Nghiên cứu của Trường Đại học Salford (Manchester, Anh) cho thấy môi trường có 25% ảnh hưởng tới khả năng tiếp thu và thành tích học tập của học sinh. Tại Việt Nam, câu chuyện về môi trường giáo dục phù hợp vẫn còn là bài toán khó.

Khi môi trường học tập là yếu tố quyết định
Bất cứ gia đình nào có con bắt đầu học ở trường mới đều trăn trở với vài câu hỏi như : Trường công trường tư, gần nhà hay không, học phí ra sao. Một số sẽ tiếp tục quan tâm tới phương pháp giáo dục, hoạt động ngoại khóa…. và chỉ có số ít mới để ý tới mục tiêu, đường hướng của nhà trường.
Những quan tâm ấy không sai. Nhưng môi trường học tập ấy có hợp với con bạn hay không thì lại là một câu chuyện đáng nói khác, và quan trọng là phần đáng nói này lại có sức nặng hơn cả. Không phải trường công nào cũng giống nhau, và đương nhiên trường tư lại càng có nhiều quan điểm giáo dục khác biệt mạnh mẽ hơn.
Thành tích chưa tốt và ngay cả việc một số trẻ “không thích tới trường” cũng góp phần chỉ ra vấn đề của môi trường giáo dục mà trẻ đang theo học. Rõ ràng, môi trường là yếu tố góp phần quyết định “kha khá” trong lộ trình trường lớp đầu đời của trẻ.

Môi trường là một trong những yếu tố góp phần quyết định trong lộ trình trường lớp đầu đời của trẻ
Nhận biết dấu hiệu của sự “không phù hợp”
Bạn có cho rằng những câu nói: “Con không thích đi học đâu”, “Con không thích cô, không thích bạn” là do con không hợp với môi trường đang học? Cũng có thể, nhưng trường hợp này nhiều khả năng trẻ chỉ đang làm nũng, mè nheo để bao biện cho việc thích chơi hơn học.
Tác động không tốt của môi trường không phù hợp có thể dẫn tới : thành tích đi xuống, tâm lý của trẻ bất ổn, không được vui vẻ hoạt bát tự nhiên. Và đây là những dấu hiệu cụ thể cha mẹ cần chú ý khi nghĩ đến sự “không phù hợp”
Giải pháp là điều ai cũng cần
Việc phải gồng mình trong một môi trường không phù hợp được các chuyên gia giáo dục Mỹ nhận định có thể khiến trẻ nảy sinh tâm lý chán ghét việc học. Đồng thời, khả năng thích nghi với môi trường mới cũng bị kìm hãm, ảnh hưởng không ít tới các kĩ năng mềm quan trọng khác như tính độc lập, tự tin, sáng tạo…..
Cái không phù hợp ở đây có thể chỉ ra:
1. Một số trường vẫn nặng nề phương pháp học truyền thống đầy lý thuyết, thiếu sân chơi, thiếu thực hành. Một số trường phong cách quá “Tây”, trẻ khó thích nghi.
Khi vấn đề đến từ tầm vĩ mô, trước mắt bố mẹ phải đảm bảo hiểu rõ con mình có tính cách thế nào. Bé hoạt bát hay trầm tính, bé thuộc típ chủ động hay rụt rè nhút nhát. Những gì con cảm thấy ở trường mới là nhất thời hay vấn đề cố hữu. Bố mẹ có thể chọn cách giải thích, khuyên nhủ trước. Nếu cảm thấy rõ ràng tính cách của trẻ không hợp thì có thể nghĩ tới việc chuyển trường.

Các hoạt động ngoại khóa không chỉ giúp trẻ tăng cường sức khỏe,
giải tỏa mệt mỏi sau những giờ học căng thẳng mà còn là cơ hội để trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp
2. Trẻ không hợp với bạn bè, cách truyền tải của thầy cô làm trẻ khó tiếp thu.
Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở mức bạn bè thầy cô thì chuyển trường không phải giải pháp. Thế giới rộng lớn, trẻ cần học cách thích nghi và làm bạn với tất cả mọi người. Trong tình huống này, khuyên răn, tâm sự và giải thích là phương án được đa số chuyên gia giáo dục hướng tới.

Cha mẹ nên làm việc với sát sao nhà trường hoặc gặp gỡ đội ngũ chuyên gia giáo dục
để cùng tìm phương hướng giải quyết.
Kết
Chuyện xoay quanh giáo dục, con trẻ thì nói mãi không hết. Càng hiện đại, vấn đề nảy sinh càng nhiều và phức tạp. Nhưng quan trọng hơn cả chỉ có người lớn chúng ta mới đủ khả năng phát hiện và giải quyết. Chỉ cần bố mẹ dành nhiều thời gian, kiên nhẫn, cứng mềm khi cần thiết với con thì mọi chuyện đều có phương án.