tạo ra những thay đổi đáng kể nào tới giáo dục, cụ thể là việc dạy và học, thưa ông?
- Đại dịch đã tạo ra những khủng hoảng ngắn hạn ban đầu và nhu cầu thay đổi dài hạn. Bên cạnh du lịch, giáo dục là một trong những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên và hồi phục chậm nhất. Hai năm đại dịch đã thanh lọc hệ thống giáo dục, một tổ chức phải thực sự vững mạnh mới có thể vượt qua và tiếp tục trang bị tốt hành trang cho thế hệ tiếp theo.
Trong bối cảnh giãn cách, người học không còn lựa chọn nào khác là chuyển sang học online. Phương thức này thực ra đã có từ trước. Chúng tôi đã triển khai dạy và học trực tuyến từ 10 năm trước và vẫn không ngừng mở rộng, cải tiến, nhưng đại dịch đã thực sự "tăng tốc" quá trình này, cùng với đó là những nỗ lực hết sức để có thể đạt hiệu quả cao trong dạy và học online.
- Một trung tâm tiếng Anh có tuổi đời 30 năm tại Việt Nam đã ứng phó với đại dịch như thế nào?
- Gần 3 thập kỷ có mặt tại Việt Nam, chúng tôi đã trải qua những mốc thời gian đáng nhớ, như SARS, khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng phải nói rằng, chưa có một biến cố nào như đại dịch Covid-19 lần này với tác động tới không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Đại dịch đặt các trung tâm Tiếng Anh, đứng giữa hai lựa chọn: một là đóng cửa và "nằm im", hai là xoay sở tìm cách duy trì hoạt động dạy và học. Chúng tôi chọn cách thứ hai, thay vì lo lắng thì tập trung đảm bảo cho quá trình dạy và học diễn ra liên tục, không gián đoạn. Là những người làm giáo dục, chúng tôi không thể để học sinh của mình bị bỏ lại phía sau.
Chúng tôi tự hào vì tạo ra nền tảng học online khá đặc biệt, nơi mà trải nghiệm học tập được giữ vẹn toàn. Mô hình này được xây dựng từ mong muốn giúp học viên luôn có cảm hứng trong việc học. Đây thật sự là một thử thách.
Nhiều người cho rằng, dạy học online đơn giản là giảng dạy bài học trước máy tính và học sinh theo dõi ở nhà, qua màn hình, nhưng với chúng tôi điều đó phức tạp hơn nhiều. Chúng tôi đã tìm cách đưa những hoạt động ngoài lớp học lồng ghép vào chương trình, những câu lạc bộ dành cho học sinh đam mê khoa học nghệ thuật hoặc thể thao được tổ chức, thông qua hình thức online nhưng vẫn phải đảm bảo tính tương tác tốt và giữ vẹn toàn sự hấp dẫn. Đại dịch là thử thách mà nhờ đó chúng tôi chứng minh được lối đi riêng. Lạc quan mà nói, nhờ đại dịch chúng tôi vững mạnh hơn và trở nên linh hoạt hơn trong mọi hoàn cảnh.
- Dịch bệnh khiến nhiều trung tâm Anh ngữ lao đao thậm chí phải đóng cửa. Trong vai trò một nhà giáo dục kỳ cựu ông học được gì từ bối cảnh này?
- Nhiều hệ thống trung tâm phải đóng cửa, tuy là điều không mong muốn nhưng điều này không tránh khỏi như một sự chọn lọc tự nhiên. Sau tất cả những khó khăn, sự lựa chọn của phụ huynh ngày nay sẽ hướng về những trung tâm có chất lượng đảm bảo. Chúng tôi vẫn cố gắng tiếp tục tập trung vào trải nghiệm học tập tốt nhất.
Đây cũng là một trong những giá trị cốt lõi xuyên suốt gần 3 thập kỷ hoạt động tại Việt Nam của chúng tôi. Đặc biệt, khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi tìm mọi cách để giữ được trải nghiệm này xuyên suốt và trọn vẹn thông qua đổi mới, sáng tạo, luôn vận động, thử nghiệm những điều mới, từ đó biết rõ điều gì hiệu quả và không hiệu quả. Điều này đã được tóm gọn trong nỗ lực theo đuổi "Where the best become better" (Nơi những giá trị tốt nhất trở nên tốt hơn nữa).
Chúng tôi cũng may mắn khi có các thế hệ học sinh, phụ huynh đã đặt niềm tin mạnh mẽ. Với sự tin tưởng đó, 90% lớp học đã chuyển sang hình thức online, và luôn duy trì quá trình học liên tục trong suốt đại dịch. Nguyên tắc như "kim chỉ nam" của chúng tôi là đặt khách hàng ở trung tâm của mọi hoạt động, mọi quyết định, tập trung vào những trải nghiệm học tốt nhất.
Chúng tôi cũng đặt sự hợp tác như giá trị cốt lõi trong hoạt động, không chỉ là sự đoàn kết, đồng lòng trong đội ngũ, mà còn là với các phụ huynh. Mọi người cùng "bắt tay" để đem đến trải nghiệm học tốt nhất, hiệu quả nhất cho trẻ.
- Có quan điểm cho rằng học online là giải pháp tức thời trước đại dịch, không hiệu quả và phù hợp cho lâu dài. Ông nghĩ sao về điều này?
- Có nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả của học trực tuyến. Vào giai đoạn đầu tiên, gần như 100% phụ huynh của chúng tôi phản đối phương thức học này. Không thể đánh đồng chất lượng học online của các tổ chức khác nhau. Muốn xây dựng việc học online hiệu quả, trước tiên tổ chức giáo dục cần có đủ kinh nghiệm để đảm bảo chất lượng trải nghiệm học tập. Đại dịch đã vô tình đưa học online trở thành xu hướng ở các nước đã phát triển, bởi họ đã có được nền tảng kinh nghiệm giáo dục vững chắc. Về lâu dài, tôi tin rằng Việt Nam cũng đi theo xu hướng này, khi phụ huynh bắt đầu quan tâm tìm kiếm tổ chức giáo dục uy tín cho con.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa việc dạy và học trực tuyến là giải pháp duy nhất. Với người lớn, chúng ta có thể nhanh chóng thích ứng với việc học online. Tôi thậm chí còn lên kế hoạch học tiếng Việt trực tuyến khi ở Anh. Nhưng với các em nhỏ, đặc biệt ở độ tuổi từ 3 đến 11 thì khác, học online với các em có thể coi là giải pháp nhưng quan trọng nhất vẫn là cách tương tác trong quá trình học, đảm bảo được khả năng học theo nhóm để đạt sự tiến bộ nhanh.
- Vậy theo ông, thế nào là giải pháp dạy và học bền vững?
- Covid-19 đưa học online là một lựa chọn bắt buộc, còn giải pháp dạy và học bền vững, theo tôi, là kết hợp giảng dạy trực tiếp và trực tuyến, để đem đến những trải nghiệm học tập hiệu quả và tuyệt vời nhất, đây cũng chính là xu hướng mới ở các nước đã phát triển.
Tại thị trường Việt Nam, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục ứng dụng phương pháp này và phát triển hơn nữa. Điều quan trọng vẫn là tính hiệu quả và bền vững của những gì ứng dụng. Chúng tôi chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục lấy chất lượng trải nghiệm học tập của học sinh làm trung tâm. Thêm nữa, các em nhỏ ngày nay cần học hỏi và tiếp thu dựa vào những tiến bộ của công nghệ. Công nghệ sẽ đặc biệt hữu ích khi được cá nhân hoá, khi cho phép chúng ta nhanh chóng và dễ dàng theo dõi được tiến trình học tập, sự tiến bộ, phân tích tính hiệu quả của từng học viên.
Với tiếng Anh, hơn cả một ngôn ngữ, đó còn là cơ hội để giao tiếp, kết bạn, kinh doanh, du học. Những trải nghiệm sống động và kết nối đó cần đưa vào quá trình dạy và học.
- Ông nghĩ sao về làn sóng số hoá diễn ra trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua?
- Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là tìm ra được công nghệ thực sự hữu ích. Tôi cảm nhận rằng từ khi Covid-19 xảy ra, có một làn sóng số hoá đang diễn ra chóng mặt trên nhiều phương diện, mọi thứ đều "online". Nhiều trong số đó mang lại kết quả, nhưng không ít chỉ giống như chạy theo trào lưu, sớm nở chóng tàn.
Chúng tôi vẫn hàng ngày quan sát, thử nghiệm, học hỏi từ những công nghệ thực sự hữu ích và mang tính bền vững, và nhận diện xem cái gì chỉ là nhất thời, là theo xu hướng. Một lần nữa sự khác biệt ở đây sẽ đến từ kinh nghiệm của hệ thống giáo dục đứng sau mỗi nền tảng. Tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều doanh nhân khởi nghiệp cùng trong lĩnh vực giáo dục. Họ tìm được nhiều nhà đầu tư, kêu gọi nguồn vốn để mở trung tâm đào đạo, thu hút được những khách hàng ban đầu, nhưng sau đó không giữ chân được khách hàng nữa, có nghĩa là thiếu tính bền vững. Nguồn tài chính quan trọng, nhưng tôi nghĩ quan trọng hơn là tầm nhìn bền vững và dài hạn cho tương lai.
- Nhìn lại 30 năm qua, đâu là những dấu ấn mà ông tự hào đã đem đến cho giáo dục Việt Nam?
- Đó là sự đổi mới, sáng tạo. Tôi thành lập Apollo vào năm 1995. Apollo có thể coi là trung tâm Anh ngữ có vốn đầu tư nước ngoài 100% đầu tiên tại Việt Nam. Khi tôi cùng vợ từ Anh Quốc đến một đất nước mới, không người quen biết, chúng tôi phải làm quen và tìm hiểu văn hoá, môi trường pháp lý tại Việt Nam. Rồi khi thành lập Apollo, khó khăn nối tiếp khó khăn, nhưng sau tất cả, sự đổi mới, đột phá là thứ giữ chúng tôi tồn tại và vững mạnh.
Chúng tôi tự hào khi góp phần tạo nên những tác động tích cực, thay đổi cuộc sống của nhiều người nhờ tiếng Anh. Họ đến với chúng tôi bởi nhiều lý do, vì muốn sử dụng tiếng Anh tự tin hơn, muốn học tập ở nước ngoài, muốn phục vụ cho kinh doanh, công việc. Mỗi câu chuyện, mỗi động lực khác nhau đó tiếp tục trở thành động lực cho chính chúng tôi, với sứ mệnh tạo nên những thay đổi tích cực thông qua giáo dục.
Gần ba thập kỷ có mặt tại Việt Nam, chúng tôi tự hào khi đã góp phần phát triển năng lực của đội ngũ giáo viên Anh ngữ tại Việt Nam, để không chỉ làm việc tại Apollo, họ đã tích cực đóng góp cho các tổ chức khác. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi đã tạo ra những tác động tích cực tới hệ thống giáo dục tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng tự hào khi tiên phong đem đến những trải nghiệm học tập sống động, thực tế, cập nhật xu hướng thế giới đến từng lớp học. Những nhà khoa học, nhà nhiếp ảnh, nhà văn thiếu nhi nổi tiếng thế giới được chúng tôi mời tới, trò chuyện cùng học sinh, phụ huynh và cùng trao đổi về những chủ đề mà các em tò mò và thích thú, hoàn toàn bằng tiếng Anh. Điều đó khiến việc học tiếng Anh trở nên thú vị và nhiều niềm vui, nó không còn đơn thuần là một môn ngoại ngữ nữa rồi.
- Ông đánh giá như thế nào về tương lai sử dụng Anh ngữ tại Việt Nam?
- Việt Nam đang tiến bước rất nhanh trong hành trình hoà nhập cùng các nước phát triển, điều này mở ra cơ hội lớn để đưa năng lực tiếng Anh trở thành lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia và khu vực khác. Một trong những lý do khiến Singapore thành công là bởi khả năng tiếng Anh, ở đây, mọi người đều có thể sử dụng ngôn ngữ này và đặc biệt hữu ích cho kinh doanh. Ở Việt Nam, tôi thấy việc ứng dụng tiếng Anh đang ngày càng tốt hơn, phổ biến hơn.
- Ông có lời nhắn nhủ nào tới các phụ huynh, học sinh trong giai đoạn chuẩn bị trở lại trường học sau Covid-19?
- Đầu tiên, tôi cảm ơn vì những nỗ lực duy trì việc học trong đại dịch. Tôi cũng hy vọng rằng đại dịch vừa qua là cơ hội để bạn tận hưởng những điều nhỏ nhất, thêm biết ơn và trân trọng trường lớp, những cơ hội học tập và phát triển bản thân. Hãy tin rằng thế giới đang luôn biến đổi, và điều tốt nhất có thể làm là chuẩn bị hành trang tốt nhất cho thế hệ tiếp theo, để các con có thể vững bước trong tương lai.
Nguồn: VnExpress
Nội dung: Phạm Vân - Thiết kế: Hằng Trịnh - Ảnh: Lê Tùng - Apollo
Xem thêm: